Dành tiền đầu tư công tiết kiệm đóng tàu cho ngư dân

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Bên hành lang Quốc hội ngày 22/5, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh), Ủy viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã chia sẻ về 3 giải pháp của ông giúp ngư dân bám biển mà ông vừa suy nghĩ đêm qua.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, phương án thứ nhất là dành khoản tiền 35.000 tỉ đồng tiết kiệm được từ việc rà soát cắt giảm đầu tư các dự án giao thông để dành đầu tư đóng tàu lớn cho ngư dân ổn định sản xuất. Để ngư dân an tâm bám biển, vừa khai thác được kinh tế vừa bảo vệ được chủ quyền, cần có một cơ chế giao cho UBND các địa phương, các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương quản lý đội thuyền này. 

Phương án thứ hai là ngành Dầu khí phải có trách nhiệm với ngư dân bởi ngư dân bám biển là tạo điều kiện bình yên cho ngành Dầu khí khai thác, do đó ngành này nên có nguồn tiền để đầu tư cho ngư dân.

Phương án thứ 3 là ngành Dầu khí thay vì thành lập các đội xe taxi thì nên thành lập các đội tàu.

Phóng viên: Ngân hàng Nhà nước vừa có chính sách hỗ trợ vốn cho ngư dân đóng tàu. Ông thấy giải pháp này có khả thi?

Dành tiền đầu tư công tiết kiệm đóng tàu cho ngư dân  - Ảnh 1
Đại biểu Trần Hoàng Ngân
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Với giải pháp này cũng sẽ có ngư dân tiếp cận được vốn vay nhưng phần lớn là không, bởi người vay phải có tài sản thế chấp, ngư dân bám biển lỡ xảy ra rủi ro lấy tiền ở đâu mà trả.

Ngư dân hiện nay có quyết tâm chính trị rất lớn, sẵn sàng chấp nhận rủi ro để ra biển nhưng vấn đề là không có tiền. Ở giải pháp này, lãi suất cần thấp hơn nữa, có thể là 3%/năm và thời gian cho vay với lãi suất hỗ trợ cần kéo dài hơn.

Tuy nhiên, theo tôi, phương án chuyển tiền đầu tư công tiết kiệm được vào đầu tư cho ngư dân bám biển là khả thi hơn cả. Thời gian qua, đầu tư công dành nhiều cho đường bộ chứ ngư dân chưa được hưởng lợi từ đầu tư công.

Quan điểm của ông như thế nào về các giải pháp liên quan đến vấn đề Biển Đông?

Tôi đã đọc 12 giải pháp liên quan đến biển, trước hết phải xác định đây là vấn đề khó khăn và lâu dài, do đó phải bình tĩnh và sáng suốt.

Điểm đầu tiên là phải có sự đồng thuận, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Lịch sử đã chứng minh có thời điểm chúng ta ở tình thế ngàn cân treo sợi tóc mà ta còn vượt qua được, huống gì khi hiện nay khi thế và lực của chúng ta đã cao hơn rất nhiều, chúng ta có thể thành công được.

Thứ hai là phải sử dụng giải pháp đồng bộ và toàn diện, nhất là ưu tiên cho vấn đề chính trị, ngoại giao, truyền thông và vận động các tổ chức quốc tế ủng hộ Việt Nam.

Thứ ba là phải tiếp tục tăng cường các lực lượng chức năng ở trên biển, cụ thể là lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, để chúng ta không chỉ đề nghị Trung Quốc chuyển giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam mà còn ngăn chặn các tàu cá của Trung Quốc đang khai thác trái với Luật Biển. Như vậy phải có sự hỗ trợ của ngư dân nữa, nên phải có hiến kế cho ngư dân.

Giải pháp tiếp theo là phải ngăn chặn các hành vi trái pháp luật như vừa qua đã xảy ra nhưng chúng ta cũng phải nuôi dưỡng, hâm nóng tinh thần yêu nước, phải liên tục tổ chức mít tinh có tổ chức, vận động người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục tổ chức mít tinh để chúng ta có một làn sóng ủng hộ Việt Nam, gây sức ép lên Trung Quốc.

Vấn đề sau nữa là chúng ta phải tuyên truyền chính thống cho người dân hiểu và hành động thống nhất, đồng bộ theo sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước bởi điều quan trọng là lòng dân. Lòng dân yên thì chúng ta có một sự đồng thuận lớn. Nhưng muốn lòng dân yên được, chúng ta phải giải quyết các bức xúc. Lòng dân và sức dân mạnh mẽ, tôi tin chúng ta sẽ giành chiến thắng.

Vậy ông có ý kiến gì về phương án chuẩn bị cho sự trả đũa kinh tế của Trung Quốc?

Tôi nghĩ Chính phủ đã có giải pháp đối phó và đây cũng là cơ hội để chúng ta rà soát lại để tránh sự lệ thuộc về mặt kinh tế đối với Trung Quốc vì chiến lược của Trung Quốc, bước đi của Trung Quốc là một tiến trình lâu dài và có tính toán, có kế hoạch, có sự chuẩn bị. Đây cũng là cơ hội để chúng ta rà soát lại đầu tư nước ngoài, có sự hỗ trợ cho ngành Nông nghiệp, ngành Dệt may để có thể tự chủ về nguồn nguyên liệu, hưởng những ưu đãi khi chúng ta gia nhập TPP (Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái  Bình Dương).

Ngoài ra, nên có một thông điệp cho người nông dân vì nông sản của chúng ta xuất sang Trung Quốc rất nhiều. Ủy ban Kinh tế và tôi cũng sẽ đề nghị Quốc hội kỳ này cần có một nghị quyết về nông nghiệp, nông dân và ngư dân trong bối cảnh hiện nay. Khi có nghị quyết chúng ta có ngân sách để giải quyết các vấn đề về quy hoạch, cung cầu, vấn đề về thị trường, chuyển đổi cây trồng, vấn đề về giống, vấn đề khoa học kỹ thuật bởi nếu cần thực hiện hàng loạt chính sách thì phải có một nghị quyết.