Có nên tiếp tục mở thêm các cụm công nghiệp?

Theo TBKTSG

Dù không phát triển nhanh, mạnh bằng tốc độ phát triển các khu công nghiệp (KCN) song mô hình cụm công nghiệp ở nhiều địa phương trên toàn quốc vẫn là mô hình lan nhanh về lượng, được khuyến khích đầu tư, bất chấp tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp cho thuê đến nay mới chỉ chiếm 24,6% trong tổng số 918 cụm công nghiệp đã và đang hoạt động.

Phát triển là cần thiết

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2009, cả nước có hơn 462.000 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp mới được thành lập là gần 85.000 doanh nghiệp. 95% số doanh nghiệp hiện có là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm hơn 50% về lao động, gần 30% về vốn, 22% về doanh thu và chừng 11% về lợi nhuận trong khối doanh nghiệp nói chung.

Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất hiện chưa là đối tượng của các KCN do giá thuê mặt bằng tại các KCN đắt, trong khi quy mô sản xuất và vốn đầu tư của nhiều doanh nghiệp còn nhỏ và thấp.

Chính phủ nhận thấy việc phát triển mô hình cụm công nghiệp trong nhiều năm qua là cần thiết và phù hợp để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ. Đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình cơ sở sản xuất, làng nghề, thường gây ô nhiễm môi trường nên quy hoạch vào vùng quản lý tập trung sẽ thuận lợi hơn là phân tán trong các khu dân cư.

Do vậy, Chính phủ coi hoạt động phát triển cụm công nghiệp chủ yếu mang tính dịch vụ công do Nhà nước tổ chức ở các địa phương. Nếu các doanh nghiệp ngoài nhà nước đầu tư vào đây sẽ được hưởng các ưu đãi theo Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ví như việc đầu tư kinh doanh hạ tầng và đầu tư sản xuất trong cụm công nghiệp, cụm làng nghề nông thôn thuộc danh mục ưu đãi đầu tư, được miễn tiền thuê đất dự án 15 năm tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, được ưu đãi hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường. 40 tỉnh còn ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư hạ tầng, đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đào tạo lao động hay hỗ trợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển.

Nhờ những ưu đãi này nên đến hết năm 2009, đã có quy hoạch phát triển 1.872 cụm công nghiệp với diện tích đất tương ứng 76.520 héc ta, trong đó, 918 cụm được thành lập và hoạt động (với hơn 40.000 héc ta đất). Nhưng diện tích đất cho thuê chỉ khoảng 7.150 héc ta, chiếm 26,4% diện tích đất công nghiệp của cụm.

Lý do của việc hình thành nhiều cụm công nghiệp nhưng hiệu quả sử dụng thấp do diện tích các cụm này không lớn (dưới 50 héc ta), được xây dựng để thu hút và di dời các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể ở địa phương nên chỉ phù hợp với năng lực quản lý và khả năng hỗ trợ vốn ngân sách địa phương (chủ yếu là cấp huyện), tính cạnh tranh thu hút đầu tư thấp.

Các cụm này lại nằm hầu hết ở các vị trí không thuận lợi về giao thông, địa bàn nông thôn, nơi hạ tầng chưa phát triển. Trong khi các khách hàng tiềm năng của các cụm công nghiệp này vẫn thiên về tập quán phát triển làng nghề nhằm tiết kiệm chi phí hơn là chuyển sang địa bàn sản xuất mới.

Thực tế khác nữa là dù có chính sách hỗ trợ địa phương (cấp huyện) nhưng không đáng kể, lại thiếu nguồn vốn đầu tư, vốn vay, vốn di dời nên các cụm công nghiệp cũng chưa đầu tư xây dựng nhà xưởng cho doanh nghiệp thuê được nhiều, tiến độ xây dựng hạ tầng chậm.

Như ở Hà Nội, thời gian triển khai xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp từ 3-5 năm, hầu hết các cụm chưa hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo nội dung quy hoạch chi tiết, đặc biệt là các hạng mục quan trọng như xử lý nước thải, cấp nước tập trung... Hay ở Đồng Nai, trong 48 cụm công nghiệp đã được phê duyệt chi tiết, mới có hai cụm đã hoàn tất xây dựng cơ sở hạ tầng và hai cụm khác đang thi công xây dựng.

Phát triển phải đi kèm hiệu quả

Với quy hoạch số cụm công nghiệp hiện có đã khá lớn, tỷ lệ đã và đang xây dựng là 50% và tỷ lệ lấp đầy diện tích đất cho thuê lại chưa đến một phần ba quy hoạch nhưng trong vòng năm năm tới vẫn ưu tiên phát triển thêm một số cụm công nghiệp mới với tổng diện tích tăng thêm khoảng 20.000-25.000 héc ta, đưa tổng số diện tích của cụm công nghiệp thành lập lên khoảng 60.000-65.000 héc ta và tỷ lệ lấp đầy bình quân cả nước khoảng 50%.

Để làm được điều này cần thêm 100.000 tỉ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng. Số tiền này chủ yếu lấy từ nguồn ngân sách, do các nhà đầu tư không mặn mà với việc đầu tư vào các cụm công nghiệp thường có hiệu quả thấp. Mặt khác, các KCN đã phát triển rất nóng trong những năm qua với nhiều điều kiện ưu đãi, thuận lợi nhưng cũng mới lấp đầy chưa đến 50% diện tích đất cho thuê.

Vì vậy, việc tiếp tục phát triển mô hình cụm công nghiệp có thật cần thiết không? Hay là nên hướng đến việc sử dụng hiệu quả, tăng nhanh khả năng lấp đầy các cụm công nghiệp? Sở dĩ các cụm công nghiệp khó thu hút nhà đầu tư, khó hút các dự án vì thực tế chính sách không hấp dẫn. Nó kém xa các KCN về môi trường ưu đãi đầu tư.

Nghị định số 108 của Chính phủ quy định đầu tư kinh doanh hạ tầng và sản xuất tại các cụm công nghiệp, cụm làng nghề nông thôn thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư. Trong khi đó, đầu tư xây dựng hạ tầng, đầu tư dự án vào các KCN thuộc diện đặc biệt ưu đãi đầu tư (không phân biệt ngành nghề, lĩnh vực), được hưởng ưu đãi như đầu tư vào địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn. Còn Nghị định số 151 của Chính phủ cách đây bốn năm về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu cho phép các dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp được vay vốn tín dụng đầu tư.

Nhưng Nghị định 106 sửa đổi hai năm sau đó đã loại các dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp ra khỏi danh mục ưu đãi (trừ dự án tại địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn). Trong khi nếu muốn phát triển cụm công nghiệp, chủ yếu vẫn dùng tiền ngân sách. Các chính sách hỗ trợ khác ở 40 địa phương, mỗi nơi một khác nhưng mức hỗ trợ thấp, không đáng kể và nhiều chính sách hết hiệu lực nên các nhà đầu tư cũng không quan tâm.

Sắp tới Chính phủ sẽ ban hành quyết định chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp. Vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương sẽ tiếp tục được rót xuống cho 22 tỉnh ở Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung và vùng đồng bằng sông Cửu Long, ngoài 21 tỉnh hiện đã được hỗ trợ với mức tối đa không quá 10 tỉ đồng/cụm và tổng mức 100 tỉ đồng/tỉnh không giới hạn thời gian.

Tuy nhiên, để việc sử dụng vốn hỗ trợ này hiệu quả hơn, cần siết chặt điều kiện đối với dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp được nhận hỗ trợ, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống các công trình xử lý nước thải tập trung, hỗ trợ các hộ sản xuất, làng nghề di dời vào cụm công nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, mua thiết bị, công nghệ để xử lý môi trường. Sau đó mới đến các hỗ trợ khác. Vì hai mục đích lớn nhất để đầu tư cho các cụm công nghiệp phát triển là hướng đến quản lý các cơ sở sản xuất, làng nghề một cách tập trung, tránh xa khu dân cư và tránh ô nhiễm môi trường.

Nếu không bám sát các mục tiêu và bước đi này thì hiệu quả cụm công nghiệp vốn đã yếu và nhỏ càng ngày càng tụt lại so với mô hình phát triển KCN. Và như vậy, khả năng quy hoạch rồi bỏ hoang hoặc bị các KCN “thôn tính”, sáp nhập là hiện hữu.