Cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ

Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Trường An

Nền kinh tế khủng hoảng đã khiến lượng doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động, phá sản ngày một tăng lên. Cụ thể năm 2010 con số DN ngừng hoạt động, phá sản là 43.000; năm 2011 là 53.000; năm 2012 trên 54.000; những tháng đầu năm 2013, mỗi tháng có 4.900 - 5.000 và nâng tổng số đến nay là 20.000 DN ngừng hoạt động, phá sản.

 Cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ
Trong khủng hoảng, DN nhỏ tranh thủ giai đoạn khó khăn này để giành lấy thị phần từ đối thủ. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, trong tình hình đó vẫn có nhiều DN được thành lập mới. Nổi bật trong quý I/2013, số lượng DN quay trở lại hoạt động là 7.645 DN. Như vậy, có thể nói, trong bất kể hoàn cảnh nào, kể cả trong khủng hoảng vẫn luôn có cơ hội cho DN. Bởi khủng hoảng không dành riêng cho DN nào. Khủng hoảng tác động tiêu cực cho DN, nhưng cũng gây khó cho cả đối thủ cạnh tranh. Và một thực tế, đối thủ càng lớn, khó khăn có thể càng nhiều. Và đây chính là cơ hội để DN yếu, DN nhỏ thu hẹp khoảng cách và tìm cách vượt lên DN mạnh.

Thực tế, trong khủng hoảng, các DN lớn thường cắt giảm ngân sách tiếp thị. Minh chứng gần đây, thị trường thưa dần những chiến dịch tiếp thị, quảng cáo kiểu “bom tấn” mà các DN lớn giai đoạn trước thường sử dụng. Đây là cơ hội “ngàn năm có một” cho DN nhỏ tranh thủ giai đoạn khó khăn này để giành lấy thị phần từ đối thủ. DN nhỏ khôn khéo, biết nhân cơ hội này, gắng “gồng mình” lên, triển khai các chương trình marketing nhỏ lẻ, đẩy mạnh các hoạt động bán hàng, chăm sóc khách hàng, sẽ dễ dàng giành lấy thị phần từ đối thủ lớn mà trong giai đoạn bình thường rất khó giành được.

Lịch sử đã chứng minh rằng các DN, thậm chí cả nền kinh tế thế giới, luôn phát triển theo chu kỳ tuần hoàn với các giai đoạn nối tiếp nhau bao gồm củng cố, tăng trưởng, suy thoái, phục hồi và lại bắt đầu một chu kỳ mới. Nếu làm "ông chủ" thì điều quan trọng nhất là cơ hội kinh doanh.

Ở khía cạnh khác, cũng có thể nhận thấy, thời kỳ kinh tế phát triển thì ngành này phát triển kéo theo ngành nghề khác cũng phát triển, tạo ra vô số những cơ hội kinh doanh. Nhưng khi nền kinh tế gặp khó khăn như hiện nay thì cơ hội kinh doanh bị thu hẹp hơn so với trước đó và điều kiện để tổ chức hoạt động kinh doanh khó hơn rất nhiều. Ở thời điểm hiện nay, bản thân những người kinh doanh từng được gọi là "có máu mặt" cũng không khai thác hết được các nguồn lực về vốn. Nhưng có một lợi thế là họ có ưu thế về nguồn lực, địa điểm. Bây giờ, mặt bằng cho thuê khá nhiều, giá thấp, vì thế cơ hội tiếp cận sẽ rất nhiều. Mặt khác, nhân lực cũng dễ tập hợp hơn.Trước đây, khi nền kinh tế bùng nổ thì những nơi thu nhập cao đã hút hết nhân lực.

Như vậy, đối với người trẻ muốn khởi nghiệp theo kiểu làm chủ thì họ có nhiều cơ hội kinh doanh hơn. Tiếp cận vốn khó khăn hơn, nhưng đổi lại có lợi thế về mặt bằng và nhân lực. Ví dụ, năm 2008, khi cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính xảy ra, nhiều sinh viên Việt Nam từ Mỹ về nước vì họ không kiếm được việc làm ở Mỹ. Tại thời điểm đó, Việt Nam đã hút được một nguồn nhân lực chất lượng cao.