CPI tháng 9 có thể sẽ tiếp tục giảm theo giá xăng

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Việc giá xăng dầu được điều chỉnh giảm khá mạnh từ ngày 3/9 sẽ là yếu tố hỗ trợ quan trọng giúp chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2015 tiếp tục giảm so với tháng 8.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại cuộc họp của Tổ điều hành thị trường trong nước của Chính phủ cuối tuần trước, đại diện của Tổng cục Thống kê đã đưa ra hai phương án cho CPI của tháng 9, với biên độ tăng, hoặc giảm xoay quanh mức 0,05%.

Sở dĩ cơ quan này đưa ra dự báo “nước đôi” như vậy là do yếu tố giá xăng dầu. Cơ quan thống kê nhận định, với nhu cầu về các mặt hàng lương thực thực phẩm và dịch vụ phục vụ cho ngày Quốc khánh 2/9, cộng với lộ trình điều chỉnh học phí của các địa phương có thể sẽ tác động làm CPI tăng 0,05%.

Tuy nhiên cũng theo cơ quan này, giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm từ hôm 19/8, nếu đầu tháng 9 được điều chỉnh giảm tiếp sẽ “lấn át” các yếu tố tăng giá nói trên, tạo cơ sở để CPI tháng 9 có thể giảm thêm 0,05% so với tháng 8.

Ngoài yếu tố giá xăng dầu, theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, trong tháng 9, chuẩn bị vào năm học 2015-2016 nên nhu cầu mua sắm quần áo, giầy dép và sách vở, đồ dùng học tập, văn phòng phẩm... dự kiến sẽtăng. Tuy nhiên, chương trình bình ổn giá phục vụ mùa khai trường 2015-2016 được thực hiện hiệu quả từ đầu năm tại một số địa phương (điển hình là TP. Hồ Chí Minh) sẽ giúp giảm áp lực tăng giá.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả, ổn định kinh tế vĩ mô theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2015 của Chính phủ... góp phần kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng cả nước tháng 9 ở mức thấp.

Đặc biệt, cùng với giá xăng dầu giảm, hiện Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải đang quyết liệt yêu cầu các doanh nghiệp vận tải thực hiện điều chỉnh giá cước theo mức giảm của giá nhiên liệu cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ giúp chỉ số giá tháng 9 tiếp tục giảm.

Ngoài ra theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), CPI tháng 9 còn được hỗ trợ thêm bởi các yếu tố như nguồn cung hàng hóa, dịch vụ tương đối ổn định; giá nhiều hàng hóa trên thị trường thế giới giảm, đặc biệt là giá dầu giảm sâu; và sức mua tiêu dùng vẫn thấp.

Đáng chú ý theo cơ quan này, việc tiền đồng giảm giá hơn 5% so với đồng USD kể từ đầu năm tới nay, sẽ không tác động nhiều tới lạm phát chung. Bởi lẽ, thị trường đón nhận chính sách này như một sự tất yếu trong bối cảnh nhiều đồng nội tệ ở châu Á cũng giảm giá.

Việc giảm giá tiền đồng sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Đối với các chỉ số vĩ mô khác, đặc biệt là chỉ số giá tiêu dùng CPI, sẽ có nhích lên nhưng trong tầm kiểm soát.