Cảng Tân Cảng – Hiệp Phước:

Cùng Thành phố tiến ra biển Đông

Thanh Sơn

(Taichinh) - Sáng ngày 19/5/2015 Cảng Tân Cảng – Hiệp Phước khai trương đánh dấu sự ra đời của một cảng biển phía Nam TP. Hồ Chí Minh mang thương hiệu Tân Cảng Sài Gòn.

Các đại biểu dự lễ cắt băng khánh thành. Ảnh FinancePlus.vn
Các đại biểu dự lễ cắt băng khánh thành. Ảnh FinancePlus.vn

Nằm ở Khu A xã Long Thới, Huyện Nhà Bè, Khu công nghiệp Hiệp Phước có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam TP. Hồ Chí Minh. Hệ thống Sông Soài Rạp là luồng tàu biển rộng nhất và ngắn nhất từ biển Đông vào hệ thống cảng của Thành phố. Luồng tàu nàỵ đã được nạo vét sâu đến -9,5m để các tàu có trọng tải đến 50,000 DWT có thể ra vào xếp dỡ hàng hóa, góp phần củng cố mục tiêu chiến lược “Tiến ra Biển Đông" của Thành phố.

Thực hiện chủ trương của Thành phố, với tầm nhìn chiến lược và những bước đi vững chắc trong lựa chọn, triển khai mở rộng quy mô hoạt động, cảng Tân cảng - Hiệp Phước đã được Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn lựa chọn đầu tư xây dựng vào cuối năm 2013.

Cảng Tân cảng Hiệp Phước có vị trí chiến lược là giao điểm giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của TP. HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, một mặt giáp ngã ba sông Soài Rạp hướng ra biển Đông, một mặt giáp Sông Đồng Điền. Cách cảng Cát lái 19 km đường thủy và 18 km đường bộ, cách trung tâm thành phố 23 km.

Cảng Tân cảng Hiệp Phước có diện tích đầu tư 16.5 ha được xây dựng chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: được khởi công từ tháng 12/2013 đến tháng 11/2014 gồm 12.05 ha với 300 mét cầu tàu, tiếp nhận tàu 50,000 DWT và 253 mét bến trung chuyển sà lan tiếp nhận tàu, sà lan 2,000 DWT.

Với năng lực và kinh nghiệm của nhà khai thác cảng container hàng đầu Việt Nam. Sau 11 tháng thi công, giai đoạn 1 cảng Tân cảng Hiệp Phước hoàn thành trước kế hoạch 4 tháng, trở thành cảng hiện đại, mẫu mực của Tổng công ty Tân cảng sài Gòn, được lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao về tiến độ và chất lượng xây dựng.

Sáng 15/12, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã đón chuyến tàu đầu tiên cập cảng Tân Cảng - Hiệp Phước. Chiếc tàu đầu tiên cập cảng mang tên SAIGON BRIDGE của hãng tàu SITC. Đến nay, cảng đang đón các hãng tàu SITC, PIL, TSL, OOCL, Wanhai, K'LINE/HJC/PIL, EVERGREEN có tàu cập cảng, với số lượng tàu tiếp nhận từ 9 đến 12 chuyến /tuần.

Giai đoạn 2: được khởi công từ tháng 12/2014 đến tháng 5/2015 với 120 mét cầu tàu, 4.5 ha bãi hàng và 198 mét kè bờ trên sông Soài Rạp.

Sau hơn 5 tháng khẩn trương thi công, giai đoạn 2 đã hoàn thành trước kế hoạch 02 tháng, đưa toàn bộ cảng Tân cảng Hiệp Phước gồm 420 mét cầu tàu tiếp nhận tàu 50,000 DWT đầy tải và 70,000 DWT hạ tải; 253 mét bến sà lan tiếp nhận sà lan 2,000 DWT; 17ha bãi chứa hàng, thiết bị. gồm: 06 cầu bờ Kock, 01 cẩu cố định, 08 cẩu RTG 6+1, 05 xe nâng hàng, 28 xe đầu kéo đi vào khai thác, có khả năng thông qua 650,000 teus/năm, 100,000 tấn hàng rời, với tổng sản lượng quy đổi thông qua gần 9 triệu tấn/năm.

Hiện nay, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã đề nghị và được UBND TP.HCM nhất trí về chủ trương cho đầu tư 5.000m cầu tàu, 300 ha bãi, xây dựng cảng container và cảng tổng hợp tại KCN Hiệp Phước, nằm trong Khu quy hoạch dành cho cảng biển cuối cùng của TP.HCM trên sông Soài Rạp. Dự kiến từ năm 2020, Tổng công ty sẽ triển khai đầu tư cảng phù hợp với tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng của TP. HCM ở khu vực này.

Với vị trí chiến lược nằm ở giao điểm giữa vùng phía Nam của Thành phố và Biển Đông, kết nối với đường vành đai mới và hàng loạt khu công nghiệp, Cảng Tân Cảng Hiệp Phước sẽ là nơi tập trung hàng hóa khu vực ĐBSCL và các khu công nghiệp ở phía Nam của Thành pho Hồ Chí Minh.

Sử dụng Cảng Tân Cảng- Hiệp Phước, các Hãng tàu sẽ tiết kiệm được chi phí hàng hải và thời gian hải hành từ phao số 0 vào Cảng theo luồng Soài rạp. Các khách hàng thuộc khu CN phía Nam thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long có thể tới Cảng Tân Cảng- Hiệp Phước thuận tiện theo tuyến đường Võ Văn Kiệt- Nguyễn Văn Linh kết nối thuận tiện với Quốc lộ 1 A và đường cao tốc Trung Lương. Từ tháng 9/2015, khi tuyến đường vành đai 3 mở rộng với Quốc lộ 1 hoàn thành sẽ tạo thêm thuận tiện về giao thông cho khách hàng. Trong thời gian đầu hoạt động, Cảng có chính sách hỗ trợ phí nâng hạ giao nhận container trực tiếp tại Cảng cùng các chính sách ưu đãi về thời gian lưu bãi cho các khách hàng.

Nằm trong mạng lưới cung ứng dịch vụ khai thác cảng của Tổng công ty TCSG - nhà khai thác cảng hàng đầu Việt Nam, cảng Tân cảng – Hiệp Phước được thừa hưởng kinh nghiệm trong quản lý và hệ thống công nghệ hiện đại cùng đội ngũ cán bộ, nhân viên điều hành chuyên nghiệp. Hiện TCSG có đội sà lan chuyên chở kết nối hàng hóa từ Cảng Tân Cảng Hiệp Phước đi Cảng Tân Cảng Cát Lái, các ICD, Cảng Tân Cảng Cái Mép, các cảng thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long và Cảng Phnompenh- Campuchia.

Sử dụng dịch vụ tại cảng, khách hàng sẽ được Trung tâm dịch vụ logistics Tân cảng - SNP Logistics hỗ trợ làm thủ tục hải quan, vận chuyển hàng hóa, các dịch vụ logistics, có các chính sách ưu đãi hỗ trợ để khách hàng giao nhận container trực tiếp tại Cảng. Cảng cũng đã làm việc với Hãng tàu tạo điều kiện cho trả rỗng về cảng giúp khách hàng tiết kiệm chi phí.

Cảng Tân Cảng- Hiệp Phước có bến sà lan riêng để làm hàng sà lan cũng như phục vụ nhu cầu đóng rút hàng tại Cảng. Cảng đã ký quy chế phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước: Hải quan, công an, kiểm dịch… tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng sử dụng dịch vụ tại cảng.

Cảng Tân Cảng- Hiệp Phước hoàn thành là công trình chào mừng kỷ 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chào mừng Đại hội Đảng bộ Quân cảng Sài Gòn thứ VIII. Đồng thời, khi đi vào hoạt động cảng được coi là “bến nối dài” của cảng Cát Lái và là điểm kết nối hàng hóa quan trọng của các nước vùng nội Á. Sự kiện này không chỉ đánh dấu sự ra đời của một cảng biển phía Nam TP Hồ Chí Minh mang thương hiệu Tân cảng Sài Gòn, mà còn đảm bảo phân khúc tải trọng khi hệ thống cảng của Tân cảng Sài Gòn có thể tiếp nhận được tất cả các cỡ tàu: từ 3 - 4 vạn tấn tại Cát Lái; từ 5 - 7 vạn tấn tại Hiệp Phước và trên 11 vạn tấn tại Cái Mép, khẳng định chiến lược phát triển bền vững trên 3 trụ cột: Kinh doanh khai thác cảng, kinh doanh dịch vụ logistics, kinh doanh vận tải biển nội địa của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn.