Covid-19: Cơ hội cho những cải cách sâu rộng

Theo Đỗ Lê/thoibaonganhang.vn

Bài học thành công trong chống dịch Covid-19 cần được áp dụng trong giai đoạn phục hồi kinh tế và cải cách sâu rộng hơn, trong đó nên đột phá từ lĩnh vực năng lượng và sản xuất trong lĩnh vực y tế.

Dệt may của Việt Nam là mặt hàng có tính cạnh tranh cao. Nguồn: internet
Dệt may của Việt Nam là mặt hàng có tính cạnh tranh cao. Nguồn: internet

Ông Vũ Tú Thành - Phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN đưa ra trong trao đổi với phóng viên.

Phóng viên: Theo ông, tinh thần của bài học chống đại dịch Covid-19 rất thành công cần được áp dụng trong giai đoạn phục hồi kinh tế hiện nay như thế nào?

Ông Vũ Tú Thành - Phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN
Ông Vũ Tú Thành - Phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN

Ông Vũ Tú Thành: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đẩy nền kinh tế toàn cầu vào tình trạng xấu đi nhanh chóng, Chính phủ Việt Nam đã ra quyết định rất nhanh, quyết đoán, kịp thời và hiệu quả. Chính phủ đã quyết đoán lựa chọn các chính sách và giải pháp ít xấu hơn, tức là mặc dù vẫn phải trả giá đắt (như gia tăng chi phí bỏ ra để phòng chống dịch bệnh, đưa ra các hỗ trợ cho nền kinh tế, DN và người dân…), nhưng cái giá phải trả sẽ còn đắt hơn rất nhiều nếu không lựa chọn những giải pháp đó.

Rõ ràng có thể đem quyết tâm, tinh thần chống dịch đó vào phục hồi tăng trưởng kinh tế. Từ trước đến nay, những quyết sách thường cần rất nhiều thời gian để cân nhắc, bàn tính nhưng trong những tình huống cấp bách mà nếu không làm thì hệ lụy còn lớn hơn rất nhiều. Nên tôi nghĩ, bên cạnh những tác động và hệ lụy tiêu cực của nó, dịch Covid-19 cũng là cơ sở để tạo ra những đột phá về mặt cải cách, triển khai chính sách. Theo đó các cải cách phải được làm nhanh, nhất quán, công khai, minh bạch và hiệu quả hơn.

Trong thời điểm hiện nay, theo ông nên đột phá từ lĩnh vực nào?

Chúng ta hoàn toàn có thể đột phá từ lĩnh vực năng lượng, vì năng lượng giống như ngành công nghiệp nền tảng, tính lan tỏa lớn. Nếu gỡ được cục máu đông của thị trường năng lượng sẽ có tác dụng lan tỏa sang các ngành khác rất tốt. Nếu xử lý được thị trường năng lượng, tự do hóa được thị trường này và có cơ chế để thu hút được các nhà đầu tư đầu tư vào truyền tải điện sẽ tạo ra “cú hích” rất mạnh cho nền kinh tế. Ngược lại, nếu để thiếu điện vì cơ chế thì hệ lụy tiêu cực của nó cũng lớn như việc không kiểm soát được dịch bệnh tốt. Và vấn đề ở đây đòi hỏi quyết tâm chính trị cao, quyết đoán mạnh mẽ trong triển khai với tinh thần công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, các ngành sản xuất liên quan đến y tế cũng có thể xem là một mũi đột phá cải cách trong lúc này. Việt Nam đã tạo được “thương hiệu” rất tốt về đối phó, kiểm soát dịch Covid-19, cho nên sản xuất trang thiết bị, vật tư y tế, dược phẩm cũng đang có cơ hội lớn trong thu hút đầu tư từ cả trong và ngoài nước. Các DN Mỹ thuộc lĩnh vực thiết bị y tế và dược phẩm đánh giá ở thị trường ASEAN có hai nước có tiềm năng phát triển lớn và họ đang muốn đầu tư vào, đó là Indonesia và Việt Nam (cả về mặt thị trường tiêu thụ, kỹ năng tốt của người lao động cũng như để phục vụ xuất khẩu). Đã có 2 công ty dược lớn đang chờ Bộ Y tế phê duyệt hồ sơ đầu tư sản xuất dược phẩm tại Việt Nam và một số công ty về thiết bị y tế cũng đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.

Ông có thể chia sẻ thông tin chi tiết hơn về khoản quỹ trên 100 tỷ USD dành cho đối tác của các DN Mỹ và các DN Việt Nam có thể tận dụng được nguồn vốn này như thế nào?

Ngân hàng Xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ (EXIM) - cơ quan hỗ trợ về mặt thương mại của Mỹ đang có quỹ trên 130 tỷ USD. Trong 12 tháng tới tính từ tháng 5/2020, quỹ này dành ra là 80 tỷ USD để hỗ trợ vốn cho các khách hàng, đối tác của các DN Mỹ, hỗ trợ vốn cho các DN mua hàng hóa và công nghệ của Mỹ. Với lãi suất cạnh tranh và có thể gia hạn nên sẽ rất tốt cho các DN muốn vay các món lớn để nhập khẩu hàng hóa Mỹ. Điều này cũng giúp giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Việt Nam, là điều mà phía Mỹ cũng quan tâm hiện nay.

Nguồn vốn này không hạn chế mức tối đa cho từng thị trường mà tùy thuộc vào khả năng hấp thụ lại có thể tăng thêm nếu kích thích được xuất khẩu hàng hóa dịch vụ của Mỹ. Hội đồng Kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ cũng như giới thiệu cho các DN muốn tìm hiểu thông tin về nguồn vốn này.

Gần đây có các thông tin về “Mạng lưới thịnh vượng kinh tế”. Ông đánh giá thế nào về khả năng và cơ hội Việt Nam tham gia vào mạng lưới này?

Mạng lưới này vẫn đang ở dạng ý tưởng và vẫn cần một thời gian để hình thành những nội dung cụ thể hơn. Một số đánh giá ban đầu cho rằng, mạng lưới này giống như một lựa chọn thay thế cho TPP trước đây và tôi nghĩ Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia. Nếu chủ động tham gia từ đầu thì chúng ta sẽ có quyền chủ động để góp phần vào xây dựng luật chơi thay vì sau này khi nó đã thành khuôn, thành hình rồi lúc đấy mới tham gia thì khả năng thể hiện quyền chủ động sẽ thấp hơn.

Tuy nhiên để tham gia một mạng lưới như vậy thì những tiêu chuẩn đi kèm sẽ rất cao. Theo ông, liệu Việt Nam có thể đáp ứng được?

Cũng giống câu chuyện TPP trước đây, vì trong tham gia đàm phán TPP, Việt Nam là nước không giống như các nước còn lại cả về trình độ phát triển và nhiều mặt khác nữa, nhưng chúng ta vẫn chấp nhận tham gia cuộc chơi đó và các nước kia cũng chủ động mời Việt Nam tham gia. Đó là vì họ có lòng tin là Việt Nam có thể làm được những cam kết đưa ra. Và trên thực tế, công cuộc hội nhập mở rộng quan hệ của Việt Nam trong nhiều hiệp định chất lượng cao như CPTPP, EVFTA… cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể “chơi được” với mọi đối tác.

Tôi cho rằng Việt Nam có một số ngành đang có tính cạnh tranh cao trên thế giới. Các mặt hàng như dệt may, da giày; các mặt hàng nông, thủy sản và chế biến nông sản; các mặt hàng dịch vụ, đặc biệt về khả năng sáng tạo, phát triển các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin (App Economy) phục vụ phát triển kinh tế số... đều có thể cạnh tranh rất tốt. Bên cạnh đó, mảng xây dựng cũng rất tiềm năng. Chúng ta có năng lực lớn về xây dựng các dự án bất động sản, hạ tầng giao thông, cầu đường... trong khi nhu cầu về xây dựng tại các nền kinh tế trong “Mạng lưới thịnh vượng” vẫn rất lớn. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh ở lĩnh vực này nếu tận dụng tốt lợi thế kinh nghiệm của đội ngũ kỹ sư, công nhân và tối ưu hóa được chi phí.

Xin cảm ơn ông!