“Đặt hàng” cho nông nghiệp

Theo Thùy Trâm/nhandan.com.vn

Một “hội nghị Diên Hồng” về thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vừa diễn ra tại Lâm Đồng, vùng đất đi đầu về ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. Dự kiến, Chính phủ sẽ sớm ban hành Chỉ thị về thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp.

Dự kiến, Chính phủ sẽ sớm ban hành Chỉ thị về thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp.
Dự kiến, Chính phủ sẽ sớm ban hành Chỉ thị về thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp.

Những điểm nghẽn đầu tư

Mục tiêu chính của hội nghị quy tụ hơn 600 đại biểu, gồm lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, lãnh đạo địa phương các tổ chức quốc tế, đông đảo doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước là tìm ra câu trả lời về thực trạng đầu tư vào nông nghiệp.

Theo báo cáo của Chính phủ, số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế, chủ yếu ở ngành chế biến, chế tạo các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, việc chuyển dịch hình thức sản xuất sang DN diễn ra còn khá chậm chạp. Tính đến hết quý II năm 2018, ước tính cả nước có hơn 49.600 DN đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng số DN trên cả nước. Các DN đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 92,35%, tiếp đến là DN có quy mô lớn với gần 6% và DN có quy mô vừa với trên 2%. Vì sao một ngành được coi là mũi nhọn lại chỉ thu hút được con số DN ít ỏi đến vậy?

Câu trả lời là những điểm nghẽn được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ ra như: Quy hoạch, kế hoạch, hạ tầng; tiếp cận đất đai, tín dụng, thuế, giống; công nghệ; thị trường; thủ tục hành chính, vệ sinh an toàn thực phẩm… Đã đến lúc phải có được các giải pháp tổng thể về quy hoạch; phát triển kết cấu hạ tầng; khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp; nâng cao năng lực dự báo, đổi mới công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường...

Ở góc độ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu ra thực tế: “Ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp ở Việt Nam kém phát triển, chưa được quan tâm thích đáng để có thể hỗ trợ các DN nông nghiệp hiện đại hóa sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm”.

Về thị trường tiêu thụ, các mô hình liên kết vẫn còn bộc lộ hạn chế do khả năng hợp tác, liên kết của người dân, DN còn yếu. Theo thống kê Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016, cả nước có 781 DN thực hiện liên kết, chiếm 20,3% tổng số DN nông, lâm, thủy sản.

Vấn đề nóng hơn cả đó là việc đa số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp có trình độ tay nghề hạn chế, chủ yếu chưa qua đào tạo. Kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 thì lao động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chiếm tới 92,7% tổng số lao động trong lĩnh vực này. Trình độ đại học trở lên chỉ chiếm 0,46% và trình độ cao đẳng, cao đẳng nghề chỉ chiếm 0,69%.

Một điểm quan trọng nữa, chính là còn tồn tại nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh bất hợp lý. Việc cắt giảm, sửa đổi các điều kiện kinh doanh vẫn mang nặng tính hình thức, chồng chéo trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Tình trạng một mặt hàng phải chịu sự kiểm tra của nhiều đơn vị khác nhau cùng thuộc một Bộ đã và đang gây nhiều khó khăn cho DN.

Trao đổi tại diễn đàn, các DN bày tỏ mong muốn có được chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp, xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về nông sản để bảo vệ người tiêu dùng và nhà sản xuất chân chính. Có kiến nghị Nhà nước thành lập khu kinh tế quy mô lớn cho nông nghiệp. Đặc biệt là vấn đề quỹ đất cho DN phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang hết sức khó khăn.

Mục tiêu lọt tốp 15 thế giới

Có thể nói, nông nghiệp hiện là lĩnh vực được Chính phủ quan tâm khi ban hành ít nhất 10 nghị định về các cơ chế, chính sách cho lĩnh vực này. Ngay tại hội nghị, Thủ tướng đã “đặt hàng” cho ngành nông nghiệp trong 10 năm tới phải đứng vào tốp 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó riêng lĩnh vực chế biến nông sản phải đứng vào tốp 15 thế giới.

Thực hiện cam kết hỗ trợ phát triển, Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị về thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp, bởi việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực này là yêu cầu cấp bách để khơi thông tiềm năng khi dư địa phát triển của ngành mũi nhọn này còn rất lớn.

Nhấn mạnh nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng, cơ hội, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng đề nghị, Chính phủ và cộng đồng DN cần chung sức để đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, là một trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu. Mấu chốt vấn đề là chúng ta có tạo được đội ngũ DN đủ tiềm lực hay không? Câu hỏi này liên quan đến vấn đề chúng ta đã thực hiện Nghị định 57 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ban hành hồi tháng 4 vừa qua như thế nào?

Những địa chỉ được nêu rõ chính là Bộ KH-ĐT với trách nhiệm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 57 để các DN có cơ sở được thụ hưởng ngay chính sách ưu đãi. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu giảm 50% thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Bộ Công thương sẽ phải hoàn thiện sửa đổi Nghị định 159 về xuất khẩu gạo nhằm đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục, tháo gỡ khó khăn cho DN với tinh thần chung là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thương mại, nhất là xuất, nhập khẩu. Ba ngành chế biến được khuyến nghị phát triển để đứng vào tốp 5 của thế giới là rau củ quả, thủy hải sản và dược liệu. Ngoài ra, là những sản phẩm thế mạnh khác như tôm, gạo…Tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch vẫn ở mức cao, lên tới 20 - 30%, cũng cần phải được khắc phục kịp thời.

Một vấn đề không kém phần quan trọng để gọi vốn đầu tư chính là đổi mới cơ chế hỗ trợ DN, xúc tiến mở rộng thị trường, trước khi gieo hạt giống đã phải tính tới sẽ tiêu thụ ở đâu, như thế nào? Thủ tướng cũng yêu cầu phải nghiên cứu sửa đổi Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng mức cho vay tối đa, không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình; mở rộng đối tượng hưởng chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; cho phép tài sản hình thành từ vốn vay của các dự án, phương án ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp làm tài sản bảo đảm. Cũng cần phải nghiên cứu đề xuất điều chỉnh chính sách thuế hợp lý nhằm khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực tiềm năng này.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước, Thủ tướng nhấn mạnh, Nhà nước trao quyền cho thị trường nhiều hơn. Tinh thần đổi mới, Chính phủ sẽ chỉ đóng vai trò kiến tạo chứ không làm thay vai trò của thị trường, cần phải thấm được xuống đến từng cán bộ công chức, viên chức, thì những mục tiêu đặt ra trên đây mới có thể sớm trở thành hiện thực.