Cơ cấu lại kinh tế đồng bộ, toàn diện, thực chất

PV.

Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đưa ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2018 vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV sáng 23/10.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Chương trình hành động

Theo đó, Chính phủ đề ra nhiệm vụ cần tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Chương trình hành động triển khai các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội về tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Cơ cấu lại NSNN và quản lý nợ công; Thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN; Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế...

Trong năm 2018, sẽ hoàn thiện và triển khai hiệu quả các quy định của pháp luật, tập trung vốn đầu tư công và tăng cường huy động các nguồn lực ngoài nhà nước cho các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, tạo sức lan tỏa và kết nối phát triển. Hoàn thiện định mức kinh tế kỹ thuật trong đầu tư xây dựng; Có giải pháp phù hợp, áp dụng ngay để tiết kiệm vốn đầu tư công. Đẩy nhanh tiến độ triển khai, chuẩn bị đầu tư các dự án giao thông trọng điểm...

Tập trung xử lý nợ xấu, đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN

Thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng sau khi được Quốc hội thông qua và Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020; Tạo chuyển biến căn bản về quản trị ngân hàng, hiệu quả và an toàn hoạt động; Thúc đẩy phát triển thị trường mua bán nợ. Tập trung xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ NSNN...

Tiếp tục triển khai quyết liệt việc cơ cấu lại, cổ phần hóa DNNN theo Đề án, tiến độ, lộ trình đề ra; Thoái hết vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chậm triển khai, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu Bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tạo chuyển biến rõ nét về năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của tập đoàn, tổng công ty; Đăng ký, niêm yết trên thị trường chứng khoán...

Công khai, minh bạch, phòng chống thất thoát, tiêu cực, lợi ích nhóm, nhất là trong việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, thuê đất, thương hiệu; xử lý nghiêm các sai phạm. Phát triển mạnh về số lượng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của DN tư nhân, nhất là DNNVV; Có giải pháp phù hợp chuyển hộ cá thể sang DN; Khuyến khích phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân vững mạnh...

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp - công nghiệp

Trong năm 2018, tập trung tháo gỡ vướng mắc, khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Thu hút mạnh DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế...

Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với đổi mới tổ chức sản xuất, nâng cao đời sống của người dân. Phát triển mạnh kinh tế hợp tác, nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới, hiệu quả và phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường.

Thúc đẩy cơ cấu lại công nghiệp, tập trung phát triển các ngành chế biến, chế tạo; Công nghiệp phục vụ nông nghiệp; Công nghiệp chế biến nông sản; sản xuất hàng gia dụng, điện tử; công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin, sinh học, môi trường, công nghiệp hỗ trợ gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, sản phẩm cạnh tranh, thân thiện môi trường.

Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như thông tin truyền thông, tài chính, ngân hàng, logistics; Thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ, vận tải tải quốc tế, phần mềm... Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật để tăng cường liên kết vùng; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; nâng cao hiệu quả điều phối vùng. Phát huy mạnh mẽ vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các trung tâm kinh tế lớn, các thành phố trực thuộc Trung ương...