Đa dạng nguồn lực tài chính khắc phục thiệt hại do thiên tai

PV.

Thiên tai tại Việt Nam ngày càng gia tăng và phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, bởi vậy, Việt Nam đã tăng cường các nguồn lực tài chính để khắc phục thiệt hại do thiên tai.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Năm 2017, tổng thiệt hại kinh tế do thiên tai ước tính trên 60.000 tỷ đồng

Thiên tai tại Việt Nam ngày càng gia tăng và phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong 20 năm gần đây, thiên tai đã làm chết, mất tích khoảng 10.800 người; thiệt hại ước tính bình quân khoảng 20 nghìn tỉ đồng/năm (tương đương khoảng 1-1,5% GDP).

Tính riêng trong năm 2017, thiên tai đã làm 386 người chết và mất tích, là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay và 654 người bị thương, chỉ thấp hơn so với mức 800 người của năm 2013; hơn 8.126 nhà bị sập đổ, cuốn trôi, hơn 561.696 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 352.943 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; hơn 2,65 triệu gia cầm, gia súc bị chết, nhiều vị trí đê điều bị sự cố phải xử lý khẩn cấp, nhiều km kênh mương và đường giao thông bị sạt trượt.

Đặc biệt, tổng thiệt hại kinh tế ước tính trên 60.000 tỷ đồng (tương đương trên 2,65 tỷ USD), cao hơn gần gấp đôi so với năm 2016 .

Đa dạng nguồn lực tài chính khắc phục thiệt hại do thiên tai

Trong những năm qua, nguồn lực huy động trong ngắn hạn đến từ sự kêu gọi hỗ trợ trong cộng đồng, các tổ chức thiện nguyện trong nước và sự hỗ trợ từ quốc tế để triển khai các giải pháp ứng phó trước mắt.

Trước tình hình hậu quả từ thiên tai trong những năm qua là hết sức nặng nề, cơ bản các giải pháp trong ngắn hạn đã được triển khai mạnh mẽ, toàn diện và có hiệu quả. Trong đó, đặc biệt là các giải pháp kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các cá nhân, gia đình bị thiệt hại, ảnh hưởng.

Về kết quả, trong năm 2017, các lực lượng chức năng đã chuyển 4.400 tấn gạo, 607.050 liều vaccine, 85.000 lít và 240 tấn hóa chất khử trùng... đến những khu vực bị ảnh hưởng để đảm bảo đời sống cho người dân; Hỗ trợ các địa phương 696 tấn lúa giống, 205 tấn ngô giống, 7 tấn rau giống; Tổng mức hỗ trợ trong năm 2017 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là 448 tỷ đồng, của Trung ương Hội Chữ thập đỏ là 20 tỷ đồng.

Đồng thời, các địa phương cũng tiếp nhận 430 tấn hàng hóa thiết yếu tương đương 1,71 triệu USD từ Chính phủ nhiều nước và các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc (4,21 triệu USD), Nga (5 triệu USD), Mỹ (1 triệu USD), Hàn Quốc (1 triệu USD) ... và chuyển đến người dân một cách nhanh nhất.    

Về các nguồn lực trong dài hạn, để ứng phó với tình hình thiên tai bất ngờ, nguồn kinh phí từ ngân sách trung ương (NSTW) là hết sức quan trọng. Về dự phòng ngân sách, Luật NSNN năm 2015 có hiệu lực từ năm 2017 cho phép dự phòng ở mức 2-4% tổng chi mỗi cấp ngân sách. Dự phòng ngân sách hàng năm trong giai đoạn 2010-2017 trung bình đạt khoảng 22 000 tỷ đồng, trong đó ngoài chi cho khắc phục hậu quả thiên tai còn đươc sử dụng để chi cho các mục đích khác như khắc phục hậu quả của dịch bệnh, cứu đói; nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh…

Trong giai đoạn 2011-2015,  bên cạnh nguồn kinh phí dự phòng của các địa phương, tổng số hỗ trợ từ nguồn dự phòng NSTW cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai dịch bệnh của Việt Nam là 11.239 tỷ đồng (chiếm khoảng 20% tổng nguồn dự phòn NSTW) cho các nhiệm vụ: đầu tư sửa chữa, nâng cấp các dự án, công trình đê kè chông sạt lở và các dự án quan trọng cấp bách nhàm phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ, mưa đá, lốc xoáy, bão;

Trong năm 2016, NSTW đã hỗ trợ để khắc phục hậu quả thiên tai bằng tiền là 5.608 9 tỷ đông, cùng với sự hỗ trợ bằng tiền còn có sự hỗ trợ bằng hiện vật với tổng giá trị khoảng 2.119,6 tỷ đồng   .

Cuối năm 2017, Chính phủ đã quyết định số 1872/QĐ-TTg ngày 24/11/2017 về hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khắc phục thiệt hãi do bão số 10 và mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất từ giữa tháng 8/2017 đến đầu tháng 10/2017 với giá trị 1.000 tỷ đồng. Tổng giá trị hỗ trợ khắc phục hậu quả bão, lũ năm 2017 của Chính Phủ là 4.605 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trên cơ sở rà soát quy trình hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai theo Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg về quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khăc phục hậu quả thiên tai là phù hợp. Bộ Tài chính cũng đã triển khai đánh giá để nhằm rút gọn quy trình hỗ trợ được đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả.

Nhằm khắc phục tối đa thiệt hại về kinh tế - xã hội do thiên tai, Việt Nam cũng đã sử dụng có hiệu quả Quỹ phòng chống thiên tai, tinh 30/6/2017 đã có 50/63 tỉnh, thành phố (80%) ban hành Quyết định thành lập cơ quan quản lý Quỹ và 13 tỉnh đang xây và trình UBND, đã có 39/63 tỉnh, thành phô hoàn thành xây dựng kế hoạch PCTT cấp tỉnh; 26/36 tỉnh, thành phố phê duyệt phuơng án ứng phó với thiên tai . Đã có 37/50 tỉnh, thành phố đã tiến hành thu Quỹ phòng chống thiên tai, tổng kinh phí đã thu được là 812 tỷ đồng, trong đó: có 20 tỉnh đã thu được trên 10 tỷ đồng gồm: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Lao Cai, Quảng Ninh, Đông Nai... và 17 tỉnh thu được dưới 10 tỷ đồng gồm: Hà Giang, Sơn La, Hải Dương, Hải Phòng...

Các địa phương thực hiện chi Quỹ cho các hoạt động phòng, chống thiên tai, tuy nhiên số lượng còn hạn chế, tính đến 30/6/2017 mới có 17 tỉnh đã chi Quỹ với tổng kinh phí là 171 tỷ đồng với nội dung chi tập trung chủ yếu hỗ trợ khắc phục thiệt hại và một số hoạt động phòng ngừa thiên tai, cụ thể như sửa chữa công trình, xây dựng kịch bản ứng phó thiên tai.. .

Song song với đó, Việt Nam cũng đã tận dụng nguồn lực từ các sản phẩm bảo hiểm rủi ro thiên tai. Mặc dù trên thị trường chưa có sản phẩm riêng biệt về bảo hiểm rủi ro thiên tai, tuy nhiên nội dung này đã bước đầu được đề cập đến trong một số nghiệp vụ bảo hiểm khác như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm con người, bảo hiểm tài sản và bảo hiêm thiệt hại, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm hàng không... như một nội dung rủi ro mở rộng.