Đầu năm nói chuyện công nghiệp hỗ trợ
Các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp đang cho thấy năm 2018 sẽ là năm của ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, tại phiên họp Chính phủ tháng 2/2018, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ khẩn trương chuẩn bị nội dung, chương trình để thời gian sắp tới tổ chức các hội nghị chuyên đề bàn về những giải pháp, quyết sách chỉ đạo tầm quốc gia.
Ngay trong tháng 3 này, một số sự kiện liên quan đến ngành công nghiệp quan trọng này sẽ được tổ chức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đó là hội chợ giao thương ngành chế tạo Hà Nội tổ chức vào ngày 8-9/3/2018 tại Cung Triển lãm kiến trúc quy hoạch xây dựng Quốc gia (số 1 Đỗ Đức Dục, quận Nam Từ Liêm) và chương trình “Ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2018” - Sourcing Fair Supporting Industries 2018 trong 2 ngày 13 và 14/3/2018 tại Khách sạn REX (141 Nguyễn Huệ, quận 1, TP. Hồ Chí Minh).
Đây là các sự kiện nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực cung ứng, mở rộng sản xuất, tiếp cận các đối tác trong và ngoài nước từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một đại diện của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, trong năm nay VASI sẽ triển khai một loạt các hoạt động kết nối, các hoạt động xúc tiến thương mại về công nghiệp hỗ trợ, đào tạo, triển lãm về công nghiệp hỗ trợ trong và ngoaì nước.
Theo đánh giá của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), trong bức tranh tăng trưởng ngoạn mục của công nghiệp Việt Nam năm 2017, không thể không nhắc đến sự đóng góp của ngành công nghiệp hỗ trợ. Tính đến cuối năm 2017, ước tính có trên 1.800 doanh nghiệp hoạt động sản xuất linh kiện tại Việt Nam, trong đó sản xuất phụ tùng kim loại phát triển nhất với 770 doanh nghiệp, sản xuất linh kiện điện - điện tử có 610 doanh nghiệp.
Về thị trường tiêu thụ, khách hàng quan trọng của doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam là doanh nghiệp FDI tại nội địa. Một số doanh nghiệp đã xuất khẩu sản phẩm tới các quốc gia Đông Á, ASEAN, châu Âu, châu Mỹ. Trong đó hình thức phổ biến là cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp FDI ở nội địa (sau đó xuất khẩu) khá phổ biến. Lượng doanh nghiệp xuất trực tiếp ít hơn, kim ngạch nhỏ và không thường xuyên.
Theo các chuyên gia, để doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vừa đông lại mạnh, cần tập trung xây dựng các chính sách phát triển một số ngành chính có khả năng tạo dung lượng thị trường và nâng cao năng lực của các nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong nước, đặc biệt là các ngành công nghiệp điện tử, ô tô và dệt may.
Đặc biệt cần nghiên cứu hình thành gói tín dụng riêng cho ngành công nghiệp hỗ trợ, tìm kiếm các nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác để hình thành nên gói tín dụng riêng với mức lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, từ đó phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là của các phân ngành ưu tiên phát triển.