Còn cơ hội xoay chuyển tình hình kinh tế

Theo daibieunhandan.vn

Xu hướng ưu tiên tăng trưởng khá rõ nét trong phân tích của các chuyên gia kinh tế khi nhìn vào bối cảnh hiện nay. Câu chuyện cần đổi mới mô hình tăng trưởng là đúng, nhưng là bước đi của một thời kỳ. Còn trước mắt, nếu không thúc đẩy tăng trưởng, có thể nền kinh tế sẽ lâm vào khó khăn, trì trệ hơn. Và rõ ràng, chúng ta đang có cơ hội để xoay chuyển tình hình.

Còn cơ hội xoay chuyển tình hình kinh tế
Tháo gỡ tốt những nút thắt sẽ là cơ hội thúc đẩy tăng trưởng từ nay đến cuối năm. Nguồn: Internet
Trong 6 tháng qua, kinh tế nước ta chưa có sự xoay chuyển nào rõ ràng, nhưng vẫn có khá nhiều tín hiệu đáng mừng. Đó là lãi suất liên tục hạ thấp, và mới đây, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm còn 7%/năm. Đây được xem là mức giảm hết mức có thể. Bên cạnh đó, tín dụng bắt đầu tăng trưởng, thị trường vàng được siết chặt, dự trữ ngoại hối tăng, giúp Ngân hàng Nhà nước cầm trịch được thị trường tiền tệ.

Với dự trữ ngoại tệ tốt, Ngân hàng Nhà nước vừa nới rộng thêm 1% để thúc đẩy thị trường. Trong khi đó lạm phát 6 tháng thấp nhất trong nhiều năm qua, với 2,4%. Và đặc biệt, dù nhiều khó khăn, vẫn có 720.000 người có việc làm. Mục tiêu đến cuối năm là tăng trưởng 5,5% có thể đạt được.

Nhưng ưu tiên cho tăng trưởng lúc này không phải chỉ là hô quyết tâm. Bởi lẽ, hiện đang có nhiều nút thắt, nếu tháo gỡ tốt sẽ là cơ hội thúc đẩy tăng trưởng từ nay đến cuối năm. Trước hết, thu ngân sách rất khó khăn nên để thực hiện mục tiêu này không chỉ đơn giản là tăng đầu tư như lâu nay vẫn thực hiện. Việc chi đầu tư phải trúng các dự án cấp bách, tiết kiệm chi một cách tối đa.

Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách cũng cần thúc đẩy đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách, từ xã hội, mà đặc biệt là từ 400.000 doanh nghiệp. Để huy động được đầu tư của doanh nghiệp, thì nút thắt quan trọng là phải giúp mỗi đơn vị tiếp cận được vốn vay giá rẻ. Việc lãi suất hạ thấp chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là doanh nghiệp và ngân hàng phải thống nhất được với nhau.

Cách đây khoảng nửa năm, nhiều góc nhìn tỏ ra ái ngại cho doanh nghiệp vì dù lãi suất cho vay đã giảm, nhưng doanh nghiệp tiếp cận được vốn hay không lại là chuyện khác, thậm chí nhiều đơn vị phản ánh chưa tiếp cận được do điều kiện cho vay chặt chẽ. Điều cần làm hiện nay là phải giúp mỗi đơn vị sản xuất, kinh doanh đi trên con đường bằng phẳng, ít rủi ro hơn. Nói cách khác, các ngân hàng thương mại cần có thái độ tích cực hơn về doanh nghiệp, hỗ trợ nhiều hơn để có vốn giá rẻ. Một khi 400.000 doanh nghiệp hoạt động mạnh trở lại sẽ tạo ra tổng cầu rất lớn, giúp tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm.

Tất nhiên nỗi lo nợ xấu, nỗi lo rào cản dòng chảy vốn từ ngân hàng sang doanh nghiệp vẫn còn. Song việc một số chính sách xử lý nợ xấu, đặc biệt là việc thành lập Công ty quản lý tài sản Quốc gia ra đời được kỳ vọng sẽ dọn dẹp phần nào nợ xấu. Hy vọng từ nay đến cuối năm, sẽ giải quyết phần nào tình trạng nợ xấu. 

Một yếu tố tạo cầu nữa cần được đẩy mạnh trong dịp cuối năm, đó là gói cho vay 30.000 tỷ đồng lãi suất thấp. Có thể nói chính sách này đánh trúng nhu cầu thực của người dân nên đã có nhiều cá nhân đi làm hồ sơ vay vốn. Biện pháp này nếu đi vào cuộc sống sẽ giúp chủ đầu tư bán được hàng, thoát được vốn, xoay chuyển khó khăn và tái sản xuất. Đó là kỳ vọng rất có cơ sở.

Thế nhưng, đã một tháng trôi qua kể từ khi triển khai gói tín dụng này, đến giờ vẫn lắm sự phàn nàn về việc khó vay được vốn. Nếu đây là cơ hội tốt để tăng trưởng, mà chúng ta không đẩy nhanh giải ngân, thì đó là một sự lãng phí lớn động lực tăng trưởng. Ngoài ra, thêm một bước đi trúng của Ngân hàng Nhà nước là điều chỉnh tỷ giá thêm 1%, tức giảm giá 1% đồng Việt Nam so với đô la Mỹ. Động thái này là đòn bẩy tốt giúp thúc đẩy xuất khẩu và kích thích sản xuất.

Bên cạnh đó, cũng cần có những bước đi có cân nhắc, có tính toán, để tránh tăng trưởng bằng mọi giá, khiến thúc đẩy tăng trưởng trở thành con dao hai lưỡi. Mà hệ lụy hiệu quả đầu tư thấp, thất thoát lãng phí vốn đầu tư, rồi lạm phát quay trở lại, gây khó khăn cho doanh nghiệp là bài học đã quá rõ ràng.

Sóng gió nào rồi cũng qua đi. Nhưng biết để tránh những hậu quả mới là quan trọng. Lúc này, các giải pháp tạo cầu đã có khá nhiều, và từ nay đến cuối năm, chưa cần thiết có gói kích thích kinh tế nào. Thay vào đó là rà soát và tìm cách triển khai thật tốt các giải pháp theo Nghị quyết 02 của Chính phủ và thường xuyên giám sát kiểm tra để điều chỉnh phù hợp hơn. Như thế, mới mong kịch bản tăng trưởng kinh tế diễn ra như mong muốn.