CPI tháng 3 có thể giảm

Theo Báo Công Thương

Trong phiên họp của Tổ điều hành thị trường trong nước ngày 26/2/2013, Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá cao các biện pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, kết quả là kiềm chế tăng giá tiêu dùng tăng thấp hơn dự kiến.

CPI tháng 3 có thể giảm
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
CPI tháng 2 tăng thấp

Tuy rơi vào thời điểm Tết Nguyên đán nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2013 chỉ tăng 1,32% so với tháng 1. Nguyên nhân CPI tháng 2 thấp hơn nhiều năm là do sức mua trong dịp Tết năm nay không cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 2/2013 giảm 1,03% so với tháng 1. Bên cạnh đó chương trình bình ổn giá tại nhiều địa phương đã phát huy tác dụng, giảm thiểu hiện tượng đầu cơ, tích trữ hàng hóa trong dịp Tết, hạn chế việc tăng giá tùy tiện...

Giải tỏa mối lo lắng về sức mua có dấu hiệu giảm sút trong tháng 2, ông Võ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)- cho rằng: Tháng 2 chỉ có 28 ngày, thiếu 3 ngày. Nếu mỗi ngày trung bình doanh số bán lẻ là 7.500 tỷ đồng thì 3 ngày là 22.500 tỷ đồng. Quy về 31 ngày như các tháng thì tổng mức bán lẻ và dịch vụ tháng 2 tăng 9,5%, cộng dồn 2 tháng đầu năm có khả năng tăng trên 10,2%. Vì thế ý kiến sức mua giảm chưa có gì đáng lo lắng.

Tháng 3: CPI có thể giảm

Dự báo về các yếu tố tác động đến CPI tháng 3, các thành viên Tổ điều hành thị trường trong nước phân tích: Sẽ có một số yếu tố gây tăng giá tiêu dùng, đó là giá một số mặt hàng nguyên liệu, nhiên liệu thế giới có xu hướng tăng cao hơn (xăng dầu thành phẩm, thép phế, bột giấy...) gây áp lực cho điều hành giá trong nước; việc thực hiện lộ trình theo giá thị trường đối với than, điện, xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục nước sạch...

Vừa qua có nhiều tin đồn ảnh hưởng đến thị trường tài chính, xăng dầu... Điều đó cho thấy việc sớm công khai thông tin chính thống từ các bộ, ngành sẽ kịp thời định hướng dư luận. Đây cũng là một trong những yếu tố điều hành thị trường hiệu quả.

Nhưng bên cạnh đó cũng có những yếu tố tác động giảm giá: Nhu cầu hàng thực phẩm sau Tết giảm sẽ tạo xu hướng giảm giá đối với nhiều mặt hàng thực phẩm (nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn); chuẩn bị vào vụ thu hoạch lúa đông xuân, nguồn cung sẽ tăng mạnh trong khi xuất khẩu gạo đang phải cạnh tranh, giá lúa gạo sẽ có xu hướng giảm... Đáng lưu ý, theo quy luật, trong tháng 3 hàng năm hầu hết CPI giảm tốc, thậm chí là âm. Với cách điều hành như hiện nay và một số giải pháp thì CPI tháng 3 khó có khả năng tăng.

Phối hợp điều hành- biện pháp hiệu quả nhất

Theo ông Phạm Xuân Hòe- Vụ phó Vụ chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước)- để kiềm chế lạm phát thành công cần lượng hóa cụ thể mức tăng đối với một số mặt hàng thiết yếu như: Điện, xăng dầu, than, lương thực, nước sạch, dịch vụ y tế, giáo dục... Bởi nếu không có kịch bản cụ thể sẽ khó kiểm soát. Đặc biệt, việc phối hợp điều hành giữa các bộ, ngành rất quan trọng.

Ông Võ Văn Quyền đồng tình và cho rằng, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương rất quan trọng, góp phần kiềm chế CPI chung. Vì thế, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ.

Tổ điều hành thị trường trong nước đề xuất: Đối với nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hóa (lương thực, thực phẩm), các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tăng cường công tác chống hạn và dịch bệnh, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người tiêu dùng tháng sau Tết.