Cuộc chuyển đổi các DNNN: Khoảng trống pháp lý

Theo Đầu tư

Nếu các cơ chế tài chính, tiền lương, kiểm soát viên trong các công ty mẹ của tập đoàn, công ty nhà nước sau chuyển đổi sang công ty TNHH một thành viên không kịp được ban hành tương thích, thì lời đáp cho câu hỏi “bình mới rượu có mới” sẽ ở thể phủ định.

 

Tính tới thời điểm này, theo thông tin từ Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ), kế hoạch chuyển đổi các tập đoàn, công ty nước sang công ty TNHH một thành viên theo quy định của Luật Doanh nghiệp gần như hoàn tất.

Nếu soi vào 9 bước trong quy trình chuyển đổi theo Nghị định 25/2010/NĐ-CP về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên và tổ chức quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, thì công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn đã qua được 7 bước, có nghĩa là có quyết định chuyển đổi, bổ nhiệm người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu và các chức danh quản lý, điều hành công ty.

Tiếp theo, các doanh nghiệp này sẽ phải hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh và bước cuối cùng là gửi quyết định chuyển đổi đến các chủ nợ của doanh nghiệp và thông báo cho người lao động trong doanh nghiệp. Khi đó, các công ty TNHH một thành viên mới chính thức đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, vướng mắc lại bắt đầu khi hàng loạt quy chế tài chính, quản lý lao động tiền lương, tiền thưởng… cho các doanh nghiệp sau chuyển đổi hiện vẫn chưa có. Điều này có nghĩa là, nếu thủ tục đăng ký kinh doanh được hoàn thành sớm, thì các công ty TNHH một thành viên mới cũng khó có điều kiện hoạt động khác trước. Lo ngại các công ty TNHH một thành viên sau chuyển đổi lại thực hiện quy chế tài chính công ty nhà nước, hay hành xử của các đại diện chủ sở hữu với các công ty nhà nước theo kiểu cấp trên - cấp dưới… không phải không có cơ sở.

Hơn thế, lo ngại lớn hiện nay đang rơi vào chất lượng chức danh mới trong công ty TNHH một thành viên sau chuyển đổi là kiểm soát viên. Trong loại hình công ty này, vai trò của kiểm soát viên là giúp chủ sở hữu kiểm soát tình hình tổ chức thực hiện các quyền của chủ sở hữu trong quản lý, điều hành công ty. Theo quy định của Nghị định 25/2010/NĐ-CP, kiểm soát viên có quyền sử dụng con dấu của công ty, có quyền tiếp cận các thông tin của công ty, để thực hiện nhiệm vụ do pháp luật và điều lệ công ty quy định với kiểm soát viên. Với vai trò rất khác biệt nếu so với chức danh thành viên Ban kiểm soát của công ty nhà nước có hội đồng quản trị, có thể nói chất lượng của chức danh mới này có thể tác động tới sự khác biệt về bản chất trong mô hình công ty TNHH một thành viên so với công ty nhà nước.

Tuy nhiên, theo ông Trần Tiến Cường, Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý nhà nước): Thực tế những công ty TNHH một thành viên đã chuyển đổi từ trước, chức danh kiểm soát viên khá mờ nhạt và bị lấn át bởi hội đồng thành viên của công ty. Vai trò của chủ sở hữu trong trường hợp này không phát huy được.

Với các doanh nghiệp quy mô lớn như công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, vai trò của kiểm soát viên càng đặc biệt quan trọng. “Nếu không có cơ chế phù hợp để kiểm soát viên hoạt động đúng vai trò của mình thì công ty TNHH nhà nước sau chuyển đổi vẫn sẽ là bình mới, rượu cũ”, ông Cường phân tích.

Trong chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi công ty nhà nước theo Nghị định 25/2010/NĐ-CP, thì mỗi doanh nghiệp phải có ít nhất 1 kiểm soát viên chuyên trách về lĩnh vực tài chính kế toán doanh nghiệp do chủ sở hữu của doanh nghiệp bổ nhiệm. Chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên có thể cử kiểm soát viên từ đơn vị mình, từ cơ quan tài chính, kế hoạch và đầu tư hoặc cơ quan khác có trình độ chuyên môn phù hợp sau khi đã thống nhất với cơ quan đó.