Có nên giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Nhiều ý kiến cho rằng cần bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để mặt hàng này vận hành theo cơ chế thị trường. Nhưng Bộ Công thương khẳng định, Quỹ bình ổn vẫn sẽ được quy định tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định 84.

Có nên giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu?
Quỹ bình ổn vẫn sẽ được quy định tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định 84. Nguồn: internet

Lý giải việc giữ Quỹ bình ổn, đại diện Bộ Công thương cho biết, xăng dầu là mặt hàng được bình ổn giá nên cần có quỹ để thực hiện mục tiêu này mà không phải lệ thuộc vào ngân sách Nhà nước. Mặt khác, Kiểm toán Nhà nước cũng đã có kết luận, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được sử dụng đúng theo các quy định hiện hành. Và nhờ sử dụng tốt quỹ này, giá xăng dầu thị trường trong nước không bị sốc khi giá xăng dầu trên thị trường thế giới lên xuống bất thường. Để công khai minh bạch hoạt động kinh doanh xăng dầu thời gian tới, Bộ Công thương khẳng định, tại dự thảo Nghị định mới điều chỉnh hoạt động kinh doanh xăng dầu sẽ quy định cụ thể trình tự, quy trình và mức trích từ quỹ này để bảo đảm sử dụng nhất quán, thống nhất trong mọi thời điểm. Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ ngày càng được công khai, minh bạch hơn.

Ở góc độ chuyên gia, TS. Ngô Trí Long cũng đồng tình với việc giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bởi việc kinh doanh xăng, dầu trong nền kinh tế thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro về giá, nhất là khi vẫn phải phụ thuộc tới 70% lượng hàng hóa từ nhập khẩu, trong khi giá xăng dầu thế giới luôn biến động bất thường. Nhưng hạn chế của Quỹ bình ổn hiện nay là cơ sở hình thành nguồn quỹ, việc quản lý và sử dụng đều chưa hợp lý. Như việc trích lập Quỹ, theo ông Ngô Trí Long, đáng lẽ, chỉ khi giá thế giới xuống thấp, để tạo nguồn quỹ bình ổn thì nên trích lập quỹ để đề phòng khi giá thế giới lên cao mới sử dụng. Song hiện nay việc trích lập quỹ đang được thực hiện ở hầu hết mọi thời điểm, thậm chí việc trích quỹ đồng thời với xả quỹ là không thể chấp nhận được. Và trong nhiều thời điểm, chỉ có người tiêu dùng đóng góp vào quỹ, còn doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ này, trong khi về nguyên tắc, cả người bán và người mua đều phải chia sẻ rủi ro.

Đồng quan điểm đối với các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá cần thiết phải có quỹ bình ổn, nhưng nguồn quỹ này không chỉ thuộc trách nhiệm của người tiêu dùng hay doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, đối với một đất nước có tài nguyên dầu thô như Việt Nam thì nguồn quỹ này cần được tính đến trên cơ sở tổng hòa các nguồn lực, trong đó có nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền lại cho rằng, Quỹ bình ổn giá vẫn còn giá trị trong điều kiện kiểm soát lạm phát, bảo đảm bình ổn giá cả thị trường. Tuy nhiên, bình ổn giá cũng rất dễ làm mất đi tính tự nhiên của thị trường, và việc lạm dụng quỹ có thể sẽ là nút thắt trong nỗ lực đưa giá xăng dầu theo cơ chế thị trường. Thực tế, bên cạnh ý nghĩa giữ ổn định giá xăng dầu, thì Quỹ bình ổn cũng làm luôn cả nhiệm vụ tránh lỗ cho doanh nghiệp. Nói cách khác, người tiêu dùng không chỉ phải đóng tiền để lo cho mình, mà còn lo cho cả doanh nghiệp.

Quỹ bình ổn thực chất chỉ là biện pháp tình thế để giữ ổn định giá loại hàng hóa có sức ảnh hưởng rộng đến xã hội. Cơ quan chức năng cần tính đến biện pháp quản lý hiệu quả việc kinh doanh xăng dầu, không nên duy trì quỹ này trong thời gian dài, làm mất tính thị trường. Tuy nhiên, trong trước mắt, Quỹ bình ổn xăng dầu vẫn cần được duy trì để góp phần kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Để quỹ này được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, công khai và minh bạch, nhiều ý kiến cho rằng, nên tập trung quỹ về một đầu mối, không nên để tại các doanh nghiệp như hiện nay. Và cần thiết phải có một cơ quan giám sát độc lập, tránh những kẽ hở trong chính sách có thể bị lợi dụng.