Bộ Giao thông vận tải:

Cơ quan đi đầu trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

PV.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã nhận định: ngành Giao thông vận tải (GTVT) là cơ quan đi đầu trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, không chỉ đi đầu trong lĩnh vực cổ phần hóa DNNN, mà “Ngay khi Trung ương có chủ trương thì Bộ GTVT cũng đi đầu trong thực hiện đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, thể hiện sự tích cực, tác động mạnh mẽ vào lĩnh vực này là thoái vốn ở nơi nhà nước không cần nắm giữ và nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, phục vụ tốt hơn số lượng và chất lượng dịch vụ cho người dân”.

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết 5 năm (2011-2015) ngày 9/12 về thực hiện sắp xếp đổi mới DNNN của ngành GTVT, cho biết, tới hết năm 2015, Bộ GTVT đã hoàn thành vượt mức kế hoạch cổ phần hóa DNNN, đến nay, 137 DNNN đã hoàn thành cổ phần hóa, trong đó có 16 Tổng công ty có quy mô lớn, tăng 67 DN so với kế hoạch.

Đến hết năm 2015, Bộ GTVT sẽ phấn đấu hoàn thành bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) 124 DN, trong đó có 12 Tổng công ty, thực hiện nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước tổng số tiền là 1.701 tỷ đồng (chưa bao gồm Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam).

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao hoạt động thoái vốn của các DN thuộc Bộ GTVT, giá trị vốn thoái đạt gần 4.400 tỷ đồng, tăng gấp 1,8 lần so với mức bình quân chung. Dự kiến quý I/2016, Bộ GTVT sẽ hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại các Tổng công ty.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đánh giá cao hiệu quả hoạt động của 18 Công ty mẹ - Tổng công ty sau cổ phần hóa, đã hoạt động hiệu quả hơn trước, thể hiện ở con số tổng tài sản đạt 207.929 tỷ đồng (tăng 35% so với lúc cổ phần hóa) , tổng vốn chủ sở hữu đạt 68.012 tỷ đồng (tăng 200% so với lúc cổ phần hóa), nợ phải trả là 119.377 tỷ đồng. Đặc biệt tỷ suất nợ vay/vốn chủ sở hữu giảm 200%, từ 3,52 lần xuống còn 1,76 lần.

Đối với các DN 100% vốn nhà nước thuộc Bộ GTVT, tổng doanh thu tăng trưởng 15,28%. Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 194,84% (bình quân tăng 48,7%/năm); Nộp ngân sách nhà nước tăng 51,52% (bình quân tăng 12,85%/năm); Thu nhập bình quân người lao động tăng 32,28% (bình quân tăng 8,07%/năm).

Phó Thủ tướng cho rằng những con số về hoạt động kinh doanh, lợi nhuận... đã thể hiện tính hiệu quả trong việc thực hiện chủ trương cổ phần hóa, đổi mới hoạt động của DNNN của Bộ GTVT.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng biểu dương Bộ GTVT đã chủ động tháo gỡ và phối hợp với các bộ, ngành liên quan xử lý những vướng mắc để triển khai nhanh cổ phần hóa DNNN. “Có những chính sách, trong đó có những đề xuất, cơ chế của Bộ GTVT đã chuyển thành cơ chế chung ví dụ như cơ chế bán vốn theo lô đã tháo gỡ kịp thời những vướng mắc của việc bán vốn nhà nước”, Phó Thủ tướng nói.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục rà soát các DNNN để cổ phần hóa:

+ Những DNNN đã cổ phần hóa rồi nhưng chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược thì tiếp tục tìm kiếm các nhà đầu tư này.

+ Các DN sau cổ phần hóa tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng quản trị tiên tiến để hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu.

+ Bộ GTVT cần chỉ đạo việc hoàn thành tái cơ cấu với một số đơn vị còn gặp khó khăn như Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) và Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines).

+ Đối với hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, cần sơ kết việc thực hiện thí điểm chuyển thành công ty cổ phần trước khi làm rộng rãi ra các đơn vị khác. “Phải chứng minh được hiệu quả rõ thì sẽ làm”, Phó Thủ tướng nói.

Đây là mô hình điển hình mà các bộ, ngành khác phải học tập để thực hiện nhanh nhất, tốt nhất chủ trương cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành của các DNNN do bộ, ngành mình quản lý. Thời hạn cuối đang đến gần, các bộ, ngành khác cũng phải gấp rút như Bộ GTVT thì mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ quan trọng này.