CPI tăng thấp và những vấn đề cần lưu ý

Theo Chinhphu.vn

Tư duy mới trong kiềm chế lạm phát là kiềm chế theo mục tiêu, vì vậy việc cập nhật diễn biến, tác động, nguyên nhân và dự báo về lạm phát là rất cần thiết. Diễn biến CPI tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2013 có một số điểm đáng lưu ý.

Sau khi giảm trong tháng 3, tăng rất thấp trong tháng 4, CPI tháng 5 đã giảm 0,06%. Đây cũng là tháng giảm duy nhất so với tháng 5 của cùng kỳ trong 10 năm qua.

So với tháng 12/2012, CPI tăng 2,35%, cũng thấp nhất so với các con số tương ứng các năm từ 2010 đến nay và thấp rất xa so với CPI bình quân trong 3 năm trước (tăng 6,44%). Sau 1 năm theo thông lệ quốc tế, tức là tháng 5/2013 so với tháng 5/2012, CPI tăng 6,36%, thấp nhất các con số tương ứng trong nhiều năm trước đó.

CPI tăng thấp và những vấn đề cần lưu ý - Ảnh 1

Nguồn: Tổng cục Thống kê

CPI thấp nhất nhiều năm qua

Trong 13 nhóm hàng hoá, dịch vụ sau 5 tháng, có 3 nhóm giá giảm (lương thực giảm 1,62%, nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,07%, bưu chính viễn thông giảm 0,35%); có 5 nhóm tăng cao hơn tốc độ chung (thuốc và dịch vụ y tế tăng 13,78%, ăn uống ngoài gia đình tăng 3,81%, may mặc, mũ, nón, giày dép tăng 3,41%, hàng hoá và dịch vụ khác tăng 2,4%, đồ uống và thuốc lá tăng 2,36%); 6 nhóm còn lại tăng thấp hơn tốc độ chung, trong đó có nhóm thực phẩm, vừa là mặt hàng thiết yếu, vừa là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các nhóm hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng.

CPI tháng 5 và 5 tháng tăng thấp do tốc độ tăng của tổng cầu, còn gọi là yếu tố “cầu kéo” (khi lạm phát tăng), đã bị suy giảm. Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP đã giảm liên tục và tương đối nhanh trong mấy năm nay (năm 2009 là 39,2%, năm 2010 là 38,5%, năm 2011 là 33,3%, năm 2012 là 30,5%, quý I/2013 là 29,6%). Tỷ trọng vốn đầu tư khu vực Nhà nước quý I/2013 còn 36,9%, thấp hơn tỷ trọng của cùng kỳ năm trước (38%), trong đó vốn từ nguồn ngân sách tỷ trọng giảm từ 19,3% xuống 17,4%.

Tăng trưởng tín dụng, 4 tháng năm nay tiếp tục tăng thấp (2,11%) và thấp chưa bằng một nửa tốc độ tăng của huy động. Điều đó chứng tỏ tiền từ ngân hàng ra lưu thông tăng thấp hơn tiền từ lưu thông vào ngân hàng đã làm giảm áp lực đối với lạm phát.

Trong khi “cầu” tăng chậm thì “cung” (bao gồm cả sản xuất và tồn kho) một số hàng hoá, dịch vụ lại tăng, trong đó có lúa, thuỷ sản, nhiều sản phẩm công nghiệp chế biến. Giá cả quốc tế đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu tiếp tục giảm.

Tác động của sự ổn định của tỷ giá không những không làm tăng chi phí đẩy (từ nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu, khi tính bằng ngoại tệ, cũng như khi tính bằng VND), không làm khuếch đại lạm phát ở trong nước, trái lại còn có tác động kéo lạm phát xuống...

Những tác động từ CPI thấp

Việc giảm xuống của CPI trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2003 đã có những tác động dưới các góc nhìn khác nhau.

Trước hết, đó là niềm vui của những người tiêu dùng nói chung và những người nghèo, những người có thu nhập bằng tiền cố định, đặc biệt là những người bị mất việc làm, thiếu việc làm do cơ sở kinh tế bị ngừng hoạt động, phá sản hoặc bị thu hẹp sản xuất kinh doanh.

Các nhà hoạch định chính sách, quản lý điều hành kinh tế vĩ mô yên tâm hơn khi có điều kiện để đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, vốn bị chậm do phải tập trung thực hiện mục tiêu ưu tiên là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; giảm lãi suất; cắt giảm, giãn hoãn các khoản thu ngân sách, thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; ổn định tỷ giá, góp phần tăng dự trữ ngoại hối, củng cố lòng tin vào động nội tệ.

Việc kiềm chế lạm phát thành công trong hơn 1 năm qua, bên cạnh tác động tích cực, cũng làm phát sinh các hiệu ứng phụ.

Rõ nhất là tăng trưởng kinh tế bị suy giảm về tốc độ trong năm 2012; 5 tháng 2013 có xu hướng cao hơn cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn còn thấp so với cùng kỳ 2010, 2011, nhất là nhóm các ngành sản xuất sản phẩm vật chất là nông, lâm nghiệp-thuỷ sản, công nghiệp-xây dựng. Doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản tiếp tục diễn ra với số lượng lớn; số các doanh nghiệp còn hoạt động thì tỷ lệ bị thua lỗ còn lớn…

CPI tăng thấp và những vấn đề cần lưu ý - Ảnh 2

Nguồn: Tổng cục Thống kê

4 điểm cần lưu ý

Với diễn biến của 5 tháng đầu năm và lường đoán các yếu tố tác động trong các tháng còn lại, các chuyên gia dự báo CPI cả năm 2013 cũng chỉ tăng tương ứng với tốc độ tăng của năm 2012 (6,81%).

Tuy nhiên, chưa thể chủ quan, lơ là với lạm phát và không điều chỉnh nới chỉ tiêu lạm phát lên 7-8% như kiến nghị của một nhà quản lý ngân hàng thương mại gần đây. Bên cạnh các giải pháp Chính phủ đã đưa ra, cũng cần lưu ý đến 4 điểm.

Một là, tăng trưởng tín dụng theo mức phấn đấu cả năm là 12%. Trong khi 4 tháng mới đạt 2,11%, thì 8 tháng còn lại tăng tới 9,7%, bình quân 1 tháng là 1,16%. Mức bình quân này là bình thường, nhưng một mặt cần tránh “dồn cục” vào 1, 2 tháng cuối năm, sẽ cộng hưởng với các yếu tố khác đẩy lạm phát lên; mặt khác cần tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên.

Hai là, cần thận trọng đối với việc điều hành tỷ giá. Thận trọng bởi sự biến động của tỷ giá tới đây có thể bị tác động của nhiều yếu tố như chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới còn lớn, dễ làm phát sinh tình trạng mua USD nhập lậu vàng; nhập siêu cao đã trở lại trong tháng 4; khi tỷ giá ổn định trong thời gian dài, đễ dẫn đến việc lặp lại việc điều chỉnh tăng dồn mà không phát huy bài học điều chỉnh dần dần thông qua tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng để giảm thiểu tình trạng đầu cơ lướt sóng.

Ba là, việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hoá, dịch vụ đã được đề cập trong báo cáo của Chính phủ (như xăng dầu, điện, dịch vụ công về giáo dục, y tế) là cần thiết và đúng hướng, nhưng phải thận trọng về liều lượng, thời điểm với lộ trình phù hợp, bảo đảm công khai, minh bạch và làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền.

Bốn là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công, huy động thêm trái phiếu Chính phủ và giải ngân nhanh hơn.