Đấu thầu trái phiếu Chính phủ: Chưa hẳn là thất bại…

Theo Minh Đức (VnEconomy)

Loạt phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ không gọi được vốn, không ai tham gia, nhưng chưa hẳn là thất bại. Đây là quan điểm mà lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), đầu mối tổ chức đấu thầu trái phiếu Chính phủ, đưa ra.

Một thống kê cho thấy, tính đến ngày 9/9, đã có 40 đợt phát hành trái phiếu bằng tiền đồng và 2 đợt phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ do Chính phủ bảo lãnh phát hành trong năm 2009 thực hiện tại HNX. Qua đó, chỉ có 2.310 tỷ đồng và 230 triệu USD huy động được; và có tới 36 phiên đấu thầu không gọi được một đồng nào; nhiều phiên không có nhà đầu tư tham gia, hoặc chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Điểm lại, những dòng thông tin bình luận, phân tích gần đây đều xem đó là những phiên đấu thầu thất bại. Tuy nhiên, quan điểm của lãnh đạo HNX lại khác.

Ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc HNX, cho rằng, về kết quả đấu thầu có thể có những góc nhìn khác nhau, từ đó để đánh giá yếu tố thành công hay thất bại.

“Từ trước đến giờ, đối với thị trường trái phiếu Chính phủ chúng ta mới tập trung vào thị trường phát hành cho nên chúng ta quan tâm nhiều đến việc đợt này huy động được bao nhiêu và coi đó là tiêu chí để đánh giá thành công hay không thành công của đợt phát hành. Việc thành công không chỉ đánh giá bằng số vốn huy động được”, ông Dũng đưa ra quan điểm.

Người đứng đầu HNX phân tích: “Có những quốc gia có thể Chính phủ người ta thừa tiền nhưng vẫn tổ chức đấu thầu trái phiếu Chính phủ, người ta mua bên này nhưng bán phía bên kia để không ảnh hưởng tổng cung tiền trên thị trường. Hoạt động đấu thầu trái phiếu Chính phủ có một tác dụng rất tốt trong định hướng chính sách vĩ mô, cụ thể là định hướng lãi suất”.

Theo quan điểm đó, khi đánh giá sự thành công của các đợt phát hành cần xét đến những yếu tố phía sau kết quả, ở giá trị của một chỉ báo lãi suất, ở giá trị phản ánh từ thực tế tham gia của nhà đầu tư, kỳ vọng của thị trường và ngay cả việc xét đến nhu cầu vốn của nhà tổ chức phát hành…

Ông Dũng cho biết, kể từ khi hoạt động đấu thầu trái phiếu Chính phủ được tập trung về HNX, quan điểm của đầu mối này thứ nhất là phải tổ chức được một thị trường mang tính cạnh tranh thực sự, từ cạnh tranh để hình thành các mức lãi suất chuẩn; thứ hai, trong mọi điều kiện vẫn cần tổ chức định kỳ để có định hướng, tín hiệu về lãi suất ra bên ngoài, cho cả hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Bản thân những kết quả trên cũng nói lên được nhiều điều. Trước hết, những nguyên nhân chính được lãnh đạo HNX phân tích:

Thứ nhất, cơ chế đấu thầu hiện vẫn sử dụng lãi suất trần. Lãi suất trần là ý chí của nhà tổ chức phát hành, cụ thể ở đây là Bộ Tài chính.

“Tại sao chúng ta vẫn sử dụng lãi suất trần và chưa bỏ được?”, ông Dũng đặt vấn đề. “Tôi cho rằng Bộ Tài chính có những lý do của mình. Đây là cả một quá trình chuyển tiếp, nếu chúng ta tổ chức được như các nước, mua bên này bán bên kia để có sự điều hòa thì chúng ta phải đi kèm với những điều kiện vĩ mô khác thì mới bỏ được lãi suất trần”.

Thứ hai, thời gian gần đây, do áp lực giải ngân cho các dự án trong gói kích cầu của Chính phủ nên lãi suất huy động trên thị trường tăng lên, cao hơn lãi suất kỳ vọng của Bộ Tài chính nên không huy động được vốn hoặc rất ít.

“Theo chúng tôi đánh giá như thế không có nghĩa là không thành công, bởi vì đấy cũng là một tín hiệu cho thị trường, cho thấy thị trường chỉ chấp nhập các mức lãi suất ở khoảng như vậy thôi”, ông Dũng nói.

Ngoài lãi suất, sự tham gia của nhà đầu tư cũng gián tiếp phản ánh một số yếu tố. Đối tượng chính hiện nay vẫn là các ngân hàng thương mại. Họ ít tham gia thời gian qua, có thể xét đến hai nguyên do: Không còn khó khăn thanh khoản như trong năm 2008, nhưng nguồn vốn của nhiều ngân hàng không còn quá sung túc; hoặc do cơ chế lãi suất trần vẫn chưa có khả năng điều chỉnh, họ tham gia chưa hẳn đã có được lãi suất như kỳ vọng.

Xét về mục đích gọi vốn, kết quả loạt phiên đấu thầu nói trên cũng cho thấy áp lực không quá lớn đối với tổ chức phát hành. “Giả sử nhu cầu vốn thực sự cấp bách và cần thiết thì Chính phủ có một cách là tăng lãi suất trần lên để huy động.

Ở giai đoạn hiện nay thì tôi thấy nhu cầu huy động vốn đầu cho các dự án, các công trình trọng điểm là cần rất nhiều, nhưng quá trình thực hiện có một số dự án tiến độ giải ngân tương đối chậm nên nhu cầu giải ngân chưa thực sự cấp bách. Cho nên, ở giai đoạn này Chính phủ chưa cần phải đẩy lãi suất lên quá cao để huy động vốn bằng mọi giá”, Tổng giám đốc HNX nhận định.