CPI năm 2013 tăng thấp nhất trong 10 năm lại đây

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm 2013 của Hà Nội tăng 6,37% so với năm trước, TP. Hồ Chí Minh tăng 5,2%. Tính tổng chung trên cả nước, CPI năm 2013 tăng khoảng 6 % so với năm 2012 -mức tăng thấp nhất trong khoảng 10 năm gần đây.

CPI năm 2013 tăng thấp nhất trong 10 năm lại đây
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thống kê Hà Nội vừa cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2013 tăng 0,35 % so với tháng trước và tính chung cả năm 2013, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 6,37% so với năm trước, bình quân 1 tháng trong năm tăng 0,57%.

Tháng này có 1/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm là nhóm giao thông (giảm 0,23%). Nhóm bưu chính, viễn thông không tăng. Nhóm hàng có chỉ số tăng cao nhất là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng, tăng 2,5% do giá gas tăng mạnh.

Các nhóm hàng còn lại có chỉ số tăng nhưng mức tăng không đáng kể, cụ thể: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,03%; đồ uống, thuốc lá tăng 0,21%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,7%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,28%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,1%; giáo dục tăng 0,01%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,2%...

Theo đánh giá, năm 2013, tình hình giá cả thị trường đã hạ nhiệt hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, và đặc biệt đã có 3 tháng có chỉ số giảm. So với tháng trước, tháng 3 giảm 0,21%, tháng 4 giảm 0,15%, tháng 5 giảm 0,22%.

Tháng 6 chỉ số giá CPI tăng trở lại với mức tăng không nhiều (tăng 0,08% so với tháng trước). Tháng 8 với mức tăng 3,16% là tháng có chỉ số tăng cao nhất do tăng giá về y tế. Việc tăng giá y tế đã khiến cho nhóm thuốc và dịch vụ y tế có chỉ số tăng cao đẩy chỉ số chung của tháng lên cao.

Đến tháng 10, tháng 11, tháng 12 chỉ số giá lại trở về bình thường, tăng lần lượt là 0,57%; 0,26% và0,35% so tháng trước.

Còn theo số liệu Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tháng 12 tăng 0,39% so với tháng 11. Tính cả năm, chỉ số giá tại TP. Hồ Chí Minh tăng 5,2%, đạt mục tiêu đề ra (dưới 6%). Trong khi đó, mức lạm phát chung trên cả nước sau 11 tháng đã là 5,5%.

Trong 11 nhóm hàng tính giá, có 5 nhóm tăng và đều thuộc nhóm gây ảnh hưởng lớn đến chỉ số chung như nhà ở, điện nước chất đốt và vật liệu xây dựng; đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón và giày dép; ăn và dịch vụ ăn uống.

Ngoại trừ nhóm điện nước chất đốt tăng do giá gas tăng mạnh đầu tháng và nhu cầu sử dụng điện lên cao, các mặt hàng khác tăng giá do ảnh hưởng của thời tiết và nhu cầu thực phẩm sát Tết. Giá thịt lợn, thủy sản tươi sống trong tháng tăng 0,47 - 0,59%, rau các loại tăng 0,41%.

Bốn nhóm hàng giảm so với tháng trước gồm:  thuốcdịch vụ y tế giảm, giao thông, văn hóa giải trí du lịch và các hàng hóa dịch vụ khác. Hai nhóm không thay đổi về giá là bưu chính viễn thônggiáo dục.

Tính tổng chung trên cả nước, CPI năm 2013 tăng khoảng 6 % so với năm 2012 là mức tăng thấp nhất trong khoảng 10 năm gần đây. Năm 2013, cả nước có 17 tỉnh, thành phố điều chỉnh giá dịch vụ y tế khiến CPI của nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 19,5% so với tháng 12 năm trước, đóng góp vào chỉ số chung cả nước xấp xỉ 1,1%. Các địa phương cũng tiếp tục thực hiện lộ trình tăng học phí làm cho CPI nhóm giáo dục tăng trên 11%, đóng góp vào chỉ số chung cả nước tăng khoảng gần 0,7%. 

Bên cạnh đó, do giá xăng dầu được điều chỉnh 4 đợt tăng giá và 6 đợt giảm giá nên cũng ảnh hưởng tới chỉ số CPI. Giá xăng dầu trong năm đã tăng 2,15%, góp phần vào tăng CPI chung là 0,08%. Giá điện cũng được điều chỉnh 2 đợt (tháng 1 và tháng 8/2013) với mức tăng tổng cộng 10%; giá gas tăng mạnh 2 đợt (tháng 7 và tháng 12) khiến cho cả năm giá gas tăng gần 5%. 

Không những thế, trong năm 2013, nước ta phải hứng chịu 15 cơn bão; trong đó, mạnh nhất là cơn bão số 14 và 15 đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân, khiến cho giá cả tăng cục bộ ở một số tỉnh trực tiếp bị ảnh hưởng bão. 

Với tình hình kinh tế như hiện nay, Tổng cục Thống kê dự báo CPI năm 2014 sẽ chỉ tăng khoảng 7%.