Dàn trải và hệ lụy

Theo sggp.org.vn

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến sản xuất thép vượt qua tầm kiểm soát là quy hoạch ngành thép.

Dàn trải và hệ lụy
DN thép tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Nguồn: internet

Con số 7/13 công ty con và 5 công ty liên doanh của Tổng Công ty Thép Việt Nam (VnSteel) bị thua lỗ vừa được công bố mới đây đang dấy lên nhiều lo ngại cho ngành công nghiệp thép trước nguy cơ hàng loạt doanh nghiệp (DN) thép đã và sẽ phải “khai tử”.

Trên thực tế, những cảnh báo về thực trạng dư thừa nguồn cung do đầu tư dàn trải, trong khi công nghệ sản xuất thép lại lạc hậu dẫn đến năng lực cạnh tranh yếu... đã được cảnh báo cả chục năm trước. Tuy nhiên, với kiểu mạnh ai nấy làm, từng địa phương đua nhau mở rộng cửa cho phép xây dựng nhà máy nên chỉ trong thời gian ngắn năng lực sản xuất thép của toàn ngành đã vượt mức 17 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu sử dụng chỉ nhỉnh hơn 10 triệu tấn/năm.

Và đến nay hậu quả nhãn tiền, khi thị trường bất động sản tê liệt, nhu cầu đột ngột giảm mạnh, nhiều DN thép bị thua lỗ, số khác cắt giảm 50% - 70% công suất để duy trì sản xuất, giữ chân người lao động. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp thép đã phải chấp nhận bán tháo cho doanh nghiệp nước ngoài hoặc chọn giải pháp đóng cửa chờ phá sản.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) Bùi Quang Chuyện, không chỉ phôi thép, thép tấm mà tôn mạ cũng đang trong tình trạng dư thừa, điều này càng làm cho thị phần của các DN thép trong nước giảm mạnh, trong khi thị phần các đơn vị liên doanh ngày càng tăng. Đây là một thực tế đáng báo động với ngành thép trong bối cảnh hiện nay, bởi việc dư thừa công suất sẽ càng khiến cho các DN cạnh tranh gay gắt và đứng trước nguy cơ phá sản.

Ngoài ra, các DN thép cũng sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, như: dư thừa về nguồn cung, đổi mới công nghệ thiết bị đầu tư trước sức ép áp khung giá điện riêng, cạnh tranh với thép nhập ngoại giá rẻ của Trung Quốc...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến sản xuất thép vượt qua tầm kiểm soát là quy hoạch ngành thép. Do đó, vừa qua, Bộ đã phê duyệt, điều chỉnh và báo cáo Thủ tướng. Liên quan đến việc ban hành tiêu chuẩn, quy phạm và hàng rào kỹ thuật Bộ sẽ trao đổi, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm có giải pháp kịp thời.

Trước thực trạng trên, để có thể trụ vững và phát triển bền vững, giải pháp căn cơ hiện nay là các DN ngành thép cần nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, quyết liệt hơn trong áp dụng công nghệ mới, nâng cao sức cạnh tranh và đi đôi cải thiện môi trường, thay vì đầu tư dàn trải như lâu nay.

Mặt khác, các ngành chức năng cần có biện pháp triệt để thực hiện quy hoạch phát triển ngành thép, không để xảy ra cung vượt cầu, gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường nội địa, gây thiệt hại cho DN và gây lãng phí cho nền kinh tế.