Đánh giá về lạm phát thấp nhất trong 10 năm qua

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2013 so với tháng 12/2012 tăng 6,04%; còn CPI bình quân năm 2013 so với năm 2012 là 6,6%, đã đạt được mục tiêu tổng quát do Quốc hội đề ra (lạm phát thấp hơn).

Năm 2013 là năm đầu tiên CPI phá vỡ chu kỳ “hai năm cao, một năm thấp” đã diễn ra trong 9 năm trước đây. Diễn biến trên của CPI là thành công nổi bật của năm nay. Điều đó lại càng có ý nghĩa khi tăng trưởng kinh tế cũng cao hơn năm trước, theo mục tiêu tổng quát mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra (lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm trước).

 Đánh giá về lạm phát thấp nhất trong 10 năm qua - Ảnh 1
Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê

Sức ép của lạm phát đối với mức sống thực tế của người tiêu dùng đã không còn lớn như khi lạm phát cao. Lương thực, mặt hàng thiết yếu nhất, năm 2012 giá giảm sâu, năm nay tăng thấp (nếu tính bình quân vẫn còn giảm), làm cho người tiêu dùng có thu nhập thấp, người nghèo, cận nghèo đỡ bị sức ép.

Lạm phát thấp đã góp phần giảm lãi suất huy động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, có khoản, có đối tượng lãi suất đã trở về thời kỳ 2005-2006 để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Mặc dù lãi suất giảm, nhưng tiền gửi vẫn tăng cao (tính đến ngày 12/12/2013, tiền gửi VND tăng 15,93%, cao gần gấp đôi tốc độ tăng dư nợ tín dụng), góp phần cải thiện tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng...

Giá hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng tăng thấp có sự đóng góp của việc ổn định tỷ giá và đến lượt nó lại tác động trở lại đối với sự ổn định của tỷ giá, góp phần củng cố lòng tin đối với đồng tiền quốc gia...

Thành công của việc kiềm chế lạm phát 2013 có sự đóng góp của nhiều yếu tố, trong đó lớn nhất là yếu tố cầu kéo năm 2013, năm thứ ba liên tục bị “co lại” nhanh. Vốn đầu tư phát triển/GDP giảm (từ 39,2%/năm trong thời kỳ 2006-2010 xuống còn khoảng 30,5% trong giai đoạn 2011-2013, thấp nhất trong mấy chục năm qua, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách vừa giảm về tỷ trọng, vừa giảm về quy mô tuyệt đối). Chênh lệch giữa tỷ lệ vốn đầu tư/GDP với tỷ lệ để dành/GDP đã giảm nhanh (từ bình quân 8,26%/năm thời kỳ 2007-2010 còn dưới 1% thời kỳ 2011-2013).

Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tuy có cao lên trong mấy tháng nay, nhưng năm 2013 cũng là năm thứ 3 liên tiếp bị co lại (từ 15%/năm trong thời kỳ 2006-2010 xuống còn khoảng 5,5%/năm thời kỳ 2011-2013). Tác động không nhỏ là yếu tố chi phí đẩy tăng thấp, có loại còn giảm. Giá nhập khẩu tính bằng USD giảm (khoảng 2,26%); tỷ giá VND/USD tăng thấp (bình quân năm tăng khoảng 0,62%); tính ra giá nhập khẩu tính bằng VND giảm (khoảng 1,7%). Lãi suất cho vay giảm, trong khi có tới 70-80% tổng vốn hoạt động của doanh nghiệp là đi vay ngân hàng. Một số khoản nộp ngân sách được cắt giảm, giãn, hoãn.

Một tác động tích cực là hiệu quả đầu tư, năng suất lao động năm 2013 (những yếu tố cơ bản của lạm phát), có dấu hiệu được cải thiện một bước so với năm trước (hệ số ICOR của năm 2012 là 5,8 lần, còn của năm nay có khả năng còn khoảng 5,4 lần). Tốc độ tăng năng suất lao động nếu năm 2012 là 2,48%, còn năm nay có khả năng đạt 2,6%.

Lạm phát năm 2013 đã được kiềm chế thành công, nhưng vẫn còn một số điểm đáng lưu ý.

Về “nhịp độ”, CPI từ tháng 3 đến tháng 7 chỉ tăng 0,09% (hay tăng chưa tới 0,02%/tháng), là mức thấp hiếm thấy trong nhiều năm qua, vừa tác động đến sản xuất (nhất là 2 nhóm ngành kinh tế thực: nông, lâm nghiệp-thủy sản và công nghiệp-xây dựng), vừa theo hướng “kiềm chế” lạm phát, chứ chưa thật là “kiểm soát” lạm phát theo mục tiêu. Hai tháng sau đó CPI tăng cao, chủ yếu do giá một số loại hàng hoá, dịch vụ được điều chỉnh làm tăng chi phí đẩy và giảm tổng cầu đối với hầu hết các loại hàng hoá, dịch vụ khác.

Lạm phát thấp có phần quan trọng do sự “co lại” của cầu kéo, trong đó có việc giảm quá mức tỷ lệ vốn đầu tư/GDP (vừa thấp xa so với các thời kỳ trước, vừa thấp hơn cả chỉ tiêu kế hoạch), trong khi vốn đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tăng trưởng kinh tế, mà tăng trưởng kinh tế không đạt được kế hoạch đề ra.

Thành công của việc kiềm chế lạm phát chưa thật vững chắc, vì vẫn có thể tăng cao trở lại vào năm sau, nhất là những tháng đầu năm.

Yếu tố cơ bản của lạm phát mới chỉ được cải thiện bước đầu, chủ yếu do chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn đầu tư có hiệu quả cao/thấp khác nhau, do chuyển dịch cơ cấu lao động có năng suất lao động cao/thấp khác nhau, chứ chưa dựa nhiều vào ứng dụng và đổi mới khoa học kỹ thuật-công nghệ để tăng phần đóng góp vào tăng trưởng của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP).

Việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số loại hàng hoá, dịch vụ là cần thiết và đúng hướng, vẫn phải được tiến hành, song cần phải tạo cơ chế cho cạnh tranh, tăng cường kiểm soát, phối hợp, cẩn trọng về liều lượng, thời điểm điều chỉnh.