Cộng gộp các FTA, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 12 - 16%

Theo Lê Xuân/baodauthau.vn

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được ký kết, trở thành một trong những hiệp định được quan tâm nhất hiện nay. Tuy nhiên, không nên tách từng FTA riêng rẽ, mà cần nhìn vào lợi ích cộng gộp từ tất cả FTA mà Việt Nam đã ký kết, qua đó tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 12 - 16%/năm.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được ký kết, trở thành một trong những hiệp định được quan tâm nhất hiện nay. Nguồn: internet
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được ký kết, trở thành một trong những hiệp định được quan tâm nhất hiện nay. Nguồn: internet

Đây là khuyến nghị của ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương, đơn vị chủ trì đàm phán và phê chuẩn Hiệp định, tại Hội thảo Nhận diện cơ hội kinh doanh - đầu tư trong bối cảnh EVFTA sớm được thông qua diễn ra ngày 10/7, tại Hà Nội.

Theo ông Khanh, nếu tính cả những hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết và dự kiến ký kết trong 1 - 2 năm tới như FTA với Hàn Quốc, FTA với Nga, CPTPP, RCEP, EVFTA..., thì cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp là rất lớn.

Tuy nhiên, điều mà ông Khanh lo ngại chính là mức độ hấp thu của Việt Nam và tuân thủ cam kết trái ngược nhau giữa các hiệp định. Do đó, cần có nghị định hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp hiểu đúng.

7 năm để Việt Nam chuẩn bị là rất ngắn, cho nên cần phát huy lợi thế càng sớm càng tốt. Hiện Việt Nam có các hiệp định với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, nhưng không ai có thể khẳng định trong tương lai, các nước trong khu vực không tham gia các hiệp định tương tự. Không đơn giản chỉ là thuế suất, mã HS hay quy tắc xuất xứ, doanh nghiệp còn phải quan tâm tới nhiều vấn đề và thủ tục khác mới có thể đưa được hàng hóa đến tay người tiêu dùng.

Cùng chung quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, Việt Nam được ghi tên là một nền kinh tế tiên phong, có độ mở cao, chỉ đứng sau Singapore trong khu vực ASEAN. Thế nhưng năng lực hội nhập còn thấp. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, năng lực hội nhập của Việt Nam đứng thứ 77/140 nền kinh tế; thể chế đứng thứ 99/140; cạnh tranh đứng thứ 101/140 - tức là chỉ ở mức trung bình và dưới trung bình.

"Vậy, làm thế nào để khép lại khoảng cách này, tận dụng được cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào với giá thấp, chất lượng cao? Để làm được điều đó, các cơ quan, bộ, ngành cần chụm đầu với doanh nghiệp cải cách thể chế và nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt Nam. Mong Chính phủ cần sớm nội luật hóa các cam kết, cắt giảm các điều kiện kinh doanh nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp cũng cần nâng cao trình độ quản trị, xây dựng hệ thống phòng ngừa rủi ro, điều này là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh thương mại thế giới có nhiều biến động khó lường...", ông Lộc nhấn mạnh.