Công nghệ thông tin trở thành "mạch máu" trong các hoạt động nghiệp vụ tài chính


Trong nhiều năm liền, Bộ Tài chính trở thành một trong nhiều bộ, ngành dẫn đầu về ứng dụng CNTT. Có được thành tích này là nhờ CNTT đã được ứng dụng sâu, rộng vào hầu hết các hoạt động nghiệp vụ tài chính, trở thành "mạch máu" không thể thiếu trong các hoạt động nghiệp vụ tài chính. Đứng trước bối cảnh mới đòi hỏi ngành Tài chính cần tiếp tục có những giải pháp trọng tâm, trọng điểm để tận dụng hiệu quả các thành tựu của xu hướng này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đến nay, hệ thống tin học thống kê ngành Tài chính đã có 6 đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin (CNTT) cấp Cục ở Trung ương, tại cấp tỉnh có các bộ phận tin học, phòng tin học, các trung tâm dữ liệu. Toàn ngành Tài chính hiện có hơn 3.680 cán bộ, công chức, viên chức làm công tác CNTT chiếm khoảng 5% trong tổng số cán bộ công chức của ngành Tài chính (với 450 cán bộ tin học trung ương và hơn 3.230 cán bộ tin học ở địa phương).

Với nguồn nhân lực trên với những giải pháp đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong lĩnh vực tài chính, Bộ Tài chính nhiều năm liền dẫn đầu về ứng dụng CNTT. Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp ứng dụng CNTT trong toàn Ngành, qua đó tiếp cận một cách nhanh nhất với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 như: Áp dụng công nghệ ảo hóa máy chủ nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư phần cứng; triển khai công nghệ phân tích dữ liệu lớn...

Đồng thời, ngành Tài chính cũng đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ di động trong: Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống Cổng Thông tin điện tử toàn Ngành nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp có thể truy cập, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mọi lúc, mọi nơi thông qua mạng Internet.

Đến nay, CNTT đã được ứng dụng sâu, rộng vào hầu hết các hoạt động nghiệp vụ tài chính, trở thành "mạch máu" không thể thiếu trong các hoạt động nghiệp vụ như: Quản lý điều hành ngân sách nhà nước; quản lý thu-chi ngân sách nhà nước; thanh toán điện tử và quản lý trái phiếu Chính phủ; triển khai thuế điện tử, hải quan điện tử, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; quản lý nợ công; quản lý giá, tài sản công; quản lý, giám sát thị trường tài chính; dự trữ nhà nước... cùng các nhiệm vụ quản lý nội Ngành.

Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu về trình độ, chất lượng nhân sự trong bối cảnh lĩnh vực CNTT phát triển mạnh mẽ là một trong những thách thức đối với ngành Tài chính để tận dụng hiệu quả các thành tựu của xu hướng này. Điều này đòi hỏi ngành Tài chính cần có kế hoạch đào tạo, xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao, có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin để tham mưu xây dựng chiến lược, định hướng chính sách, thực hiện quản lý hoạt động tài chính trong tình hình mới. Cụ thể, thời gian tới, ngành Tài chính cần chú trọng một số vấn đề sau:

Một là, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của CNTT trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Ngành Tài chính cần tiếp tục nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của CNTT nói chung và đội ngũ cán bộ CNTT nói riêng để từ đó dành nguồn lực xây dựng một chiến lược dài hạn và lộ trình triển khai phù hợp trong thời gian tới. Từ đó, CNTT sẽ hỗ trợ cho công tác quản lý điều hành tài chính - ngân sách, góp phần hoàn thiện các mục tiêu đề ra tại Quyết định số 844/QĐ-BTC và Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ của Ban cán sự đảng Bộ Tài chính.

Hai là, bố trí nguồn lực xứng đáng cho đào tạo nguồn nhân lực CNTT bởi với xu hướng phát triển của nền kinh tế số và Chính phủ điện tử nhân lực CNTT sẽ là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của các mục tiêu mà ngành Tài chính đề ra. Ngày 21/5/2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 844/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025. Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, cần dành nguồn lực xứng đáng từ ngân sách nhà nước để đầu tư cho việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên trách CNTT để đủ năng lực triển khai các nhiệm vụ liên quan đến chính phủ điện tử và yêu cầu về quản lý công nghệ trong Cách mạng công nghiệp 4.0.

Ba là, có chính sách ưu đãi hấp dẫn, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để tránh xảy ra hiện tượng “chảy máu chất xám” trong lĩnh vực CNTT. Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tư nhân và cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có ngành Tài chính trong thu hút nguồn lực CNTT chất lượng cao sẽ ngày càng trở nên quyết liệt.  Do vậy, ngành Tài chính cần nghiên cứu và bổ sung thêm các chính sách lương thưởng và các chế độ ưu đãi khác để thu hút và giữ chân đội ngũ nhân tài tiếp tục công tác...