CPI năm 2013: Cẩn trọng với chu kỳ “hai nhanh, một chậm”

Theo Báo Đầu tư

Nếu không thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, thì CPI năm 2013 rất có thể tăng mạnh trở lại, đặc biệt khi năm nay rơi vào năm tăng nhanh của chu kỳ CPI “hai nhanh, một chậm” diễn ra gần đây.

CPI năm 2013: Cẩn trọng với chu kỳ “hai nhanh, một chậm”
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kiềm chế lạm phát năm 2012 là một trong những thành công rất lớn. Nhưng năm 2013, việc kiềm chế lạm phát theo mục tiêu của Chính phủ phải thấp hơn năm 2012 là nhiệm vụ nặng nề.

Nhiệm vụ mà Bộ trưởng Bùi Quang Vinh dự báo có nhiều cơ sở, nhất là năm 2013 “rơi” vào đúng năm tăng nhanh của chu kỳ CPI “hai nhanh, một chậm” (CPI thường sau 2 năm tăng mạnh, lại có 1 năm tăng chậm). “Nếu CPI vẫn tuân theo quy luật “hai nhanh, một chậm”, thì năm 2013, áp lực tăng CPI rất đáng kể”, ông Nguyễn Duy Thiện, Trưởng phòng Tổng hợp - Phân tích - Dự báo (Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính) nhận định.

Áp lực tăng CPI năm 2013, theo ông Thiện, ngoài những nguyên nhân cố hữu chưa được giải quyết, như kinh tế vĩ mô chưa ổn định, kết quả kiềm chế lạm phát chưa thực sự vững chắc, “sức đề kháng” của nền kinh tế trước những cú sốc lớn từ thị trường nước ngoài yếu…, còn có nhiều nguyên nhân phát sinh khác. Đó là tác động theo độ trễ của lượng tiền trong lưu thông tăng mạnh từ việc giải ngân vốn đầu tư các dự án, chương trình đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và vốn trái phiếu chính phủ; chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường năm 2012 chuyển qua; tăng giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như điện, than, học phí, viện phí…

Bà Ngô Thị Ánh Dương, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cũng cho rằng, lạm phát vẫn luôn là nguy cơ thường trực. Nguy cơ ở đây, theo bà Dương, chính là việc điều chỉnh tăng giá điện thêm 5% kể từ ngày 20/12/2012; giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo Thông tư liên tịch 04/2012/TTLT/BYT-BTC; chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa để “giải cứu” một số ngành kinh tế khiến tổng phương tiện thanh toán tăng mạnh. “Nếu không điều hành sản xuất - kinh doanh linh hoạt, kịp thời, không có nhiều biện pháp ứng phó với thị trường, thì có thể đẩy nền kinh tế vào vòng lạm phát mới”, bà Dương lo ngại.

Theo bà Dương, để kiềm chế lạm phát năm 2013 ở mức 7 - 8%, cần phải hết sức thận trọng trong việc nới lỏng chính sách tài khóa, đặc biệt phải giám sát chặt chẽ chi tiêu công, đầu tư công.

Mặc dù năm 2013 mới qua được hơn một tuần và thị trường trong nước cũng như trên thế giới chưa có dấu hiệu diễn biến xấu, song ông Nguyễn Lộc An, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) dự báo, CPI năm 2013 nhiều khả năng tăng ở mức dưới 10%, song có thể cao hơn năm 2012.

Dự báo của ông An đưa ra trên cơ sở lãi suất vốn vay ngân hàng mặc dù có xu hướng giảm, nhưng do lãi suất huy động kỳ hạn dài của hệ thống ngân hàng thương mại vẫn ở mức trên 12%, nên lãi suất cho vay khó có thể giảm sâu, khiến chi phí đầu vào của sản xuất vẫn cao; học phí, viện phí tiếp tục được điều chỉnh tăng theo lộ trình...

Trong khi đó, ông Phạm Minh Thụy, Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính), sau khi chạy thử một số mô hình kinh tế lượng, đã đưa ra dự báo, tốc độ tăng CPI năm 2013 chỉ 6,5 - 7,5%. Tốc độ tăng CPI này bảo đảm mục tiêu được Quốc hội đặt ra là dưới 8%, nhưng khó đạt mục tiêu CPI năm 2013 phải thấp hơn năm 2012 (6,81%) mà Chính phủ đặt ra.

Tính toán của ông Thụy dựa trên mô hình kinh tế lượng và không tính các yếu tố bất thường có thể xảy ra như thiên tai, dịch bệnh; giá nhiều loại nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế như xăng dầu, phân bón, phôi thép… trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại do kinh tế thề giới phục hồi. Vì vậy, ông Thụy cho rằng, nếu Chính phủ không có các giải pháp kiềm chế đồng bộ và thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm để ổn định thị trường và ổn định kinh tế vĩ mô, thì CPI năm 2013 sẽ diễn biến rất khó lường.

“Nếu không cảnh giác ngay từ đầu năm, giá cả năm 2013 rất có thể sẽ biến động mạnh theo đúng quy luật ‘hai nhanh, một chậm’, như đã từng xảy ra trong năm 2007 và 2010”, ông Thụy cảnh báo.