Cơ hội và thách thức khi thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới


Từ năm 1986 đến nay, Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực và phát triển. Sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 1/2007 đánh dấu sự hội nhập toàn diện của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới.

Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Nguồn: Internet
Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Nguồn: Internet

Đến nay, Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Sự ra đời của các FTA và FTA thế hệ mới là xu hướng tất yếu mà các nước, trong đó có Việt Nam nếu muốn tiếp tục phát triển bền vững. Tuy nhiên, do các FTA được ký kết liên tiếp nhau trong thời gian ngắn, nên Việt Nam còn rất nhiều vấn đề cần phải tiếp tục xây dựng và kiện toàn khi tiến hành thực thi các FTA, đặc biệt là đối với 2 FTA thế hệ mới - Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA).…

Theo quan điểm truyền thống, FTA là hiệp định hợp tác kinh tế được ký kết giữa ít nhất hai nước, nhằm cắt giảm các hàng rào thương mại, cụ thể là thuế quan, quota nhập khẩu và các hàng rào phi thuế quan khác, đồng thời, thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa các nước này với nhau. Một trong các đặc điểm quan trọng của FTA truyền thống là các thành viên của FTA không có biểu thuế quan chung trong quan hệ thương mại với các nước bên ngoài FTA. Các FTA điển hình theo khái niệm này là FTA ASEAN (AFTA).

Thuật ngữ “thế hệ mới” hoàn toàn mang tính tương đối, được sử dụng để nói về các FTA có phạm vi toàn diện, vượt ra ngoài khuôn khổ tự do hóa thương mại hàng hóa, có nhiều vấn đề mới, mục tiêu là giải quyết các vấn đề mới phát sinh và tồn tại so với các FTA đã ký trước đây như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)… So với các FTA truyền thống, thì các FTA thế hệ mới có các nội dung mới như: Đầu tư, cạnh tranh, mua sắm công, thương mại điện tử, khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển cũng như dành thời gian chuyển đổi hợp lý để nước đi sau có thể điều chỉnh chính sách theo lộ trình phù hợp với trình độ phát triển của mình...

Đáng chú ý, các FTA thế hệ mới không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động và môi trường, mà chỉ khẳng định lại các tiêu chuẩn lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và các tiêu chuẩn môi trường và phát triển bền vững của Liên Hợp quốc (UN).

Một số nội dung đã có trong các FTA truyền thống và các hiệp định của WTO song được các FTA thế hệ mới hoàn thiện, bổ sung hoàn chỉnh hơn như: Thương mại hàng hóa, bảo vệ sức khỏe động vật và thực vật trong thương mại quốc tế, thương mại dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ, tự vệ thương mại, quy tắc xuất xứ, minh bạch hóa và chống tham nhũng, giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài… điển hình như: Trong các FTA “thế hệ mới”, về thương mại hàng hóa, phần lớn hàng nhập khẩu sẽ được loại bỏ thuế quan; về thương mại dịch vụ và đầu tư, các cam kết đều cao hơn so với cam kết WTO. Như vậy, so với các hiệp định của WTO, thì các FTA “thế hệ mới” chính là các hiệp định “WTO cộng”, với những nội dung trước đây từng bị từ chối, nay lại cần thiết phải chấp nhận, bởi bối cảnh thương mại quốc tế đã thay đổi.

Xét về tổng thể, các nội dung có trong FTA truyền thống và WTO đều đã được FTA thế hệ mới đề cập nhưng với mức độ, chuẩn mực sâu sắc và đầy đủ hơn. Nghĩa là, nếu như với các FTA truyền thống, phạm vi ký kết và ảnh hưởng chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, thì với việc tham gia FTA thế hệ mới, ngoài kinh tế, các lĩnh vực chính trị và ngoại giao cũng sẽ bị tác động và ảnh hưởng toàn diện.

Tác động của FTA thế hệ mới

Về mức độ tác động, cũng như tất cả các điều ước quốc tế khác, FTA thế hệ mới mang đến cho Việt Nam và các nước tham gia những tác động tích cực lẫn tiêu cực. Cụ thể như:

Tác động tích cực

Thứ nhất, sau khi ký kết, Việt Nam sẽ thu hút thêm được nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn, có tiềm năng từ các nước châu Âu đầu tư vào trong nước, góp phần thúc đẩy nền kinh tế từ sản xuất xuất khẩu các sản phẩm chủ yếu thô sơ và thủ công sẽ được nâng lên giai đoạn chế biến công nghệ cao, chế biến tinh với giá trị gia tăng cao hơn. Về lâu dài, sẽ thay đổi cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam. Kết quả khảo sát cho thấy, với điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, CPTPP và EVFTA có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Theo nghiên cứu này, Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số các nước tham gia hiệp định. Đối với CPTPP, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030 sẽ làm tăng 1,1% GDP; trong điều kiện kích thích năng suất thì tăng trưởng kinh tế đến năm 2030 của Việt Nam có thể tăng tới 3,5%. So với kịch bản không có EVFTA, kết quả mô phỏng cho thấy, lợi ích thu được đối với Việt Nam là 3,2 tỷ USD vào năm 2020 và 7,2 tỷ USD vào năm 2030; xét về thu nhập quốc dân, kinh tế Việt Nam kỳ vọng tăng 2,5% vào năm 2020 và 4,6% vào năm 2030.

Thứ hai, so với các FTA truyền thống, FTA thế hệ mới xóa bỏ phần lớn thuế quan về hàng hóa giữa Việt Nam với các nước, mang lại cơ hội cạnh tranh về giá cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam với các đối thủ (chủ yếu ở các nước châu Á) trên thị trường thế giới. Ví dụ: Trong EVFTA, Việt Nam và EU cam kết xóa bỏ 99% dòng thuế; trong đó, EU cam kết xóa bỏ 85,6%, Việt Nam cam kết xóa bỏ 65% số dòng thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng khi đối tác trong FTA thế hệ mới là các nước châu Âu, thị trường tiềm năng và mang lại lợi nhuận cao cho DN xuất khẩu so với thị trường ở các nước châu Á. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, khi thực thi CPTPP, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vào năm 2030 dự tính tăng tới 3,5%, xuất khẩu tăng 6,9%, nhập khẩu tăng 7,6%.

Thứ ba, các FTA thế hệ mới sẽ giúp DN Việt Nam có thêm cơ hội xuất khẩu sang nhiều thị trường khác nhau, giảm lệ thuộc vào một thị trường cụ thể, giảm rủi ro kinh doanh thương mại khi thực hiện đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Việt Nam được tiếp cận thị trường tốt hơn, với mức thuế suất thấp hơn so với các nước như: Canada, Mexico, Chile và Peru – những nước mà hiện Việt Nam chưa ký kết FTA, hiệp định thương mại song phương. Đặc biệt, CPTPP sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico; đồng thời, thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. CPTPP cũng mở cửa cho các nước và vùng lãnh thổ khác tham gia, như: Hàn Quốc, Đài Loan, Indonesia, Thái Lan và Philipines. Điều này giúp Việt Nam tiếp cận được một thị trường rộng lớn, hỗ trợ tăng trưởng. Tác động của EVFTA đến các phân ngành chính và một số ngành mà Việt Nam được hưởng lợi trực tiếp như: Chế biến thực phẩm, gạo, rau quả, dệt may, da giày, điện tử, máy móc, thiết bị và một số phân ngành Dịch vụ (thông tin, giao thông vận tải…).

Thứ tư, việc ký kết thêm các thỏa thuận về lao động giúp cho người lao động Việt Nam luôn được bảo vệ về quyền lợi, nâng cao tiêu chuẩn và điều kiện hỗ trợ ưu đãi trong môi trường làm việc cho người lao động; đồng thời gia tăng thu nhập (ước tính 4-5%).

Thứ năm, vấn đề về môi trường cũng được cam kết trong các FTA thế hệ mới, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, gìn giữ và cân bằng các nguồn tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết các vấn đề gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, các nước tham gia FTA buộc phải xúc tiến nhanh các vấn đề liên quan đến môi trường, nhằm đạt được các tiêu chuẩn về môi trường đã cam kết trong sản phẩm xuất khẩu. Để phù hợp với các quy định quốc tế và phát triển bền vững, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13; xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về quy hoạch của Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Đa dạng sinh học, Luật Khí tượng thủy văn, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo…

Hiện nay, ở Việt Nam, GDP có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng hiệu suất sử dụng các tài nguyên quan trọng (đất, nước, năng lượng), cụ thể, số liệu ghi nhận đến tháng 4/2018 cho thấy, diện tích, chất lượng rừng bị suy giảm, mặc dù, tỷ lệ che phủ rừng vẫn đạt hơn 41%; chỉ có 75% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tập trung và mới xử lý được 62% lượng nước thải từ các khu công nghiệp, khu chế xuất này; 36% khu công nghiệp, khu chế xuất chưa thực hiện đúng quy định pháp luật về xử lý chất thải rắn nguy hại…

Thứ sáu, với tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử công bằng, các FTA “thế hệ mới” sẽ giúp Việt Nam kiện toàn, cải thiện hơn nữa bộ máy quản lý nhà nước theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương của công chức nhà nước, từ đó hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam. Đặc biệt, việc hoàn thiện và tăng cường công tác bảo hộ IPR sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào những lĩnh vực có hàm lượng tri thức cao.

Thứ bảy, cam kết hoàn thiện hệ thống pháp luật sẽ giúp các thành viên tham gia cải thiện môi trường pháp lý và kinh doanh, cụ thể: Bảo vệ nhà đầu tư trong nước và nước ngoài khỏi sự can thiệp trái pháp luật; Tạo “sân chơi” công bằng cho DN nhà nước (DNNN) và DN tư nhân; Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong kinh doanh; Thuận lợi hóa việc công nhận các tiêu chuẩn sản phẩm; Mở cửa thị trường mua sắm công cho các DN có vốn đầu tư từ các thành viên của FTA; Minh bạch hóa hoạt động các cơ quan nhà nước; Bảo hộ IPR của cá nhân, DN Việt Nam và nước ngoài.

Tác động tiêu cực

Bên cạnh những thuận lợi mà các FTA mang lại thì khó khăn lớn từ các FTA đó chính là tăng sức ép cạnh tranh cho toàn bộ nền kinh tế quốc gia, khu vực và toàn cầu. Về mặt xã hội, cạnh tranh tăng lên khi tham gia FTA có thể làm một số DN ở các nước đang phát triển, trước hết là các DNNN, các DN có công nghệ sản xuất lạc hậu rơi vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động.

Đối với hệ thống pháp luật, các FTA thế hệ mới đòi hỏi các thành viên tham gia phải thực hiện rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật của nước mình, trước hết là các lĩnh vực thương mại, đầu tư, cạnh tranh của DNNN, lao động, đấu thầu, thương mại điện tử, môi trường, giải quyết tranh chấp…

Về thể chế, chính sách, các FTA thế hệ mới cũng đòi hỏi các thành viên phải thực hiện rà soát toàn bộ hệ thống chính sách kinh tế-xã hội, văn hóa của nước mình để thực hiện minh bạch chính sách; cải cách hành chính; cải cách tư pháp; xử lý mối quan hệ giữa thương mại quốc tế với những vấn đề vốn được coi là “phi thương mại” - “các giá trị xã hội” như: Thương mại và quyền con người, bảo vệ người lao động trong thương mại quốc tế, thương mại và môi trường, thương mại và văn hóa, thương mại và an ninh, bảo đảm an toàn thực phẩm, thương mại, phát triển bền vững và quản trị tốt; quyền của nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư, minh bạch chính sách, quyền tự do internet… theo hướng chuyển từ “đối thoại giữa những người khiếm thính” sang thỏa hiệp đàm phán.

Nhìn chung, các FTA “thế hệ mới” tiềm ẩn nhiều hệ quả quan trọng không chỉ đối với hệ thống pháp luật của các thành viên mà còn liên quan tới các chính sách xã hội, văn hoá, kinh tế của các nước này. Các tiêu chuẩn cao về quản trị minh bạch và hành xử công bằng của bộ máy nhà nước sẽ đặt ra những thách thức lớn cho các cơ quan nhà nước. Chính phủ các thành viên của FTA sẽ phải thực hiện chính sách đầy khó khăn khi phải cân bằng giữa thương mại quốc tế với những vấn đề vốn được coi là “phi thương mại”…

Thời gian để triển khai và thực thi các cam kết tại các FTA cũng đang là lực cản lớn đối với Việt Nam. Với các FTA thông thường, tổng thời gian thực thi tất cả các cam kết kéo dài 10 năm. Với các FTA thế hệ mới, Việt Nam sẽ phải thực hiện các cam kết chỉ trong 5-7 năm; trong đó, nhiều điều khoản sẽ phải thực hiện ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, nhiều thỏa thuận sẽ phải thực hiện sau 2 - 3 năm.

Với mức độ mở cửa tự do hóa sâu hơn, các lĩnh vực còn thiếu, còn yếu của Việt Nam như: Giao thông vận tải, IPR, đào tạo nguồn nhân lực, lao động kỹ thuật có tay nghề cao… sẽ khó có thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi phân luồng đầu tư từ nước ngoài với dòng vốn mạnh mẽ đổ vào trong nước, cạnh tranh cao sẽ gây sức ép đối với DN. Áp lực của việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ ảnh hưởng lên nhiều ngành nghề đang được bảo hộ trong nước (ô tô, mía đường, xăng dầu…); nhiều sản phẩm truyền thống của Việt Nam chưa được đăng ký theo Luật Sở hữu trí tuệ quốc tế dẫn đến nguy cơ mất thương hiệu, cạnh tranh yếu trên thị trường nước ngoài; trình độ nguồn nhân lực trong các DN chưa đáp ứng yêu cầu để thực hiện các thao tác vận hành máy móc công nghệ cao, thiếu lao động sử dụng thành thạo ngôn ngữ nước ngoài.

Vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong thực thi cam kết FTA thế hệ mới

Phải khẳng định, Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới bởi các lý do sau:

Một là, nhận thức được các cơ hội và thách thức khi hội nhập quốc tế về kinh tế sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các lĩnh vực khác, các FTA thế hệ mới được ký kết bao gồm các cam kết thương mại mới như: Đầu tư, cạnh tranh, mua sắm công, thương mại điện tử… và các nội dung phi thương mại như: Lao động, môi trường, phát triển bền vững và quản trị tốt…

Hai là, tham gia FTA thế hệ mới sẽ giúp Việt Nam mở rộng quan hệ thương mại với các nước Việt Nam chưa từng cam kết về thương mại, mang lại cơ hội liên kết kinh doanh với các DN nước ngoài, thúc đẩy phát triển nền kinh tế trong nước.

Việc tham gia CPTPP và EVFTA sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình cải cách trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Cụ thể:

Về vấn đề lao động và môi trường

Được đưa vào và nhấn mạnh trong FTA thế hệ mới, do sự thay đổi của toàn cầu hóa về lao động và biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc. Tiêu chuẩn về chất lượng lao động và môi trường trong các FTA thế hệ mới được khẳng định cần thực hiện theo tiêu chuẩn lao động của ILO và các tiêu chuẩn môi trường, phát triển bền vững của Liên Hợp quốc. Các FTA thế hệ mới đòi hỏi phải điều chỉnh luật, chính sách không chỉ về kinh tế, thương mại mà cả các vấn đề phi thương mại như: Quyền của người lao động, tiêu chuẩn lao động, tự do hiệp hội – công đoàn, môi trường, DNNN, mua sắm chính phủ… Để thực thi đúng cam kết trong FTA thế hệ mới, Việt Nam đã và đang thay đổi, bổ sung thêm các quy định cụ thể về Luật Lao động, nâng chuẩn chế độ bảo hiểm và lương cơ bản cho người lao động… nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động Việt Nam khi làm việc cho các tổ chức, DN trong nước và nước ngoài. Bộ luật Lao động mới dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2019, so với Bộ luật Lao động năm 2012, Bộ luật này đã thay đổi 11 nội dung.

Đặc biệt, để chuẩn bị cho DN trong nước đón đầu các cơ hội và giảm áp lực cạnh tranh từ nước ngoài, Chính phủ cũng đã ban hành Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, cùng nhiều chương trình hành động để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, như: Nghị quyết số 19-NQ/CP được ban hành từ năm 2014 đến nay đã giúp tăng cường, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với những tiêu chí cụ thể; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 19/10/2017 về tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nhận thức rõ tầm quan trọng của việc gia nhập các FTA; nghiên cứu và phân tích rõ các cơ hội, thuận lợi, khó khăn và thách thức...

Về công tác cải cách, hoàn thiện thể chế

Việc rà soát, chỉnh sửa, bãi bỏ các quy định pháp luật không còn phù hợp, đảm bảo thực hiện đúng theo luật quốc tế có liên quan đến các FTA Việt Nam tham gia ký kết… đã và đang được Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt theo chủ trương của Đảng. Cụ thể, trong những năm qua, Việt Nam đã lấy ý kiến nhân dân và hoàn chỉnh dự thảo, ban hành nhiều Luật mới thay thế, bổ sung như: Luật Lao động, Luật Tổ chức chính phủ và chính quyền địa phương; Luật Quản lý ngoại thương… Ngoài ra, Chính phủ thông qua Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1254/QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020…

Tham gia ký kết các FTA thế hệ mới có nghĩa là Việt Nam đã bước vào sân chơi lớn, chấp nhận đương đầu với khó khăn, thách thức mới. Để hội nhập quốc tế thành công, đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành Trung ương và địa phương với DN; đồng thời, đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các quốc gia trên thế giới, tận dụng hiệu quả các cơ hội, điều kiện thuận lợi, cùng với các nước thành viên chủ động ứng phó với các tình huống khó khăn mới phát sinh trên các lĩnh vực, trao đổi kinh nghiệm để tìm ra các giải pháp đổi mới phù hợp, thúc đẩy phát triển bền vững.           

Tài liệu tham khảo:

  1. VCCI, Tổng quan về các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia và khả năng tận dụng của doanh nghiệp, Trung tâm WTO;
  2. Bùi Trường Giang (2010), Hướng tới chiến lược FTA của Việt Nam - cơ sở  lý luận và thực tiễn Đông Á, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội;
  3. Tư Giang (2016), “Bẫy gia công là khó tránh khỏi”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số 16;
  4. Nguyên Hải (2016), “Thách thức thực hiện các FTA”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số 16.