Dấu ấn kinh tế 2012 và những thử thách của 2013

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Cho đến thời điểm này thì những diễn biến của kinh tế 2012 đã tạo ra cho chúng ta những cảm xúc khác nhau. Tình hình vĩ mô bắt đầu có sự ổn định trở lại, với tỷ giá ổn định và lạm phát kiểm soát tốt đến không ngờ, cán cân thương mại cân bằng.

Dấu ấn kinh tế 2012 và những thử thách của 2013
Ảnh minh họa.Nguồn:Internet

Nhưng với giới doanh nghiệp thì lại thấy cả năm khó khăn không dứt, bởi hàng tồn kho lớn, tiêu thụ chậm chạp, có cả những nghịch lý về chuyện ngân hàng thừa vốn, doanh nghiệp thì thiếu vốn; giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cũng nhiều, nhưng vẫn trên 40.000 doanh nghiệp phá sản và dừng hoạt động. Còn nỗi lo, đó là câu chuyện nợ xấu, đó là tiến trình tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng chưa đi được những bước mạnh mẽ nào... Và nếu coi những vấn đề của nền kinh tế 2012 là những biến số của một bài toán, thì rõ ràng đến hết năm, nhiều biến số vẫn chưa có lời giải đáp, và đó cũng là thách thức của nền kinh tế năm 2013.

Nhiều dấu ấn…

Dấu ấn đầu tiên không thể không nhắc đến nỗ lực của Chính phủ trong suốt năm 2012. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012. Tiếp đó, một nghị quyết quan trọng của Chính phủ vào hồi tháng 5 là Nghị quyết 13 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Trong đó có nhiều giải pháp gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2012; gia hạn 09 tháng thời hạn nộp đối với thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2011 trở về trước mà chưa nộp vào ngân sách nhà nước… 

Theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết số 29 về việc ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức, cá nhân. Trong đó, quyết định giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 đối với một số nhóm đối tượng DN nhỏ và vừa, DN sử dụng nhiều lao động; miễn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với đối tượng hộ kinh doanh. Miễn thuế thu nhập cá nhân từ ngày 1/7/2012 đến hết ngày 31/12/2012.

Trong việc triển khai chủ trương tái cơ cấu, Chính phủ cũng đã ban hành Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Đây là những bước đi mang tính xương sống quan trọng, song hành với tái cơ cấu đầu tư công để tái cơ cấu nền kinh tế thành công.

Nói như chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược, thì dù kết quả đạt được còn ở mức độ nhất định, nhưng rất đáng ghi nhận nỗ lực của Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ hơn để khắc phục khó khăn cho nền kinh tế năm 2012. Chính phủ vào cuộc quyết liệt, Quốc hội cũng nhanh chóng thực hiện vai trò của mình. Đó là những điểm tựa rất quan trọng để đạt được những kết quả mong muốn.

Cũng có quan điểm đặt vấn đề ngược lại, nhiều giải pháp, vậy tại sao kinh tế 2012 vẫn khó khăn? Câu hỏi này chính đáng. Nhưng một cơ thể tồn tại nhiều căn bệnh từ nhiều năm trước để lại, không thể một sớm một chiều có thể giải quyết hết được. Và điều đáng tiếc là GDP chỉ đạt 5,2%, thấp hơn so với mục tiêu khoảng 6%.

Song, kinh tế cũng có những điểm sáng. Càng cuối năm 2012, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, củng cố lòng tin của xã hội. Nếu như những năm trước, tỷ giá chợ đen nhảy múa thao túng cả tỷ giá chính thức, thì năm nay, NHNN đã rất thành công trong việc giữ ổn định tỷ giá. Ngay từ đầu năm, NHNN đã chủ động công bố định hướng điều hành tỷ giá với mức biến động không quá 2 - 3% trong năm 2012. Đây là chính sách hợp lý trong bối cảnh hiện nay, cộng với chính sách siết chặt tín dụng đã giúp lạm phát nhanh chóng được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng cả năm chỉ tăng 7,5%, thấp hơn mục tiêu 8% QH đề ra, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trên 18% của năm 2011. Đây là cơ sở quan trọng để NHNN tiếp tục tính đến giảm lãi suất trong năm 2013.

Năm qua lãi suất tín dụng cũng đã giảm khá mạnh, 5 – 7%/năm so với năm ngoái, kiều hối chuyển về gần chục tỷ USD, dự trữ ngoại hối tăng mạnh, tạo ra gần 1,4 triệu việc làm mới so với cùng kỳ năm trước. Sau nhiều năm mong đợi, năm 2012 cán cân thương mại đã tương đối cân bằng, mỗi vế khoảng 114 tỷ USD.

Và mặc dù còn nhiều khó khăn, song tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ tháng 12.2012, các nhà tài trợ tiếp tục thể hiện sự ủng hộ đối với Việt Nam, tài trợ cho Việt Nam một khoản tiền khá lớn. Tổng số vốn ODA các nhà tài trợ cam kết dành cho Việt Nam năm 2013 đạt 6,485 tỷ USD (tuy có giảm gần 1 tỷ USD so với năm 2012). Nhưng cần phải nhìn con số này trong bối cảnh Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình, nên nguồn ODA sẽ bị cắt giảm, thay vào đó sẽ phải vay những nguồn vốn thương mại có lãi suất cao hơn, ít ân hạn hơn. Cũng có thể cho đây là sự chia sẻ, đồng hành của các nhà tài trợ với Chính phủ Việt Nam trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Bởi ngay cả nhiều nước trên thế giới, trong đó có các quốc gia tài trợ, đang lâm vào khủng hoảng nợ công trầm trọng cho đến nay vẫn chưa dứt.

Năm 2012, tại sao chúng ta đã có các giải pháp cứu trợ doanh nghiệp, nhưng thực tế các doanh nghiệp vẫn phá sản và hoạt động co cụm? Đây là nghịch lý mà hầu hết các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế đặt ra. Và cũng mong muốn rằng, nghịch lý này được các nhà điều hành vĩ mô quan tâm xứng đáng hơn trong năm 2013.

Khi trả lời phỏng vấn báo chí, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng các gói giải pháp chưa được thực hiện một cách đồng bộ, có giải pháp đúng nhưng không thực hiện đúng các cam kết của các văn bản chính sách. Nói như cảm nhận của các doanh nghiệp thì chính sách hiện nay vẫn chưa đi vào cuộc sống nhiều.

Minh chứng là nhiều biện pháp quyết liệt về thuế, về lãi suất được đưa ra, nhưng vẫn có trên 40.000 DN phá sản, dừng hoạt động. Đây là con số không nhỏ, tác động đến việc làm và thu nhập hàng chục nghìn lao động.

Cụ thể như nghịch lý chuyện lãi suất. Lãi suất giảm liên tục 5 – 7%/năm, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng nhiều lần khẳng định nếu DN đủ hồ sơ mà không vay được vốn, cứ phản ánh đến ông, nhưng hội thảo, hội nghị nào DN cũng kêu không vay được vốn. Ngân hàng thanh khoản tốt nhưng chủ yếu đi mua trái phiếu Chính phủ. Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cho biết, DN quá khó khăn, không có đầu ra, nên ngân hàng phải tính nước an toàn, cho vay có chọn lọc. Con số tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 5% so với mục tiêu ban đầu khoảng 15 - 16% đã nói lên điều đó.

 Theo như phân tích của các chuyên gia kinh tế, giải pháp hạ lãi suất là trúng, nhưng không thể chỉ chính sách tiền tệ, mà cụ thể là công cụ lãi suất có thể là cây đũa thần để giải quyết mọi khó khăn của doanh nghiệp. Theo đại diện của nhiều doanh nghiệp, nếu lãi suất có giảm thêm 1-2% nữa thì cũng không nghĩa lý gì với doanh nghiệp, lúc này doanh nghiệp cần thêm những chính sách của Chính phủ giúp tháo gỡ đầu ra. Và một giải pháp quan trọng là tính đến giảm thuế VAT, vừa có lợi cho doanh nghiệp hạ giá thành, vừa kích thích đầu ra.

Hay như một nghịch lý nữa, đó là chuyện bàn giải pháp nợ xấu và xử lý nợ xấu. Các giải pháp xử lý nợ xấu được bàn thảo suốt từ đầu năm tại rất nhiều diễn đàn, hội thảo kể cả của các cơ quan chức năng lẫn các tổ chức nghiên cứu. Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ là nợ xấu vẫn có nguy cơ tăng, vẫn chưa thấy một giải pháp mang tính đột phá nào trong xử lý cục máu đông của nền kinh tế này.

…nỗi lo 2013

Khi đánh giá ngắn gọn về những khó khăn của kinh tế 2012, một lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, tình hình kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, chỉ đạt mức 5,2%; doanh nghiệp khó tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận vốn; nợ xấu tăng cao; hiệu quả vốn đầu tư chưa được cải thiện nhiều, tiêu dùng giảm sút… Và đáng nói là những khó khăn này dường như chưa dứt cùng với thời điểm kết thúc của năm 2012, mà sẽ còn kéo dài sang năm 2013. Đây cũng là nhận định của chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực.

Hãy đi vào một số chỉ số cụ thể của nền kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng năm nay giảm mạnh, nhưng không phải hoàn toàn do dấu ấn điều hành vĩ mô, mà có một nguyên nhân nữa là do sức cầu giảm mạnh. Sức cầu này được dự báo vẫn chưa thể cải thiện ngay trong đầu năm 2013. Hơn nữa, năm 2012, tăng trưởng tín dụng rất thấp, nếu năm 2013 tăng trưởng tín dụng cao hơn, cung tiền lớn hơn, thì lạm phát có thể quay trở lại bất kỳ lúc nào. Nhất là năm 2013, một số mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, than phải theo cơ chế thị trường.

Hay như kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2012 tuy cân bằng, nhưng không phải tất cả nhờ nỗ lực của bên xuất khẩu, mà có nguyên nhân từ việc sản xuất trong nước chậm chạp, khiến việc nhập khẩu nguyên phụ liệu giảm theo, giúp giảm nhập khẩu. Điều đó thể hiện sự không bền chặt của thế cân bằng cán cân thương mại. Hơn nữa, theo Bộ Công thương thì tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu là do nhóm hàng công nghiệp chế biến của các doanh nghiệp FDI. Tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước chỉ khoảng 1%. Điều đó cho thấy năng lực sản xuất, cạnh tranh của doanh nghiệp yếu hơn hẳn so với các doanh nghiệp FDI.

Trong khi đó, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục đóng băng. Người mua có tâm lý chờ đợi rất rõ ràng, nhưng bên bán thì vẫn chưa giảm giá mạnh, nhất là ở thị trường Hà Nội, giá chung cư vẫn phải trên dưới 20 triệu đồng đối với loại trung bình. Còn loại cao cấp vẫn tới 30 hoặc 33 triệu đồng/m2. Trong khi đó, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản không phải là ít. Nếu không hâm nóng được lĩnh vực này thì khó có thể giải quyết nhanh được nợ xấu ngân hàng. Dự báo tâm lý chờ đợi của người mua vẫn còn tiếp tục trong năm 2013.

Trong lĩnh vực ngân hàng năm 2012 còn xuất hiện thêm một nỗi lo nữa, đó là những dấu hiệu của tình trạng sở hữu chéo bị phát hiện. Các chuyên gia kinh tế đã lên tiếng cảnh báo về những mối quan hệ sân sau giữa ngân hàng và DN, những mối quan hệ chằng chịt và dẫn đến tình trạng thâu tóm ngân hàng. Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu, rà soát nào của NHNN về tình trạng này. Các chuyên gia tài chính cho rằng, lập tức cần phải siết chặt quy định mỗi cá nhân chỉ được nắm không quá 5% vốn điều lệ của một ngân hàng. Quy định này đã có, nhưng để thẩm tra kiểm soát được việc thực thi đúng như thế không lại là bài toán nan giải. Còn theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành, cần sớm có các quy định mang tính tách biệt giữa chức năng của một ngân hàng thương mại và một ngân hàng đầu tư, tránh tình trạng ngân hàng thương mại đi đầu tư như một tổ chức đầu tư chứ không phải là đơn vị trung gian kết nối vốn.

Có nhiều nỗi lo, nhưng các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh nhất đến hai nhiệm vụ quan trọng của năm 2012 để lại cho năm 2013, đó là nợ xấu và hàng tồn kho. Về nợ xấu, giữa tháng 12.2012, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch đưa ra Báo cáo triển vọng ngành ngân hàng khu vực châu Á 2013. Trong phần nói về Việt Nam, Fitch đánh giá triển vọng các ngân hàng ở mức ổn định nhưng nợ xấu sẽ vẫn tăng. Lo là ở chỗ, nếu nợ xấu không giảm, không được giải quyết sớm, thì nút nghẽn này vẫn chặn dòng vốn giá rẻ đổ về doanh nghiệp. 

Cùng với đó là hàng tồn kho, cơ quan chức năng thì đưa ra rất nhiều giải pháp, còn doanh nghiệp kêu thì vẫn kêu. Các doanh nghiệp nước ta đã dựa quá nhiều vào các dự án của Chính phủ, nên khi Chính phủ thắt chặt chi tiêu công, đầu ra trở nên rất khó khăn. Thêm nữa lĩnh vực bất động sản là đầu ra của hàng chục ngành quan trọng từ vật liệu xây dựng, sắp thép xi măng, nhựa, đồ gỗ, đồ gia dụng,… thì lại đang đóng băng, nên vẫn thấy đầu ra của hàng tồn kho khá mù mờ.

Thêm một yếu tố nữa cần cảnh báo, đó là môi trường kinh doanh của Việt Nam đang tụt hạng. Liên tục hai năm trở lại đây, Việt Nam tụt hạng năng lực cạnh tranh tới 16 bậc. Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2012 - 2013 vừa được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố là kết quả khảo sát 144 nền kinh tế dựa trên bộ 12 tiêu chí, Việt Nam xếp ở hạng 75, vị trí thấp nhất kể từ khi tham gia xếp hạng. So với năm 2012, năm nay Việt Nam tụt 10 bậc.  Dù rằng đây chỉ là một bảng xếp hạng mang tính tham khảo, nhưng sự tụt hạng mạnh như vậy cũng là con số mà cấp điều hành vĩ mô cần phải quan tâm. Bởi nó liên quan đến việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Trước những khó khăn và thuận lợi của năm 2012, các chuyên gia kinh tế đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2013 ở các mức 6,34%, 5,67% và 5% so với năm 2012. 9 nhóm giải pháp đã được Chính phủ đưa ra. Theo tiến sỹ Trần Du Lịch, với 9 nhóm giải pháp này, nền kinh tế 2013 đã có đủ bài để vượt qua khó khăn. Nhưng vấn đề ở chỗ là thực thi hiệu quả đến đâu, đồng bộ đến đâu. Nói nôm na là chiếc thuyền nền kinh tế phải được chèo lái đồng bộ và đúng hướng. Biện pháp điều hành phải sát sao, quyết liệt, nói đi đôi với làm, mới mong xã hội đồng thuận và đặt lòng tin nhiều hơn nữa với Chính phủ.

Các giải pháp ngắn hạn đang thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế cần tiếp tục, nhưng không thể trói buộc vào ngắn hạn mà phải đồng bộ các giải pháp dài hạn, mang tính chiến lược, vực dậy nền kinh tế ổn định về lâu dài, đó chính là các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu DNNN, hệ thống tài chính ngân hàng và đầu tư công. Đây là những xương sống quan trọng, quyết định vận mệnh kinh tế trong tương lai. Nền kinh tế có sự xoay chuyển hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc nói và làm trong năm 2013, năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011- 2015.