Đầu tư công nghệ năng lượng sạch hydro

Theo Phương Nam/sggp.org.vn

Chính phủ Đức đang hướng tới việc trở thành quốc gia số 1 thế giới về phát triển công nghệ năng lượng sạch hydro, góp phần giảm khí thải carbon toàn cầu và thúc đẩy kinh tế.

Chính phủ Đức đang hướng tới việc trở thành quốc gia số 1 thế giới về phát triển công nghệ năng lượng sạch hydro.
Chính phủ Đức đang hướng tới việc trở thành quốc gia số 1 thế giới về phát triển công nghệ năng lượng sạch hydro.

Để phục vụ cho mục tiêu trên, nội các Đức đồng ý bơm 9 tỷ EUR (10,2 tỷ USD) vào việc phát triển công nghệ năng lượng sạch hydro. Trong số này, 7 tỷ EUR sẽ được dành để hỗ trợ việc sản xuất và đưa năng lượng hydro vào thị trường Đức, 2 tỷ EUR còn lại được chi vào hoạt động hợp tác với nước ngoài.

Chính phủ Đức đặt mục tiêu đạt tổng sản lượng hydro là 5 GW đến năm 2030 và tăng lên 10 GW muộn nhất là vào năm 2040. Giới chức Đức kỳ vọng trong thời gian tới sẽ xuất khẩu công nghệ nhiên liệu hydro sau khi sản xuất được nguồn nhiên liệu sạch này.

Theo giới chuyên gia khí hậu, hydro là nguồn nhiên liệu thân thiện với môi trường được sản xuất qua quá trình điện phân thay vì thu từ các nhiên liệu hóa thạch. Nguồn năng lượng mới này có thể được ứng dụng vào sản xuất thép trung tính carbon, vận hành các phương tiện đường bộ, hoặc dự trữ năng lượng cho mùa đông.

Mặc dù năng lượng hydro chưa được sử dụng rộng rãi vì giá khá cao và chưa phù hợp trong điều kiện thiếu cơ sở hạ tầng để hỗ trợ, các nhà nghiên cứu vẫn nhận định đây là nguồn năng lượng vô tận, có thể tái sinh được. Nguồn năng lượng này giữ vai trò chủ đạo thay thế nhiên liệu hóa thạch, không gây ô nhiễm môi trường và cũng là nguồn năng lượng của tương lai.

Chiến lược phát triển năng lượng hydro nói trên nằm trong khuôn khổ kế hoạch phục hồi kinh tế trị giá 130 tỷ EUR của Chính phủ Đức hậu Covid-19.

Chuyên gia Claudia Kemfert thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế Đức DIW Berlin đánh giá, với việc công bố đầu tư cho công nghệ năng lượng sạch hydro giữa lúc tranh cãi về hướng phục hồi kinh tế, Chính phủ Đức đã xác định hướng đi dài hạn vào các công nghệ không phát thải khí carbon là một phần tất yếu trong đối phó với khủng hoảng.

Đức hiện là một trong những quốc gia đi đầu trong việc cam kết giảm phát thải và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Nước này đặt mục tiêu giảm phát thải CO2 ít nhất 40% năm 2020, 80% đến năm 2050 và giảm tỷ lệ tiêu thụ điện năng do áp dụng biện pháp sử dụng tiết kiệm lên đến 50% năm 2050. Mục tiêu này đã được nêu trong Chương trình hành động khí hậu năm 2030 của Chính phủ Đức, phù hợp với các mục tiêu giảm khí thải của Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Phát triển kinh tế đi cùng với bảo vệ môi trường được xem là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của Chính phủ Đức trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều ảnh hưởng cho môi trường sống tại nước này. Hàng loạt báo cáo khí hậu công bố gần đây cho thấy, trong 10 năm trở lại đây, một xu hướng nhiệt độ “cực đoan” ở Đức đã trở nên rõ ràng, đặc biệt số ngày nắng nóng với nhiệt độ vượt quá 30°C đã tăng đáng kể. Báo cáo cũng ghi nhận mùa hè năm 2003, 2018 và 2019 là khoảng thời gian nóng nhất ở Đức từ trước đến nay. 

Tình trạng nhiệt độ tăng đã ảnh hưởng đến sức khỏe của con người cũng như gây ra hạn hán, ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung cấp nước và hệ sinh thái tự nhiên. Ngoài ra, những tác động của biến đổi khí hậu cũng khiến nhiều khu vực ven biển ở Đức bị ảnh hưởng bởi mực nước biển Bắc và biển Baltic tăng.