CPTPP: Thúc đẩy đổi mới, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng

Theo D.T/kinhtenongthon.com.vn

Vừa qua, sau khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, thảo luận tại tổ cũng như tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cho rằng: Tham gia CPTPP tuy có nhiều áp lực nhưng là cần thiết.

CPTPP là cơ hội xuất khẩu cho nông sản Việt. Nguồn: internet
CPTPP là cơ hội xuất khẩu cho nông sản Việt. Nguồn: internet

Cơ hội hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế

Trong Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu: Ngày 8/3/2018, tại Santiago (Chile), Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Hiệp định CPTPP và các văn kiện liên quan cùng với Bộ trưởng phụ trách kinh tế của các nước Australia, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mehico, New Zealand, Peru, Singapore.

Tờ trình của Chủ tịch nước nêu rõ: Việc tham gia và sớm phê chuẩn CPTPP giúp ta thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa-chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á-Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày mà ít nhất 6 nước ký kết hoặc ít nhất 50% số nước ký kết của Hiệp định thông báo bằng văn bản với Cơ quan lưu chiểu (New Zealand) về việc đã hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết của nước đó. Các thỏa thuận song phương cũng sẽ có hiệu lực cùng thời điểm với CPTPP.

Đối với Việt Nam, Chính phủ đề xuất CPTPP và các văn kiện kèm theo được phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Chính phủ không có kiến nghị bảo lưu bất kỳ nội dung nào của Hiệp định.

Đánh giá tác động của CPTPP và các văn kiện liên quan đến Việt Nam, trong Báo cáo thuyết minh, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ: Về chính trị, an ninh quốc gia và chiến lược đối ngoại, các nước thành viên CPTPP đều khẳng định tôn trọng thể chế chính trị và an ninh quốc gia, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Về mặt kinh tế, thị trường của các nước tham gia CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Vì vậy, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam.

Về thu hút đầu tư, các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tham gia CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.

Về mặt xã hội, tham gia CPTPP sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo.

Báo cáo thuyết minh cũng chỉ ra các thách thức về kinh tế; thách thức về hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế; thách thức về xã hội; thách thức về thu ngân sách; thách thức trong lĩnh vực lao động; thách thức trong lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin của nước ta khi gia nhập Hiệp định CPTPP.

Tạo áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

Nhiều ĐBQH đánh giá, tham gia CPTPP là cần thiết, kịp thời, đặt Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu, tạo áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) cho rằng, đây là hiệp định thương mại tự do toàn diện và tiến bộ, tiêu chuẩn cao và minh bạch. CPTPP rất toàn diện vì hiệp định này không chỉ thuần túy về mặt thương mại, không chỉ bàn về thuế quan mà đề cập đến cả đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, lao động, thị trường dịch vụ... CPTPP tiến bộ ở chỗ không phân biệt khoảng cách giàu, nghèo giữa các quốc gia thành viên, đồng thời quan tâm rất nhiều đến doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều đó thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, tham gia CPTPP, Việt Nam có rất nhiều cơ hội vì thị trường này rất lớn, trên 500 triệu dân. Tuy nhiên, đây là thị trường khó tính vì thu nhập bình quân đầu người là trên 30.000 USD, vì thế, Việt Nam khi xuất khẩu phải quan tâm tới chất lượng sản phẩm và các yêu cầu kỹ thuật của thị trường này.

Tán thành phê chuẩn CPTPP, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) khẳng định, Hiệp định tạo ra yếu tố tinh thần và thể chế, song còn rất nhiều điều cần thực hiện, cần đánh giá, trong đó có các quan hệ quốc tế. Và việc cần thiết là phải hướng dẫn tổ chức thực hiện đối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân, giải quyết các tranh chấp thương mại phát sinh trong quá trình thực hiện.

Đại biểu Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội, lưu ý, khi đàm phán CPTPP bắt buộc phải bí mật, nhưng khi ký rồi thì cần phải tuyên tuyền rộng rãi, để doanh nghiệp không bị bất ngờ. Chính phủ cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền rõ ràng, tháo gỡ thủ tục hành chính tối đa. Đồng thời, cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp để điều chỉnh các luật cho phù hợp với tiến độ tham gia CPTPP.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng đề cập đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Khi Việt Nam tham gia CPTPP, thuế sẽ giảm, giảm chi phí cho doanh nghiệp và tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, công nghệ, thiết bị tiên tiến. Tuy nhiên, cũng có mặt tiêu cực, theo ông Thanh, đó là hàng hóa của các nước thành viên CPTPP sẽ vào thị trường trong nước, trong đó có những hàng hóa Việt Nam đã sản xuất được nhưng khả năng cạnh tranh không nổi, có nguy cơ bị lấn át và thua ngay trên sân nhà.

Chính phủ và doanh nghiệp cần đồng hành

Khi tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội, nhưng cũng sẽ gặp phải không ít thách thức từ việc cạnh tranh hàng hóa và cải cách thể chế.

Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, xét về tổng thể, CPTPP có lợi cho Việt Nam, nhưng thấp hơn khá nhiều so với TPP. Khi tham gia CPTPP, Việt Nam dự kiến đạt được lợi ích từ xuất khẩu với tổng mức tăng thêm về kim ngạch xuất khẩu khoảng 4% (tương đương 4,09 tỷ USD). Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng sẽ tăng thêm ở mức 3,8-4,6% (tương đương 4,93 tỷ USD).

“Do tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, nguy cơ thâm hụt thương mại có thể được kiềm chế theo thời gian, việc tăng xuất khẩu chủ yếu là sang các nước trong CPTPP nên Việt Nam có thể đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đối với nhập khẩu, mức độ tăng thêm do CPTPP từ các nước trong khối là không lớn, việc tăng thêm nhập khẩu sẽ chủ yếu từ các nước ngoài CPTPP. Do đó, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một số nước hiện nay như Trung Quốc, Hàn Quốc ngay cả khi có CPTPP”, ông Thắng phân tích.

Nhận xét về CPTPP, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho rằng, các cam kết về xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình và tự do hóa dịch vụ - đầu tư trong CPTPP được giữ nguyên từ TPP trước đây. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường của các nước thành viên CPTPP sẽ được hưởng những cam kết cắt giảm thuế từ hơn 90%, thậm chí lên đến 95%.

Tuy nhiên, theo ông Thái, giống như nhiều các hiệp định thương mại khác, với cam kết cắt giảm thuế quan trong CPTPP, một số ngành kinh tế của Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt hơn bởi hàng hóa nhập khẩu từ các nước trong CPTPP. Một số ngành được dự báo có thể phải có thêm những nỗ lực để có thể đứng vững và phát triển, trong đó đáng kể là ngành dược, mía đường và thức ăn chăn nuôi.

Trưởng ban Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Anh Dương thì cho rằng, CPTPP giúp Việt Nam đẩy nhanh cải cách thể chế trong nước, thúc đẩy vận hành nền kinh tế thị trường một cách toàn diện, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch.

“Cải cách thể chế sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam nên đây vừa là nhu cầu, vừa là yêu cầu bắt buộc khi Việt Nam chấp nhận tham gia vào sân chơi chung. Do đó, quan trọng là Việt Nam phải duy trì được đà cải cách liên tục và có chất lượng sau khi gia nhập CPTPP. Ngược lại nếu cải cách thể chế có tính thụ động và thiếu sự tích cực, xuyên suốt của Chính phủ cho tới các cấp cơ sở thì chắc chắn thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội mà CPTPP mang lại. Như vậy, áp lực cải cách thể chế là rất lớn đối với Chính phủ”, ông Dương cho biết.

Ngoài nỗ lực từ phía Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần xác định đây là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng hàng hóa dịch vụ và phát triển khả năng sản xuất của nền kinh tế để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, từ đó tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thách thức của ngành chăn nuôi

 

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc Việt Nam gia nhập CPTPP ngoài những tác động tích cực thì vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng nhiều do sức cạnh tranh của ngành còn kém so với một số đối tác như Astralia, New Zealand và mức độ cắt giảm thuế quan so với mức MFN hiện nay là không nhiều.

 

Xét theo mặt hàng, thịt lợn, thịt gà là những mặt hàng có thể gặp phải sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu do sức cạnh tranh còn yếu.

 

Tuy nhiên, Việt Nam đã bảo lưu được lộ trình giảm thuế nhập khẩu tương đối dài cho các sản phẩm này (với một số chủng loại thịt gà là trên 10 năm).

 

Trong nông nghiệp, trừ mặt hàng gạo, thuế quan hiện hành của các nước với sản phẩm chăn nuôi không cao, vì thế, việc hạ thấp thuế quan trong CPTPP không tạo ra nhiều tác động xuất khẩu.