Công nghệ số thúc đẩy phát triển mạnh ngành Tài chính

Theo Nguyên Phạm/tapchithue.com.vn

Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia tài chính, công nghệ tại Diễn đàn Câu lạc bộ Giám đốc Tài chính Việt Nam 2017 diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh ngày 22/11/2017, với chủ đề “Tương lai ngành Tài chính”.

Toàn cảnh Diễn đàn.
Toàn cảnh Diễn đàn.
Đây là sự kiện thường niên lần thứ 9 do Câu lạc bộ Giám đốc Tài chính Việt Nam (VCFO) phối hợp cùng Hiệp hội Giám đốc Tài chính Nhật Bản (JACFO) và Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA)  tổ chức, đã thu hút hơn 300 đại biểu là các CEO, CFO, chuyên gia kinh tế, tài chính trong nước và quốc tế. Theo VCFO, với các đề tài đưa ra tại diễn đàn là những điểm nhấn quan trọng về: triển vọng kinh tế châu Á và Việt Nam năm 2018; đạo đức trong kỷ nguyên số; tăng cường năng lực chức năng tài chính kế toán; tầm nhìn nhân sự lãnh đạo tài chính; CFO trong kỷ nguyên chuyển đổi số; kế toán người máy và thế hệ tài chính mới; xu hướng công nghệ mới trong việc đổi mới quản trị tài chính và doanh nghiệp (DN); triển khai bảo mật thông tin; hệ thống đánh giá FASS Global... 
Phát biểu đề dẫn cho Diễn đàn CFO Việt Nam 2017, diễn giả Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam) cho hay, những năm trước đây, theo IMF thì đến tháng 4 hàng năm chỉnh phủ các nước sẽ đưa ra dự báo về kinh tế và thường đến tháng 10 lại phải điều chỉnh theo hướng giảm, nhưng năm nay đánh giá của IMF về kinh tế hầu hết các quốc gia rất khả quan, ngoại trừ Anh và Ấn Độ. Đối với Việt Nam, Chính phủ dự báo khả năng tăng trưởng GDP đạt 6,7% và đây là năm đầu tiên sau nhiều năm có thể hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội mà Quốc hội đề ra trong năm 2017.
Ngay sau phần trình bày của chuyên gia kinh tế vĩ mô này, một đại biểu đã tranh thủ “chất vấn” về nhận định xử lý nợ xấu của ngân hàng. Theo đó, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, quan điểm của Chính phủ là không sử dụng NSNN để xử lý nợ xấu nên vấn đề này vẫn còn nhiều tồn tại. Riêng câu hỏi liên quan đến thuế, ông Thành nhìn nhận ở Việt Nam đang có nhiều thành phần kinh tế, trong đó FDI được hưởng ưu đãi thuế, hộ kinh doanh cá thể lại chịu thuế khoán, còn các DN vừa và nhỏ thì chịu áp lực hơn từ chính sách thuế, tạo nên sự không công bằng. Nên chăng về lâu dài nên bỏ luôn thuế khoán, buộc các hộ cá thể kinh doanh phải kê khai, nộp thuế như DN thì mới tạo sân chơi bình đẳng? Nếu các hộ cá thể gặp khó khăn trong việc khai thuế thì sẽ có lực lượng cung cấp dịch vụ kế toán, đại lý thuế đứng ra hỗ trợ.
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn CFO Việt Nam 2017, Ban tổ chức đã đưa ra 3 phiên thảo luận với các chuyên đề: quản trị sự thay đổi trong kỷ nguyên số; chuyển đổi kỹ thuật số; tài chính và quản trị rủi ro trong kỷ nguyên số. Qua đó, nhiều cử tọa bày tỏ mối quan tâm và đặt câu hỏi cho các diễn giả về: an ninh mạng, robot kế toán, công nghệ tương lai đối với ngành tài chính kế toán, công nghệ quản trị trước xu thế tiền ảo đang phát triển, big data, điện toán đám mây, công nghệ nào có vai trò quyết định trong cuộc cách mạng 4.0 v.v… Tất cả các vấn đề đặt ra đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế đưa ra bàn thảo sôi nổi và đều khẳng định công nghệ đang làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống, nhưng công nghệ cũng do con người làm ra, nên vấn đề con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Trong tương lai, các CEO, CFO của một DN, tổ chức tài chính sẽ có vai trò, ý nghĩa quyết định đến sự thành công khi biết nắm bắt, ứng dụng hiệu quả công nghệ mới. 
Thêm một câu hỏi về vai trò của Chính phủ trong việc hiện thực hóa chính phủ điện tử, khai nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử… được đặt ra với chuyên gia về công nghệ, bà Hà Trịnh, CFO và Giám đốc hỗ trợ chiến lược Harvey Nash Việt Nam đã chỉ ra rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan công quyền đang phát triển mạnh mẽ, góp phần mang lại hiệu quả cho người dân, DN. Đáng chú ý, toàn ngành thuế nói chung và cụ thể tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, việc ứng dụng công nghệ đã góp phần hỗ trợ, tạo thuận lợi cho DN rất nhiều trong việc khai thuế, nộp thuế điện tử và gần đây là áp dụng hóa đơn điện tử, hoàn thuế điện tử… Tất nhiên, không thể đòi hỏi một sớm một chiều mà cần phải có thời gian để chuyển đổi, thích ứng và phát huy hiệu quả công nghệ số.