CPI tháng 10 tăng 0,49%

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 năm 2013 tăng 0,49% so với tháng trước và so với tháng 10 năm trước tăng 5,92%. Bình quân 10 tháng năm 2013 CPI tăng 6,74% so với cùng kỳ năm 2012.

 CPI tháng 10 tăng 0,49%
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 năm 2013 tăng 0,49% so với tháng trước và so với tháng 10 năm trước tăng 5,92%. Nguồn: internet
Nếu so sánh tốc độ tăng CPI trong tháng 10, CPI năm 2013 tăng thấp hơn CPI năm 2012 (0,85%) và năm 2010 (1,05%), nhưng cao hơn các năm 2011 (0,36%) và năm 2009 (0,37%).

Có 2/11 nhóm hàng có chỉ số CPI giảm trong tháng 10 là giao thông giảm 0,17%, nhóm hàng bưu chính-viễn thông giảm 0,03%. Các hàng hóa còn lại đều tăng giá, trong đó nhóm hàng có quyền số lớn nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,86%.

Cụ thể, nhóm lương thực tăng 0,91% do giá gạo ở các tỉnh phía Bắc tăng khá mạnh. Nhóm hàng thực phẩm tăng 1,04%, do giá thịt lợn tăng 1,18%. Giá thủy sản tươi sống tăng 0,44% do vào mùa mưa bão nên ảnh hưởng đến việc đánh bắt. Giá gia cầm tươi sống tăng 1,1%. Giá các mặt hàng thực phẩm chế biến từ thịt tăng 0,49%; thủy sản chế biến tăng 0,62%.

Mưa lớn gây úng nhiều nơi đã ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ sinh trưởng của cây trồng nên sản lượng rau xanh bán ra thị trường giảm đáng kể làm cho giá rau xanh tăng 5.04%.

Các nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 0,12%. May mặc và giầy dép tăng 0,35%. Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,24%.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,5%. Giá vật liệu xây dựng đã bắt đầu tăng trở lại, tăng 0,4% do bắt đầu vào mùa xây dựng, cùng với giá đầu vào sản xuất như giá điện tăng đã ảnh hưởng đến giá thành của thép xây dựng và xi măng.

Giá điện sinh hoạt tăng 0,77%, do giá điện bình quân được điều chỉnh tăng thêm 5% kể từ ngày 1/8/2013.

Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 0,53% do một số địa phương tăng học phí theo lộ trình tăng học phí của Bộ GDDT.

Không tính vào chỉ số CPI, chỉ số giá vàng giảm 2,87%, do giá vàng trong nước giảm theo giá vàng thế giới. Còn chỉ số giá USD giảm 0,18%. Tỷ giá bình quân tháng này quanh mức 21.100 VND/USD trong khi tỷ giá liên ngân hàng vẫn được giữ ổn định ở mức 21.036VND/USD.  

Theo Vụ Thống kê giá, Tổng Cục Thống kê, những tháng cuối năm 2013, tình hình thị trường có nhiều yếu tố tạo sức ép tăng tổng phương tiện thanh toán. Đó là việc đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh dự trữ chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết. Bên cạnh đó giá một số hàng hóa trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cùng với nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất cuối năm tăng, tác động lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.

Tuy nhiên, do sức mua còn thấp, cùng với công tác điều hành thị trường của Chính phủ, các ngành, việc tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường của các địa phương… nên hàng hóa không có tăng giá đột biến. Giá một số hàng hóa thiết yếu như xăng dầu, gas có xu hướng ổn định hoặc giảm. Tỷ giá cơ bản ổn định, lãi suất được điều chỉnh giảm dần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay. Sản xuất tiếp tục tăng tốc trong những tháng cuối năm.