Cộng đồng kinh tế ASEAN: Đón đầu cơ hội

Theo daibieunhandan.vn

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được đánh giá là thị trường tiềm năng khi có 650 triệu dân, tổng sản lượng hằng năm 2.000 tỷ USD. Tuy nhiên, các nền kinh tế trong cộng đồng có nhiều điểm tương đồng, nên kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN hiện chỉ chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu nước ta. Vậy đâu là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước khi AEC sẽ chính thức hình thành vào đầu năm 2016?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sẽ có lộ trình từng bước

AEC hình thành sẽ mở ra nhiều thị trường cho doanh nghiệp, tạo khí thế và động lực mới. Tuy nhiên, AEC cũng mang lại nhiều thách thức, nhất là việc phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn vì các dịch vụ, hàng hóa tương đồng, song ở trình độ phát triển và chất lượng dịch vụ đều hơn. Việc bị thu hẹp thị trường trong nước cũng không còn là nguy cơ trong tương lai, mà đang rõ hơn khi nhiều doanh nghiệp từ Thái Lan, Singapore, Indonesia… đã đầu tư vào nước ta.

Trong đó, Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam đã mua lại Familymart của Tập đoàn Phú Thái làm kênh bán lẻ; hay Central Group (Thái Lan) cũng đã mua 49% cổ phần của Nguyễn Kim để sở hữu kênh bán lẻ điện máy chuyên biệt và tự mở trung tâm mua sắm hiện đại Robins Department Store ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để phân phối hàng hóa tổng hợp… Thậm chí, nhiều doanh nghiệp trong khu vực cũng đã thiết lập quỹ tín dụng, thuê tư vấn người Việt để nghiên cứu tiềm năng, thế mạnh thị trường trong nước.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, doanh nghiệp hiện chưa phải hoang mang trước sự kiện này, vì AEC không có cơ cấu chặt chẽ và không tương thích với các cộng đồng kinh tế khác. AEC thực chất là tiến trình hội nhập, không phải một hiệp định ràng buộc. Nói cách khác, thời điểm 31.12.2015 là khởi đầu để xây dựng AEC, còn muốn trở thành một khu vực gắn kết chặt chẽ như EU cần thêm nhiều thời gian.

Thực tế, để hình thành AEC đúng thời hạn đề ra, các thành viên đã triển khai nhiều cam kết song phương và đa phương trong những năm qua. Là một trong hai quốc gia thực thi các cam kết tốt nhất trong khu vực, Việt Nam hiện đã cắt giảm 90% dòng thuế về mức 0%. Trong thời gian tới, 7% số dòng thuế nhạy cảm sẽ được xem xét cắt giảm và đến năm 2018 sẽ thực hiện giảm với 3% dòng thuế cuối cùng. Nói cách khác, doanh nghiệp đã quen với sức ép cạnh tranh khi các dòng thuế xuất nhập khẩu với các quốc gia trong khu vực được cắt giảm dần. Song, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng vẫn cần chuẩn bị tốt hơn để đón đầu cơ hội khi AEC được hình thành - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên, Bộ Công thương Lê Triệu Dũng khẳng định.

Cơ hội nào cho sản xuất, kinh doanh?

AEC là thị trường có dân số 650 triệu người, với tổng sản lượng hằng năm khoảng 2.000 tỷ USD. Nhưng cộng đồng này không quá chú trọng yếu tố thị trường chung, mà chú ý đến việc hỗ trợ nhau để trở thành khu vực phát triển đồng đều. Các nền kinh tế trong ASEAN cũng tương đối giống nhau nên khả năng bổ trợ thấp. Vì thế, tỷ lệ nội khối của AEC chỉ ở mức 24% - mức thấp nhất nếu so với Liên minh châu Âu (60%), cộng đồng kinh tế Bắc Mỹ (40%)… Và xuất khẩu ra thị trường ASEAN chỉ chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta hiện nay.

Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành cho biết, AEC không chỉ đơn giản thực hiện tự do hóa thương mại, dịch vụ và đầu tư như các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới hiện nay. Hình thành AEC là nhằm biến khu vực Đông Nam Á trở thành mắt xích tự do hóa quan trọng trong mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu; thực hiện liên kết, kết nối giữa các quốc gia để đưa khu vực phát triển đồng đều hơn. Trong khi đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) về bản chất là luật chơi thị trường minh bạch giữa các quốc gia, không phân biệt trình độ phát triển thấp hay cao.

Ông Võ Trí Thành cũng nhấn mạnh, AEC không có xu hướng khép kín các hoạt động trong nội bộ khu vực, mà thực hiện cơ chế kinh tế mở. Nếu tham gia AEC chỉ nghĩ đến các quốc gia thành viên là không đúng, mà phải nghĩ đến các đối tác EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… Cách chơi của ASEAN là liên kết giữa các quốc gia, dựa trên nguyên tắc tham vấn và đồng thuận. Ban thư ký ASEAN giữ vai trò điều phối hoạt động rõ hơn là đại diện phát ngôn cho khu vực này giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều chương trình hỗ trợ. Các chương trình này không chỉ dạy cách làm tiền mà còn hướng dẫn doanh nghiệp làm tiền một cách xanh hơn, bền vững hơn, trách nhiệm hơn”. - ông Võ Trí Thành lưu ý.

Các lợi thế so sánh của Việt Nam cũng tương đồng với lợi thế so sánh của những quốc gia khác trong khu vực nên không dễ khai thác ưu đãi dành cho thành viên AEC. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ASEAN vẫn là nơi đầu tư hấp dẫn nếu nhìn ở vai trò là mắt xích quan trọng của nền kinh tế thế giới. Doanh nghiệp cần chủ động khai thác nguồn nguyên, nhiên, phụ liệu sẵn có, với chất lượng và giá bán phù hợp trong khu vực, để tham gia tích cực hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Mặt khác, mối quan hệ với các đối tác của khu vực sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh xanh, có trách nhiệm và bền vững hơn - là xu thế phát triển trong tương lai của thế giới.

Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Nguyễn Hồng Cường:


AEC đề ra mục tiêu tổng quát là xây dựng ASEAN trở thành cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội và hợp tác mở rộng với bên ngoài, hoạt động trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN. AEC là kết quả liên kết các thành viên ASEAN trên cơ sở mẫu số chung về lợi ích của các nước thành viên, có mức độ liên kết cao hơn hiệp định, nhưng chưa chặt chẽ như EU và không phải là một tổ chức siêu quốc gia. AEC thực chất là một cộng đồng “thống nhất trong đa dạng”, vì hiện vẫn còn sự khác biệt khá lớn giữa các nước thành viên, nhất là về chế độ chính trị và trình độ phát triển cũng như tính toán chiến lược phức tạp trong quan hệ với các nước lớn. Sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN và việc triển khai Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025 tạo ra cơ hội và thách thức đan xen đối với Việt Nam. Nhìn chung, các cơ hội về cơ bản là những lợi ích có được trong quá trình tham gia hợp tác ASEAN trong 20 năm qua, nhưng sẽ lớn hơn và cụ thể hơn. Các thách thức cũng sẽ nhiều hơn và trực tiếp hơn.