Đa dạng hóa nguồn huy động vốn để phát triển kinh tế - xã hội các huyện ngoại thành TP. Hà Nội

ThS. Ngô Đại Sơn - Tổng cục Thuế

Đa dạng hóa nguồn vốn huy động đầu tư vào phát triển kinh tế - xã hội là chủ trương đã được Đảng, Nhà nước ta thực hiện từ nhiều năm nay và đã được nhiều địa phương thực hiện thành công, trong đó, TP. Hà Nội hiện có 17 huyện ngoại thành với gần 400 xã, diện tích đất nông nghiệp còn khá lớn. Để phát triển kinh tế - xã hội các huyện ngoại thành trong thời kỳ hội nhập và phát triển đòi hỏi phải huy động được nguồn vốn lớn và ổn định. Bài viết đề xuất một số giải pháp đáp ứng yêu cầu trên xuất phát từ thực tiễn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Yêu cầu về vốn để phát triển kinh tế - xã hội các huyện ngoại thành Hà Nội

Theo số liệu thống kê, 17 huyện ngoại thành Hà Nội có số thu ngân sách giai đoạn 2011-2015 đạt 92.068.152 triệu đồng, riêng năm 2016 đạt 23.931.929 triệu đồng; Mức chi ngân sách là 86.644.247 triệu đồng, riêng năm 2016 số chi là 22.414.133 triệu đồng. Trong đó, chi đầu tư xây dựng cơ bản là lĩnh vực đầu tư cần nhiều vốn nhất giai đoạn 2011- 2115 (28.994.245 triệu đồng), riêng năm 2016 là 7.094.281 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều lĩnh vực khác cũng cần nguồn vốn đầu tư rất lớn…

Theo dự báo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các huyện ngoại thành đến năm 2020, ngoài nguồn vốn đầu tư thường xuyên từ ngân sách, mỗi năm cần phải huy động nguồn vốn xã hội tương đương với vốn từ ngân sách, như vậy mới có thể đảm bảo nguồn vốn phát triển ổn định.

Theo đó, các chính sách của Thành uỷ và UBND TP. Hà Nội phải hướng tới khai thác và huy động tối đa các nguồn vốn bằng nhiều phương thức. Huy động vốn thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức huy động nhưng phải đảm bảo bình đẳng, gắn bó, tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển giữa các nguồn vốn, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm tiêu chuẩn duy nhất để đo lương lợi ích các nguồn vốn; đảm bảo sự nhất quán, đồng bộ và ổn định, dự báo được khả năng huy động vốn, giữ được lòng tin và kích thích các chủ sở hữu vốn đầu tư, đảm bảo ngày càng tiếp cận trình độ và phù hợp thông lệ quốc tế.

Đa dạng hóa các nguồn và phương thức huy động vốn để phát triển kinh tế - xã hội

Các nguồn vốn cần huy động gồm có: Vốn NSNN, vốn DN, vốn tư nhân, vốn huy động qua hệ thống tín dụng ngân hàng, vốn thuộc các quỹ đầu tư của công ty, vốn của các tổ chức tài chính trung gian và thị trường chứng khoán…

 Nguồn vốn ngân sách nhà nước

Thực tế cho thấy, sự hỗ trợ của NSNN cần được tăng cường cho các dự án phát triển nông nghiệp ngoại thành, nhất là đầu tư tạo ra các vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh lớn, hướng mạnh về xuất khẩu. Vốn từ NSNN không thực hiện theo kiểu bao cấp, xin cho mà phải dựa trên cơ sở ưu tiên cho các dự án, xây dựng kết cấu hạ tầng, triển khai khoa học công nghệ mới, phát triển nguồn nhân lực… nhằm tạo ra động lực mạnh mẽ để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Do nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp nên phải huy động các nguồn thu vào NSNN. Tăng nguồn thu ngân sách nhưng phải đảm bảo tỷ lệ động viên hợp lý, chống thất thu ngân sách và điều tiết ngân sách theo Luật NSNN; Đồng thời, cần làm tăng nguồn thu ngân sách thông qua việc xin tăng hỗ trợ đối với những dự án phát triển nông nghiệp ngoại thành có mục tiêu, phát sinh ngoài dự toán ngân sách nhưng rất cần cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách từ Trung ương…

Trong số những giải pháp tăng thu cho ngân sách Thành phố, cần coi trọng giải pháp tăng nguồn thu nhờ xúc tiến cổ phần hoá DNNN, tận thu phí trước bạ và thuế chuyển quyền sử dụng đất, đặc biệt, chú trọng nguồn vốn đổi đất lấy vốn. Cụ thể là, cho phép lập quy hoạch và bán quyền sử dụng, thu tiền một lần những khu đất mới và những khu đất đang có công trình xây dựng… theo phương thức đấu giá công khai với thời hạn tuỳ thuộc quy hoạch, mục tiêu và chất lượng công trình, hoặc sẽ sử dụng. 

Nguồn vốn tín dụng

Các tổ chức tín dụng có nhiệm vụ thực thi chính sách tiền tệ của Nhà nước thông qua hoạt động “khơi trong, hút ngoài” của mình nhằm huy động mọi nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi trong nền kinh tế, trong các DN, tổ chức xã hội, dân cư.

Thứ nhất, xây dựng chiến lược vốn trên cơ sở nhu cầu, khả năng của thị trường, phù hợp với chiến lược phát triển của hệ thống ngân hàng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của Thủ đô, trong đó có khu vực các huyện ngoại thành.

Để thực hiện chiến lược huy động vốn, cần dựa vào các tổ chức tín dụng đóng trên địa bàn Hà Nội. Các tổ chức tín dụng căn cứ vào tình hình thực tế của thị trường, điều kiện cụ thể của từng ngân hàng về quy mô hoạt động, năng lực tài chính, năng lực quản lý...; Căn cứ vào chiến lược phát triển của hệ thống ngân hàng thương mại cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để xây dựng, điều chỉnh và hoàn thiện chiến lược huy động vốn cho phù hợp, đảm bảo đúng đường lối của Đảng, Nhà nước, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người gửi tiền.

Thứ hai, đa dạng hoá các hình thức huy động vốn và các dịch vụ của ngân hàng thương mại như các loại tiền gửi, kỳ phiếu, trái phiếu và các chứng chỉ tiền gửi. Mở thêm nhiều loại tài khoản để không ngừng đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả cho khách hàng và đáp ứng các nhu cầu đầu tư. Mỗi hình thức huy động vốn là sự kết hợp giữa một công cụ huy động với một cơ cấu huy động được thực hiện với một cách thức cụ thể.

Do đó, để có nhiều hình thức huy động vốn, các ngân hàng cần triển khai huy động vốn với nhiều kỳ hạn khác nhau, nhiều loại tiền tệ khác nhau cho cùng một công cụ tương ứng. Việc đa dạng hoá các hình thức huy động sẽ tạo ra cho các ngân hàng có nhiều cơ hội chủ động sáng tạo trong việc tuyên truyền giáo dục, thuyết phục khách hàng bảo đảm cho nguồn vốn huy động có chất lượng tốt, có sức cạnh tranh cao.

Trong các nguồn vốn đa dạng của ngân hàng thì nguồn huy động từ dân cư qua hình thức tiết kiệm bao giờ cũng chiếm tỷ trọng cao, ổn định và không ngừng tăng lên phù hợp với thu nhập của nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, cần có giải pháp về mặt kinh tế thích hợp, uyển chuyển, kết hợp hài hoà giữa lợi ích của người đi vay và người cho vay. Bên cạnh đó, thành lập các quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng cổ phần, hợp tác xã tín dụng đến tận cơ sở, nơi tập trung dân cư sản xuất hàng hoá, nơi đầu mối giao thông quan trọng để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.

Hiện nay, vốn tín dụng dài hạn đầu tư cho nông nghiệp ngoại thành phát triển chiều sâu còn thiếu trầm trọng. Vì vậy, ngân hàng cần đẩy mạnh phát hành kỳ phiếu, trái phiếu. Những kỳ phiếu, trái phiếu đó phải được đảm bảo bằng vàng hoặc ngoại tệ, trong thời gian xác định từ 2, 3, 5, 10 năm. Khi thanh toán gốc và lãi của kỳ phiếu, trái phiếu, nếu có sự rủi ro về tỷ giá, phải có nguồn tài chính cấp bù lỗ; xây dựng mức lãi suất kỳ phiếu, trái phiếu ngân hàng cao hơn lãi suất tiết kiệm cùng kỳ hạn. Có như vậy mới huy động được vốn trung và dài hạn cho phát triển nông nghiệp ngoại thành.

Thứ ba, hình thành thị trường tài chính nông thôn nhằm đẩy mạnh huy động và cung ứng vốn. Do khu vực nông nghiệp, nông thôn và thị trường tài chính nông thôn các huyện ngoại thành có những đặc điểm đặc thù, nên xác định phát triển thị trường tài chính trong giai đoạn hội nhập là phát triển nhanh nhưng phải đảm bảo ổn định và bền vững.

Đây cũng là quan điểm xuyên suốt cho quá trình phát triển của thị trường tài chính nông thôn; quy mô và cấu trúc của thị trường tài chính nông thôn phải gắn liền với đặc điểm kinh tế, xã hội của các huyện ngoại thành, đồng thời phải gắn liền với kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của thành phố.

Trên cơ sở những quan điểm này, cần thiết lập một cơ chế vận hành thị trường tài chính nông thôn Hà Nội nói riêng hiệu quả, thông suốt và phát huy tốt nhất các tiềm năng sẵn có trên thị trường tài chính nông thôn. Theo đó, cần điều chỉnh cấu trúc của thị trường tài chính nông thôn cho phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội nông thôn Việt Nam và các huyện ngoại thành Hà Nội trong giai đoạn hội nhập khu vực và quốc tế, góp phần duy trì thị trường tài chính phát triển ổn định và phản ánh được một tầm nhìn và lợi ích xã hội mà lĩnh vực tài chính nông thôn đảm nhận.

Nguồn vốn DN

Vốn của DNNN bao gồm: Một phần vốn lưu động được cấp từ ngân sách; phần vốn vay qua hệ thống tín dụng ngân hàng; phần vốn từ lợi nhuận và tái đầu tư; vốn vay thương mại trong nội bộ DN hoặc trên thị trường… Tuy nhiên, do yêu cầu tăng quy mô, mở rộng phát triển sản xuất không ngừng, vốn của DN cần được tiếp tục huy động tổng hợp từ các nguồn vốn để phát triển sản xuất.

Đề nghị Nhà nước cho các DN đủ điều kiện kinh doanh có hiệu quả trong cơ chế thị trường được phép phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường chứng khoán trong và ngoài nước để tạo vốn.

Bên cạnh đó, cần có chính sách bổ sung vốn lưu động cho các DNNN thuộc lĩnh vực nông nghiệp, khi xét thấy các DN đó làm ăn có hiệu quả, có đóng góp nhiều cho ngân sách, có ý nghĩa quan trọng trong việc dẫn dắt tăng trưởng và phát triển kinh tế ngoại thành.

Đồng thời, cần hạn chế tối đa cung ứng tín dụng thương mại cho các DN làm ăn thua lỗ kéo dài hoặc nợ xấu quá hạn; Khuyến khích các DN tăng vốn kinh doanh thông qua việc huy động vốn trên thị trường bằng cách tự đi vay, tự trả nợ thông qua sự cam kết đối với các đối tác trên cơ sở pháp luật.

Đây chính là lối thoát dài hạn, tiềm tàng nhưng có triển vọng, có hiệu quả cao nhất cho nền kinh tế - xã hội, làm lành mạnh hoá hệ thống tài chính tiền tệ của cả nước nói chung và Hà Nội cũng như các huyện ngoại thành nói riêng.

Nguồn vốn dân cư

Hà Nội là địa phương có tiềm lực kinh tế mạnh hơn so với các vùng khác trong cả nước, do đó, trong thời gian tới, cần tìm mọi biện pháp khuyến khích nông dân đầu tư vốn để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá tập trung, quy mô lớn. Tuy nhiên, vấn đề cần lưu ý là không đẩy mạnh huy động vốn quá mức so với điều kiện hiện có của nền kinh tế cũng như khả năng tích luỹ của các tầng lớp dân cư.

Để làm được điều này, Thành phố cần tạo mọi điều kiện và gỡ bỏ những trở ngại về luật pháp, tâm lý cho nhân dân, khuyến khích những người có vốn ở nông thôn có cơ hội tự tổ chức hoặc hợp tác với nhau huy động vốn đầu tư, trong đó, hình thức kinh tế trang trại là điển hình. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho kinh tế trang trại, kể cả cung ứng vốn ưu đãi cho kinh tế trang trại ngoại thành phát triển.

Huy động vốn phải có cơ chế điều tiết các khoản thu, thống nhất trong toàn quốc nhưng lại phù hợp với điều kiện của từng vùng, để có thể vừa khai thác triệt để mọi nguồn vốn, vừa “khoan sức dân”, tạo đề cho kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững.

Để thu hút được tối đa nguồn vốn tiềm tàng trong dân, trước mắt cần phải hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn khu vực ngoại thành; Cần củng cố các trung tâm khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để nâng cao tính hiệu quả trong việc áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất; Tiếp tục mở rộng thị trường để tiêu thụ sản phẩm; Tiếp tục có chính sách trợ cước, trợ giá và thu mua nông sản phẩm cho nông dân, để người dân hăng hái đầu tư vốn vào sản xuất nông nghiệp.

Nguồn vốn nước ngoài 

Để thực hiện thành công việc thu hút các nguồn vốn nước ngoài vào đầu tư khu vực nông thôn ngoại thành Hà Nội, Thành uỷ, UBND Thành phố cần phải xây dựng được chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài hợp lý và vững chắc trên cơ sở bám sát với tình hình thực tế tại địa phương và thông tin thị trường trong và ngoài nước. Từ đó, thực hiện tốt công tác dự báo, xử lý linh hoạt các phương án do nước ngoài đầu tư để có khả năng thích ứng được với sự thay đổi của các luồng vốn FDI, ODA giữa các địa phương trong cả nước.

Bên cạnh đó, để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, Thành phố cần có những quy định và chính sách phù hợp với đặc điểm riêng của mình, thể hiện những ưu đãi đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Thành phố cũng cần có kế hoạch tập trung hơn nữa để hoàn thiện hạ tầng phục vụ cho nhu cầu phát triển chung.         

Tài liệu tham khảo:

1. TS. Nguyễn Minh Phong (2013), Hà Nội thực hiện đa dạng hóa việc huy động các nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới;

2. Nghị quyết 05/NQ-HĐND ngày 3/6/2016 của Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của TP. Hà Nội;

3. Một số website: hanoi.gov.vn, hanoimoi.com.vn, chinhphu.vn.