Đa dạng hóa nguồn lực tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Hương Giang

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là một thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Từ thách thức này, để chủ động ứng phó với BĐKH, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (NSNN), Việt Nam cần đa dạng hóa nguồn lực tài chính ứng phó với BĐKH ở Việt Nam.

Tài chính ứng phó với BĐKH ở Việt Nam

Bàn về thực trạng sử dụng các nguồn lực tài chính ứng phó với BĐKH ở Việt Nam, GS.,TS. Trần Thọ Đạt cho biết, ở Việt Nam, chi tiêu công là một bộ phận quan trọng của tài chính khí hậu.

Thời gian qua, Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá chi tiêu công và đầu tư cho BĐKH nhằm đưa ra bức tranh về chi tiêu cho ứng phó với BĐKH để định hướng thực hiện các chính sách chi tiêu liên quan đến BĐKH. Theo đó, chi tiêu công cho BĐKH ở Việt Nam được thể hiện như sau:

Thứ nhất, nguồn NSNN chi cho ứng phó với BĐKH của Chính phủ giữ ổn định từ 2010 - 2013, trong khi tổng chi có giảm nhẹ. Tính theo tỷ lệ phần trăm trên GDP, chi cho ứng phó với BĐKH ở Việt Nam vẫn còn thấp, ước tính chỉ bằng 0,1% GDP. Mặc dù áp dụng chính sách tài khoá thắt chặt, Chính phủ Việt Nam vẫn bố trí nguồn NSNN cho ứng phó với BĐKH, nhưng nguồn kinh phí này còn hạn chế, chưa giải quyết được những thách thức của BĐKH.

Thứ hai, chi cho ứng phó với BĐKH tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn để tăng cường năng lực chống chịu, tuy nhiên, ngân sách dành cho các hành động giảm phát thải cácbon cũng đang tăng lên. Trong giai đoạn 2010 - 2013, Chính phủ đã phân bổ kinh phí khoảng 88% chi tiêu cho ứng phó với BĐKH vào các dự án có tạo ra một lượng lớn những lợi ích đồng thời về thích ứng với BĐKH. Ngân sách tài trợ trực tiếp cho giảm nhẹ từ chi thường xuyên đang có xu hướng tăng.Trong giai đoạn 2010–2013, tỷ lệ chi tiêu trực tiếp cho giảm nhẹ chỉ chiếm 2%. Đến năm 2013, ngân sách cho giảm nhẹ tăng lên 3,9%, chủ yếu do tăng chi thường xuyên qua Chương trình mục tiêu quốc gia tiết kiệm năng lượng. 

Thứ ba, một tỷ lệ lớn chi tiêu ở cấp bộ (89%) dành cho đầu tư  ứng phó với BĐKH. Chỉ một tỷ lệ nhỏ trong chi tiêu cho ứng phó với BĐKH được phân bổ cho xây dựng năng lực khoa học, công nghệ, xã hội và chính sách và quản trị, mỗi nội dung này đều có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo môi trường thúc đẩy đầu tư ứng phó với BĐKH. Chi tiêu cho lĩnh vực khoa học, công nghệ, xã hội chiếm 9% và chính sách và quản trị chỉ chiếm 2% của tổng chi cho BĐKH.

Bên cạnh nguồn lực NSNN, Việt Nam tích cực tiếp nhận và sử dụng vốn quốc tế cho BĐKH. Cụ thể, trong giai đoạn 2010 – 2015, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 1,3 tỷ USD (tương đương 26.000 tỷ đồng) thông qua Chương trình SP- RCC, trong đó bao gồm một phần vốn viện trợ không hoàn lại của Canada, Australia và phần lớn là vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, Cơ quan phát triển Pháp, Hàn Quốc. Bên cạnh nguồn ODA, các khoản chi của các DN nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo cũng khá lớn, khoảng 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2010-2013 (MPI 2015).

GS.,TS.Trần Thọ Đạt đánh giá, hiện nay ở nước ta chưa có nhiều nghiên cứu hệ thống về chi tiêu và đầu tư của khu vực tư nhân cho BĐKH. Năm 2017, Trung tâm Dự báo Kinh tế - xã hội quốc gia có tiến hành một nghiên cứu về đầu tư tư nhân cho bảo vệ môi trường; khảo sát mẫu đại diện 357 doanh nghiệp tại Việt Nam tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiềm năng gây ô nhiễm môi trường cao.

Thực tế cho thấy, đầu tư và chi phí thường xuyên cho bảo vệ môi trường chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng chi đầu tư và chi phí sản xuất, kinh doanh của DN. Khoảng gần 40% trong số các DN khảo sát phản hồi có đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường và có chi phí thường xuyên cho bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, khoảng 74% số DN có tỷ lệ chi phí đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường nhỏ hơn 10% so với chi phí đầu tư ban đầu của DN.

Đa dạng hóa nguồn lực tài chính ứng phó với BĐKH

Trong thời gian tới, Việt Nam cần đa dạng hóa nguồn lực tài chính ứng phó với BĐKH. Theo đó, Việt Nam cần tiếp tục cải cách các công cụ kinh tế gồm thuế phí môi trường để tăng thu ngân sách tạo nguồn lực ứng phó BĐKH, hạn chế sản xuất, tiêu dùng sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường, gây ra phó BĐKH; Cần đẩy mạnh hợp tác công tư (PPP) trong các dự án ứng phó BĐKH... 

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng Chương trình Tín dụng xanh nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại cung cấp thêm các khoản vay hỗ trợ DN thực hiện tăng trưởng xanh. Bên cạnh chính sách vĩ mô, DN có thể tiếp cận nhiều quỹ hỗ trợ đối với lĩnh vực phó BĐKH.

Ngoài ra, Quỹ Đầu tư xanh cũng dành một khoản bảo lãnh ngân hàng cho các khoản đầu tư vào tiết kiệm năng lượng hiệu quả của các DN vừa và nhỏ và giải thưởng tiết kiệm năng lượng. Chương trình Tín dụng tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả đã hỗ trợ các ngân hàng địa phương cho vay đối với khách hàng cá nhân và DN muốn mua và đầu tư vào nhà ở và các tòa nhà tiết kiệm năng lượng.

Đặc biệt, Việt Nam cần thúc đẩy phát triển trái phiếu xanh để huy động vốn cho phó BĐKH. Theo đó, các khoản tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu này sẽ được cam kết đầu tư cho các chương trình tăng cường sự thích nghi và giảm thiểu tác động của phó BĐKH, bao gồm các dự án năng lượng sạch, sử dụng năng lượng hiệu quả, giao thông công cộng và nước sạch.