CPTPP: Sự phụ thuộc vào một thị trường được gỡ bỏ

Theo Vân Nhi/kinhtenongthon.com.vn

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết nhưng so với TPP trước kia thì có nhiều tiêu chuẩn cao hơn. Ngoài lợi ích trực tiếp về xuất khẩu hàng hóa thu hút đầu tư, CPTPP còn là thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

11 nước thành viên tham gia hiệp định CPTPP. Nguồn: internet
11 nước thành viên tham gia hiệp định CPTPP. Nguồn: internet

CPTPP với nhiều tiêu chuẩn cao

Hiệp định CPTPP về cơ bản kế thừa toàn bộ nội dung của TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới.

CPTPP không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước... 

Ngoài ra, hiệp định này cũng đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.

Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.

Chia sẻ về cơ hội CPTPP sẽ mang lại cho các doanh nghiệp, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho rằng, các cam kết về xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình và tự do hóa dịch vụ - đầu tư trong CPTPP được giữ nguyên từ Hiệp định TPP trước đây. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường của các nước thành viên CPTPP sẽ được hưởng những cam kết cắt giảm thuế từ hơn 90%, thậm chí lên đến 95%. Về cơ bản, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của ta như nông thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực”.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Công ty Phúc Lâm, cho rằng, khi CPTPP được thực thi sẽ tạo thuận lợi chung cho tất cả doanh nghiệp thuộc các quốc gia thành viên. Đáng chú ý, doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội mới để mở rộng việc cung cấp các sản phẩm vào thị trường các quốc gia thành viên cũng như có thể có thêm đối tác, chủng loại hàng hóa mới từ các quốc gia thành viên khác để mở rộng quy mô hàng hóa, dịch vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Bên cạnh đó, hiệp định sẽ tạo ra một sân chơi công bằng, minh bạch cũng là cơ sở, nền tảng để cho các doanh nghiệp có tầm nhìn, định hướng, phát triển bền vững và lâu dài, có cơ hội tốt để vượt lên. “Các thuận lợi sẽ không dành cho tất cả mọi doanh nghiệp vì điều đó còn phụ thuộc vào khả năng nhận biết và hiểu về các yếu tố thuận lợi đó, đồng thời doanh nghiệp cần chuẩn bị đủ điều kiện, năng lực nắm bắt cơ hội đó,” ông Thành chia sẻ thêm.

Sức ép lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Cũng như nhiều hiệp định thương mại khác, CPTPP mang đến nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam từ cam kết mở cửa thị trường của các nước khác nhưng đồng thời với những cam kết cắt giảm thuế quan của mình trong hiệp định và cũng phải mở cửa thị trường thì một số ngành kinh tế của Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt hơn từ hàng hóa nhập khẩu từ các nước CPTPP. 

Theo tiến sỹ Trần Duy Khanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam: “Hiệp định CPTPP vẫn quy định việc mở cửa tối đa cho các doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa của các nước thành viên khi đưa hàng hóa vào thị trường của nhau. Tuy vậy, sẽ có sức ép cạnh tranh rất lớn từ chất lượng đến giá thành với ngành chăn nuôi, nhất là các sản phẩm từ thịt, trứng, sữa..., bởi lẽ ngành chăn nuôi của Việt Nam vẫn chủ yếu theo kiểu nông hộ, chăn nuôi nhỏ và rất ít các tập đoàn lớn.

Các nước mà Việt Nam ký CPTPP đều có năng lực cạnh tranh vượt trội, các sản phẩm của họ đều được ứng dụng khoa học công nghệ cũng như bản thân doanh nghiệp các nước đó cũng có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Trước thực tế trên, để giúp các doanh nghiệp phát triển và hội nhập thành công, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy trong sản xuất và khâu tổ chức sản xuất. Chẳng hạn, các doanh nghiệp cần tập trung nghiên cứu và sản xuất theo những gì thị trường cần, tức là đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế chứ không phải sản xuất theo kinh nghiệm của cá nhân, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm giá thành”. 

Còn theo PGS.Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp (Viện Nghiên cứu Thương mại), để doanh nghiệp “nhỏ mà không yếu” các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư nhiều hơn cho công tác quản trị cũng như tập làm quen với dịch vụ chất lượng cao như tham gia vào chuỗi cung ứng, dịch vụ ngân hàng, logistics... Nhà nước và các hiệp hội chỉ hỗ trợ và tạo ra môi trường, còn việc chuyển biến thực sự phải nằm ở tay các doanh nghiệp.

Bộ Công Thương cũng đưa ra khuyến cáo doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường, đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. Hơn nữa, doanh nghiệp cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường, đối tác trong CPTPP để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp ở các quốc gia CPTPP. 

Hạn chế phụ thuộc vào một thị trường

Phân tích tác động của CPTPP đến doanh nghiệp Việt Nam nói chung, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, hiệp định này sẽ mở ra khoảng 4 cơ hội cho doanh nghiệp Việt.

Thứ nhất, cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Bởi hiện nay các nước CPTPP đang chiếm tỷ trọng khoảng 15,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và chiếm khoảng 16% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam (số liệu cuối năm 2017), nên sẽ tạo ra thị trường lớn về thương mại cho Việt Nam.

Thứ hai, về đầu tư, 10 nước trong CPTPP đang đầu tư vào Việt Nam khoảng 112 tỷ USD, tương đương 15% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam.

Thứ ba, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện trao đổi về kinh nghiệm quản trị điều hành, chuyển giao công nghệ.

Thứ tư, giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia chuỗi giá trị ở khu vực và trong khối. Qua đó, cũng giúp Việt Nam sẽ hạn chế được sự phụ thuộc vào một khu vực hay một thị trường như trước đây.

Song song với 4 cơ hội là những thách thức được đặt ra với doanh nghiệp Việt khi gia nhập CPTPP. Đó là năng lực cạnh tranh, quản trị điều hành, liên quan đến minh bạch, công nghệ thông tin, sở hữu trí tuệ và nguồn nhân lực.

Ông Cấn Văn Lực cho rằng, cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề nguồn nhân lực, ở khía cạnh chảy máu chất xám: “Nếu chúng ta không biết cách thu hút, quản lý, khai thác nhân tài, thì những nguồn nhân lực tốt có thể sẽ làm việc trong khối nhiều hơn. CPTPP là cuộc chơi yêu cầu phải bình đẳng hơn, minh bạch hơn. Nếu như chậm cải cách, chậm đổi mới, không quyết tâm vươn lên thì không thể tận dụng được lợi thế mà ngược lại còn trở thành thách thức.

Phải khẳng định CPTPP là một thị trường rất tiềm năng. Dù có Mỹ hay không có Mỹ tham gia thì quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Mỹ vẫn được đẩy mạnh, Mỹ vẫn là thị trường lớn của Việt Nam. Xét về phương diện thị trường, nếu so sánh giữa TPP và CPTPP thì Việt Nam sẽ tốt hơn nhiều khi tham gia CPTPP chứ không hẳn là TPP”.

Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức hay cơ hội khi tham gia CPTPP, các doanh nghiệp Việt phải hoạt động minh bạch hơn, bài bản hơn và phải có chiến lược cụ thể để tận dụng được cơ hội, vượt qua được thách thức.