Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài và một số khuyến nghị

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2019

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành một số chính sách thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài nhằm mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

Hiệu quả dòng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài ngày càng lớn. Nguồn: internet
Hiệu quả dòng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài ngày càng lớn. Nguồn: internet

 Tuy nhiên, trước xu thế dòng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài ngày càng tăng đã đặt ra những vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam cũng như chính quyền sở tại và người dân địa phương nơi có các hoạt động đầu tư.

Hiệu quả dòng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài ngày càng lớn

Thực hiện chính sách mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam ra nước ngoài, để nâng cao năng lực cạnh tranh và phù hợp với xu thế hội nhập.

Sau hơn 30 năm hội nhập và phát triển, đến nay, Việt Nam không chỉ là một quốc gia tiếp nhận đầu tư hàng đầu trong khu vực, mà còn vươn lên, trở thành quốc gia có nhiều DN, dự án đầu tư ra nước ngoài. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam ngày càng đa dạng, thể hiện rõ nét qua thị trường, ngành đầu tư, quy mô, hình thức đầu tư, các loại hình kinh tế và DN tham gia đầu tư. Theo Cục Ðầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), năm 2018, DN Việt Nam đã đầu tư sang 35 quốc gia và vùng lãnh thổ với 149 dự án được cấp phép giấy chứng nhận đầu tư mới, tổng vốn hơn 376 triệu USD, cùng 35 dự án điều chỉnh vốn với tổng số vốn tăng thêm 56 triệu USD. Tính chung cả năm 2018, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt hơn 432 triệu USD.

Lũy kế từ năm 1989 đến nay, Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài hơn 22 tỷ USD với các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp, lâm nghiệp, năng lượng và viễn thông. Trong đó, tập trung tại các nước như Lào, Campuchia và Myanmar với vốn đầu tư chiếm gần 40% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm, đạt 183 triệu USD. Trong đó, có 55 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam đạt 98,3 triệu USD. Có 14 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với vốn đầu tư Việt Nam tăng thêm là 84,8 triệu USD. Xét theo lĩnh vực, hoạt động khoa học công nghệ dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 81,9 triệu USD, chiếm 44,7% tổng vốn đầu tư; Tiếp đó là lĩnh vực ngân hàng với 37,1 triệu USD và chiếm 20,3% tổng vốn đầu tư; Lĩnh vực thông tin và truyền thông với gần 31 triệu USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư…

Xét theo địa bàn đầu tư, 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã đầu tư sang 25 quốc gia, vùng lãnh thổ. Không còn tập trung vào các địa điểm đầu tư truyền thống hàng đầu như Lào, Campuchia như trước đây, Tây Ban Nha là địa bàn dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, với 1 dự án quy mô vốn đạt 59,8 triệu USD, chiếm 32,7% tổng vốn đầu tư. Hoa Kỳ xếp thứ 2 với tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 44,3 triệu USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư. Campuchia xếp thứ 3 với tổng vốn đầu tư 38 triệu USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư...

Sự khởi sắc của hoạt động đầu tư ra nước ngoài thời gian qua là nhờ việc chuẩn hóa thủ tục đầu tư và việc hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với bối cảnh mới. Theo đó, bên cạnh việc tham mưu ban hành luật và các nghị định, ngày 17/10/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BKHĐT hướng dẫn và ban hành mẫu văn bản thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài. Thông tư số 03/2018/TT-BKHĐT hướng dẫn các mẫu văn bản thực hiện các thủ tục về đầu tư ra nước ngoài được quy định tại Luật Đầu tư số 67/2014/QH13, Nghị định số 83/2015/NĐ-CP ngày 25/9/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài và Nghị định số 124/2017/NĐ-CP ngày 15/11/2017 của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí. Thông tư số 03/2018/TT-BKHĐT ra đời góp phần chuẩn hóa thủ tục pháp lý cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài, vừa tạo thông thoáng, vừa giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường hiệu lực quản lý với các dự án ngoài lãnh thổ Việt Nam...

Thực tế cho thấy, kể từ khi Nghị định số 83/2015/NĐ-CP hướng dẫn về đầu tư ra nước ngoài được ban hành, việc mở rộng phạm vi đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài của DN trong nước đã được tạo điều kiện thuận lợi hơn. Qua đó, hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã tạo được những dấu ấn nhất định. Nhiều tập đoàn, tổng công ty, DN có vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Cổ phần Hoàng Anh - Gia Lai... Đặc biệt, trong hơn 10 năm đầu tư ra nước ngoài, Tập đoàn Viettel không chỉ mang về hiệu quả kinh doanh, thể hiện trách nhiệm xã hội ở nước sở tại, mà còn nâng tầm vị thế, thể hiện vai trò dẫn dắt, lan tỏa bằng tư duy và tầm nhìn vượt trội. Đến thời điểm hiện tại, Viettel đã đầu tư vào 10 thị trường nước ngoài đạt trên 35 triệu thuê bao di động. Năm 2017, 10 thị trường này mang lại cho Tập đoàn Viettel doanh thu 1,6 tỷ USD. Lũy kế đến nay, Viettel đã đăng ký đầu tư ra nước ngoài hơn 2 tỷ USD, trong đó, vốn đã thực hiện là 1,19 tỷ USD và thu về lợi nhuận 1,3 tỷ USD kể từ khi đầu tư ra nước ngoài cho đến năm 2017.

Kinh doanh hiệu quả ở nước ngoài sẽ là đòn bẩy để ngày càng nhiều DN Việt Nam tiếp tục đầu tư ra nước ngoài. Thực tế cho thấy, không chỉ Cuba, Lào hay Campuchia, thời gian gần đây, các DN Việt Nam đã từng bước mở rộng thị trường đầu tư. Không bó hẹp ở châu Á, DN Việt Nam còn mở rộng địa bàn sang cả Australia, New Zealand, Mỹ, Canada, Haiti, Cameroon… Để đón đầu cho dòng vốn đầu tư này, hàng loạt ngân hàng Việt Nam đã “theo chân” DN Việt ra nước ngoài, BIDV, VietinBank, Sacombank, MB, SHB…

Trong số các quốc gia tiếp nhận đầu tư từ các DN của Việt Nam, Lào và Campuchia là những nước có số lượng dự án và tổng số vốn cam kết đầu tư lớn nhất. Trong quá trình đầu tư đó, các DN Việt Nam gặp nhiều thuận lợi về sự gần gũi giữa các quốc gia, quan hệ ngoại giao hữu nghị tốt đẹp, được sự ủng hộ của chính quyền nước sở tại… nên hoạt động đầu tư đã mang lại được nhiều kết quả khả quan, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, cộng đồng tiếp nhận đầu tư, cũng như đóng góp trở lại cho nền kinh tế Việt Nam.

Những rủi ro, thách thức

Bên cạnh những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam, cho các quốc gia và cộng đồng tiếp nhận đầu tư, thì đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Cụ thể:

Một là, những khác biệt về văn hóa, pháp luật, môi trường giữa Việt Nam và các quốc gia tiếp nhận đầu tư này đã dẫn đến các tranh chấp ngoài mong muốn, ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án, quyền và lợi ích của người dân địa phương cũng như hình ảnh của nhà đầu tư Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Thực tế cho thấy, DN Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài thường mang theo tư duy, cách nghĩ của người Việt Nam. Chẳng hạn như: Về đất đai, nếu DN đầu tư ở Việt Nam sẽ được Nhà nước hỗ trợ thu hồi đất, nhưng sang đầu tư Campuchia chế độ sở hữu đất đai sẽ khác, dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài gặp không ít khó khăn.

Hai là, nhiều DN Việt Nam ra nước ngoài kinh doanh nhưng hoạt động còn mang tính tự phát, do đó rất dễ xảy ra tranh chấp. Khi đó, việc xử lý tranh chấp rất khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Trong khi, về mặt quản lý nhà nước, hiện chưa có cơ quan đủ thẩm quyền, điều kiện và năng lực triển khai quản lý, theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của tất cả các DN Việt Nam đang hoạt động tại nước ngoài.

Ba là, người dân một số vùng còn hạn chế về trình độ, khó tiếp xúc bằng văn bản, nên thay vì quản lý bằng văn bản, DN đều phải thể hiện dưới dạng hình ảnh các chương trình tuyển dụng, đào tạo, chế độ bảo hiểm… để người dân dễ hiểu, dễ nhớ. Tuy nhiên, điều này khiến DN mất thêm thời gian, chi phí tài chính.

Bốn là, tiềm lực tài chính cũng là yếu tố cản trở cơ hội đầu tư ra nước ngoài của nhiều DN. Chẳng hạn: Trong lĩnh vực nông nghiệp, DN cần chuẩn bị tiềm lực tài chính có như vậy mới có thể đảm bảo tiềm lực duy trì được các hoạt động của mình.

Một số đề xuất, kiến nghị

Nhằm tiếp tục hỗ trợ hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam, thời gian tới cần chú trọng một số vấn đề sau:

Về phía cơ quan quản lý

- Ban hành thêm cơ chế, chính sách linh hoạt liên quan đến thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài… theo hướng tiệm cận dần với các thông lệ, pháp luật quốc tế, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho DN Việt trong quá trình đầu tư ra nước ngoài.

- Cần có những công cụ hướng dẫn DN giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, rủi ro gặp phải trong quá trình đầu tư ra nước ngoài. Kịp thời nắm bắt, xử lý các vướng mắc, khó khăn của DN đầu tư ra nước ngoài. Hướng dẫn cung cấp thông tin tổng thể về quy trình đầu tư ra nước ngoài từ Việt Nam đến nước nhận đầu tư thông qua từng bước đầu tư với những rủi ro môi trường - xã hội tiềm ẩn qua những chính sách và pháp luật liên quan.

- Cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm hỗ trợ các DN đầu tư về chính sách của các nước sở tại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà họ gặp phải. Đồng thời, tích cực hỗ trợ về mặt pháp lý, chủ động phối hợp cùng DN tham gia xử lý các vấn đề phát sinh, các tranh chấp trong quá trình đầu tư tại nước sở tại.

Về phía doanh nghiệp

- Cần chủ động tìm hiểu, cập nhật những thay đổi thường xuyên của chính sách, có thái độ hợp tác với nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Đặc biệt, DN phải có ý thức bảo vệ môi trường sống nơi sở tại, không chỉ bảo đảm hoạt động kinh doanh bền vững của chính DN, mà còn hạn chế những phản đối, bất bình và tẩy chay từ phía người dân địa phương.

- Phải tìm hiểu thông tin để phòng ngừa những tranh chấp phát sinh tại nước có ý định đầu tư, đồng thời để tránh gặp phải việc bị lừa đảo dự án đầu tư ở nước ngoài.

- Chú trọng cải thiện khả năng cạnh tranh bằng đầu tư trung hạn và dài hạn, tìm hiểu sâu về chính sách đầu tư và những thay đổi chính sách của nước nhận đầu tư, cũng như tăng cường mối liên kết giữa các DN. Tuân thủ pháp luật nước sở tại, luật pháp quốc tế và các chính sách, pháp luật có liên quan khác. Bản thân DN khi đầu tư ra nước ngoài phải ý thức hơn trách nhiệm trong vấn đề tìm hiểu cơ chế chính sách pháp luật Việt Nam cũng như các văn bản điều ước quốc tế và pháp luật nước sở tại.

- DN nên tham vấn với các cộng đồng bị ảnh hưởng trong suốt quá trình đầu tư; Xây dựng và thúc đẩy thực thi hướng dẫn về trách nhiệm xã hội của DN - áp dụng với nhiều lĩnh vực và các giai đoạn khác nhau trong quá trình triển khai dự án...       

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2014), Luật Đầu tư số 67/2014/QH13;
  2. Chính phủ (2015), Nghị định số 83/2015/NĐ-CP hướng dẫn về đầu tư ra nước ngoài;
  3. Chính phủ (2017), Nghị định số 124/2017/NĐ-CP ngày 15/11/2017 quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí;
  4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), Thông tư số 03/2018/TT-BKHĐT ngày 17/10/2018 hướng dẫn và ban hành mẫu văn bản thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài;
  5. Tổng cục Thống kê (2019), Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm 2019.