CPI năm 2016: Có thể đạt mục tiêu Quốc hội giao

Theo baocongthuong.com.vn

Sáng ngày 26/9, Tổ Điều hành Thị trường trong nước đã họp phiên thường kỳ tháng 9. Thông tin tại cuộc họp cho thấy, đi qua 3/4 chặng đường năm 2016, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước chỉ tăng 3,14% so với tháng 12/2015 và mục tiêu CPI tăng không quá 5% cho cả năm nay có nhiều khả năng sẽ đạt được.

Mục tiêu CPI tăng 5% cho cả năm có nhiều khả năng sẽ đạt được. Ảnh minh họa. Nguồn: Inernet
Mục tiêu CPI tăng 5% cho cả năm có nhiều khả năng sẽ đạt được. Ảnh minh họa. Nguồn: Inernet

Theo Tổ Điều hành thị trường trong nước, tháng 9, thị trường các mặt hàng hóa phục vụ Tết Trung thu và các hàng hóa vật phẩm giáo dục dịp khai giảng năm học mới khá sôi nổi. Hàng hóa ngày càng đa dạng về mẫu mã và chủng loại, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng, giá cả không có biến động lớn.

Các hàng hóa thiết yếu nhóm nhiên liệu, năng lượng bắt đầu có xu hướng tăng nhẹ. Nhóm hàng nông sản, thực phẩm, phân bón giá tương đối ổn định. Một số mặt hàng khác như đường, vật liệu xây dựng giá tăng.

Với diễn biến thị trường như vậy, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 9 ước đạt 294.990 tỷ đồng, tăng 0,93% so với tháng 8/2016. Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 2.603.384 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó các nhóm hàng hóa có mức tăng cao là lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng, hàng may mặc (đạt mức tăng từ 10,5 - 12%). Điều này cho thấy kinh tế vẫn còn khó khăn, thu nhập của người dân chưa được cải thiện, tăng trưởng lưu chuyển hàng hóa vẫn chủ yếu dựa vào các mặt hàng thiết yếu. Các nhóm mặt hàng, dịch vụ khác như du lịch, lưu trú ăn uống, phương tiện đi lại chỉ tăng từ 2 - 7,7%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa 9 tháng đầu năm chỉ tăng 7,2%, là mức tăng khá thấp so với các giai đoạn của năm trước.

CPI tháng 9 tăng 0,54% so với tháng trước. Trong đó, nhóm có mức tăng cao nhất là giáo dục (tăng 7,19%) do tác động của việc điều chỉnh tăng học phí của nhiều trường ở 53 tỉnh thành hồi đầu tháng 9. Tiếp đến là nhóm giao thông tăng 0,55% do tác động của việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu đợt cuối tháng 8. Các nhóm còn lại chỉ tăng từ 0,05 - 0,18%. Tính chung 9 tháng, CPI đã tăng 3,14% so với tháng 12/2015.

Nếu so với cùng kỳ năm 2015, CPI bình quân 9 tháng đầu năm chỉ tăng 2,07%. Mặc dù cao hơn so với bình quân 9 tháng đầu năm 2015 (tăng 0,63%) nhưng vẫn thấp hơn khá nhiều cùng kỳ các năm trước đây (cùng kỳ 2014 tăng 4,09%; 2013 tăng 6,6%; 2012 tăng 9,21%).

Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê, năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu CPI tăng 5%, trong khi CPI 9 tháng đầu năm là 3,14%, vẫn còn dư địa để đạt mục tiêu của Chính phủ. Những năm gần đây, Chính phủ điều hành theo hình thức kiềm chế lạm phát, nhất là các mặt hàng có sự quản lý của nhà nước.

Bà Ngọc lấy ví dụ trong tháng 8, Tổng cục Thống kê tư vấn cho Bộ Y tế chỉ điều hành giá dịch vụ y tế ở 16 tỉnh thành, các tỉnh khác điều chỉnh theo lộ trình để phù hợp với việc tăng học phí và nhiều mặt hàng tiêu dùng trong tháng 9.

Theo Tổ Điều hành thị trường trong nước, thời gian tới, những vấn đề về chính sách tài chính của Mỹ, nhu cầu tăng khi thời tiết vào mùa lạnh tiếp tục tác động đến giá dầu mỏ, khí đốt và ảnh hưởng đến giá các mặt hàng nguyên vật liệu khác. Bên cạnh đó, đang dần vào dịp cuối năm, các vụ chính của sản xuất nông nghiệp, nhu cầu hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng sẽ tăng; giá dịch vụ y tế tiếp tục được điều chỉnh.

Tuy nhiên, do nguồn cung hàng hóa được chuẩn bị tốt; việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế đã được Bộ Y tế phối hợp với các ngành liên quan đưa ra phương án hợp lý; một số mặt hàng thực phẩm có nguồn cung từ vụ đông tăng nên giá hàng hóa sẽ khó tăng đột biến. Dự báo, CPI tháng 10 được sẽ tăng tương đương mức tăng của tháng 9 và CPI cả năm so với tháng 12/2015 sẽ đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Tuy nhiên, yếu tố đe dọa mức tăng CPI những tháng cuối năm vẫn còn. Bà Đỗ Thị Ngọc chia sẻ, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, trong tháng 10, chỉ nên điều chỉnh giá dịch vụ y tế ở 9 tỉnh có độ phủ bảo hiểm y tế từ 81 - 86%, để đảm bảo mức tăng của nhóm này vào CPI chỉ khoảng 0,25 - 0,3%. Sau tháng 10, cần tiếp tục nhận định lại giá thị trường, xem xét mức điều chỉnh sao cho phù hợp.