CPI tháng 6 tăng cao nhất trong 5 năm

Theo vnexpress.vn

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2016 tăng 0,46% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tổng cục Thống kê vừa có báo cáo CPI tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2016. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 10 nhóm mặt hàng tăng, trong đó nhóm hàng giao thông tăng cao nhất với 2,99%, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,55%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,21%; văn hóa - giải trí và du lịch tăng 0,18%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; giáo dục tăng 0,06%; hàng hóa và dịch vụ tăng 0,03%. Chỉ có nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,06%.

Đặc biệt, tốc độ tăng CPI của tháng 6 so với tháng trước đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Cụ thể, CPI tháng 6/2012 so với tháng 5/2012 là - 0,26%, tháng 6/2013 tăng 0,05%, tháng 6/2014 tăng 0,3% và tháng 6/2015 tăng 0,35%.

Theo đó, CPI tăng ở 10/11 nhóm hàng hóa là dấu hiệu cho thấy sản xuất đang hồi phục trở lại.

Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu khiến CPI tăng mạnh nhất khi trong tháng 5 và tháng 6/2016 đã có hai lần điều chỉnh tăng giá xăng với 920 đồng một lít, dầu diezezen tăng 880 đồng. Đây là nhân tố dẫn đến chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 6,46% so với tháng trước góp phần tăng CPI chung khoảng 0,27%.

CPI tăng ở nhóm thực phẩm do ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng lo ngại về hiện tượng cá chết hàng loạt tại một số tỉnh miền Trung nên người tiêu dùng chuyển sang các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm.

Bên cạnh đó do thời tiết nắng nóng, khô hạn đã ảnh hưởng đến diện tích rau trồng nên giá rau tăng cao kéo dài ở các tỉnh miền Trung và miền Nam.

Các nhóm mặt hàng như chỉ số giá điện sinh hoạt tăng là do thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, góp phần làm CPI chung cả nước tăng 0,03%. Bên cạnh đó, nhóm du lịch tăng mạnh bởi tháng 6 là thời điểm học sinh nghỉ hè nên nhu cầu du lịch tăng, chỉ số nhóm du lịch trọn gói tăng 0,48% so với tháng trước.

Luỹ kế, CPI 6 tháng tăng 1,72% so với cùng kỳ, bình quân mỗi tháng tăng 0,39%. Vụ Thống kê giá cho biết, nửa cuối năm 2016 có nhiều yếu tố gây áp lực lên CPI, đó là giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục, giá xăng dầu…

Vì vậy, mục tiêu kiềm chế lạm phát 5% cần phải được quan tâm. Chính phủ đã giao các bộ ngành theo dõi diễn biến thị trường, cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng để tránh gây tác động lan toả về mặt tâm lý lên CPI.