Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Nguy cơ Việt Nam gặp rào cản về thuế, kỹ thuật

Theo Nam Anh/ndh.vn

Theo Tổng cục Thống kê, về ngắn hạn, cuộc chiến thương mại chưa tác động nhiều tới Việt Nam. Tuy nhiên, trong dài hạn, Việt Nam sẽ chịu tác động lớn, đặc biệt là nguy cơ bị Mỹ áp dụng các rào cản về thuế, kỹ thuật.

 Sản xuất giày da xuất khẩu tại Việt Nam. Nguồn: TTXVN
Sản xuất giày da xuất khẩu tại Việt Nam. Nguồn: TTXVN

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng mở rộng với việc Mỹ áp thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh đáp trả bằng thuế với 60 tỷ USD hàng hóa Washington – có hiệu lực từ ngày 24/9.

Tại buổi họp báo ngày 28/9, Tổng cục Thống kê (GSO) đánh giá, trong giai đoạn ngắn hạn, tác động của cuộc chiến thương mại đối với nền kinh tế của Việt Nam rất ít, không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.

Bằng chứng là xuất nhập khẩu trong 9 tháng của Việt Nam sang Mỹ vẫn tốt, thặng dư thương mại với Mỹ đạt 25 tỷ USD.

Nhưng với sự mở rộng và kéo dài của cuộc chiến, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho rằng dài hạn, với việc mở rộng đánh thuế nhiều mặt hàng, Việt Nam sẽ chịu tác động lớn khi đang ngày càng tham gia sau vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt, ông Lâm nhấn mạnh đến nguy cơ Mỹ có thể đưa ra các rào cản về thuế và kỹ thuật đối với các nước đang thặng dư thương mại với Mỹ, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 12 về quy mô xuất khẩu và thứ 5 về quy mô thương mại với Mỹ.

"Không loại trừ các ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn vào Mỹ như dệt may, điện thoại, điện tử... sẽ chịu tác động. Khi thâm hụt thương mại lớn, Mỹ có thể đưa ra các rào cản đối với Việt Nam", ông Lâm phân tích.

Bên cạnh đó, cuộc chiến kéo dài thúc đẩy xu hướng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc, sang các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Yếu tố này theo ông Lâm không thuận lợi. Bởi cùng với đó, các nhà đầu tư với công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường hay quy mô rất nhỏ có thể sẽ chuyển dịch sang Việt Nam.

Một yếu tố khác được nhắc đến theo Tổng cục Thống kê là gian lận thương mại. Trung Quốc và các nước chịu thuế của Mỹ có thể mượn Việt Nam làm bàn đạp xuất khẩu. Khi đó, Việt Nam rất dễ vi phạm các quy định của Mỹ.

Ngoài ra, môi trường tài chính, tiền tệ diễn biến không thuận lợi, dòng vốn đầu tư có thể đảo chiều. Bên canh đó, một số nước lớn có thể thúc đẩy các cơ chế hợp tác song phương. Đây cũng là một trong những hướng bất lợi cho Việt Nam.

Dù vậy, theo ông Lâm, cuộc chiến thương mại ẩn chứa những cơ hội. Căng thẳng thương mại thời gian qua có thể thấy rõ chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc. Mỹ tập trung đánh thuế cao vào các nhóm ngành công nghệ cao và ngăn nhà đầu tư Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ. Đặc biệt, Mỹ kiếm chế chiến lược "Made in China" 2025 của Trung Quốc.

Xung đột Mỹ - Trung tạo động lực để các nước triển khai hợp tác kinh tế đa phương nhằm khắc phục những rủi ro kinh tế. Các hiệp định đa phương như CPTPP cũng sẽ được thúc đẩy trong bối cảnh này, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại Việt Nam. Trong nhiều chỉ thị của Chính phủ thời gian qua nhấn mạnh việc đa phương hóa, tìm kiếm các thị trường tiêu thụ hàng hóa.

Ngoài ra, theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam có thể tiếp tục thúc đẩy một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực cho thế mạnh cạnh tranh và thay thế được hàng Trung Quốc như dệt may, da giày... vào Mỹ.