Đầu tư hạ tầng: Cần cơ chế triển khai

LH

(Tài chính) Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới, mạng lưới điện và hệ thống cáp quang thông tin viễn thông… đã được hạ ngầm, mục tiêu là tạo cảnh quan sạch sẽ và giảm thiểu tai nạn rủi ro cho người dân. Việt Nam cũng đang hướng tới mục tiêu đó, tuy nhiên còn vướng rất nhiều, đặc biệt là vốn đầu tư…

Dây điện và dây cáp viễn thông nhằng nhịt trên đường Cách Mạng Tháng Tám (TP. Hồ Chí Minh). Nguồn: internet
Dây điện và dây cáp viễn thông nhằng nhịt trên đường Cách Mạng Tháng Tám (TP. Hồ Chí Minh). Nguồn: internet

Tình hình triển khai các dự án:

- Từ năm 2003, TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư gần 40 tỷ đồng để thực hiện ngầm hóa nhưng tới nay chỉ mới ngầm hóa được 9,2 km lưới trung thế và 9,5 km lưới hạ thế, chưa kết hợp được việc ngầm hóa dây thông tin và chiếu sáng. Năm 2009-2010, ngành điện TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư hơn 115 tỷ đồng triển khai thí điểm ngầm hóa 9,23 km lưới trung thế, 46,57 km lưới hạ thế và hệ thống dây thông tin tại một số tuyến phố đông dân cư. Tuy vậy, theo thống kê của Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh, trên địa bàn TP còn có tới 13.400 km đường dây điện cao thế, trung thế và hạ thế cùng với hệ thống cáp viễn thông treo trên hơn 200.000 cột điện khắp TP, dây dợ bùng nhùng như mạng nhện. Với mục tiêu từ năm 2011 đến 2015, TP phải ngầm hóa được 95% lưới điện trung thế, 50% lưới điện hạ thế thì đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn.

- Từ năm 2008 đến nay, UBND TP. Hà Nội, các quận và một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng 61 dự án hạ ngầm đường dây cáp đi nổi kết hợp với chỉnh trang đô thị tại các quận nội thành, trong đó có nhiều tuyến đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. TP đã trực tiếp đầu tư xây dựng các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị (tuynel, hào, cống bể cáp) tại 34 tuyến phố và giao cho Viettel xây dựng tại 4 tuyến phố thực hiện theo hình thức xã hội hóa...

- Việc thực hiện một số công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật hai thành phố này đã khiến bộ mặt đô thị ở nhiều khu vực thay đổi rõ rệt, không còn hình ảnh "mạng nhện" chằng chịt trên cao. Người dân cũng có cảm giác an tâm hơn khi lưu thông trên đường.

- Tuy nhiên, TP. Hồ chí Minh, Hà Nội… là các địa điểm đi đầu trong chủ trương ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông nhưng việc thực hiện đang diễn ra rất chậm, do nhiều khó khăn như:

+ Khó khăn lớn nhất là vốn: Chi phí ngầm hóa lưới điện và hệ thống cáp thông tin tốn hơn rất nhiều so với đường dây trên không.Theo tính toán chưa đầy đủ, kinh phí đào hào kỹ thuật ngầm hóa lên tới gần 20 tỷ đồng/km, cộng thêm chi phí thiết bị riêng cho ngầm hóa (chỉ tính riêng lưới điện cũng sẽ "đội" lên đến gần 40 tỷ đồng/km). Trong khi NSNN eo hẹp, nguồn thu của các ngành điện, viễn thông, thông tin cũng đang được đầu tư quay lại để phát triển năng lực sản xuất nội ngành (từ nay đến năm 2015, ngành điện cần nguồn vốn đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng nhưng chỉ có thể thu xếp được khoảng 600 tỷ đồng/năm, chủ yếu để tập trung cho các dự án phát triển nguồn, lưới điện).

+ Thủ tục còn rườm rà, phức tạp: Việc đào cống để hạ ngầm lưới điện, hệ thống dây cáp đang ăn theo trên các cột trụ đỡ liên quan đến sơ đồ đô thị, đường cống cấp - thoát nước, sông ngòi… và các tuyến đường thuộc danh mục cấm đào… đơn vị tiến hành dự án phải làm rất nhiều thủ tục giấy tờ, văn bản  để xin phép các cơ quan từ UBND quận, huyện đến Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính để Thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, Cấp phép đào hè, lòng đường… Nhưng hiện nay, những quy định cụ thể để thực hiện lại chưa có.

+ Thiếu cơ chế tính giá thuê: Việc chưa có giá thuế cơ sở hạ tầng ngầm đã ảnh hưởng đến tiến độ thu hồi vốn của Nhà nước từ các dự án, công trình ngầm, và trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay còn gián tiếp tác động đến việc cân đối, huy động vốn để đầu tư các công trình ngầm tiếp theo. Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình ngầm theo hình thức xã hội hóa và những doanh nghiệp đi thuê lại công trình ngầm cũng bị ảnh hưởng do chưa thể hạch toán đầy đủ chi phí trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Ví dụ: Công ty Công trình Viettel (thuộc Tập đoàn Viettel) đã bỏ kinh phí hơn 40 tỷ đồng để xây dựng công trình hạ ngầm tại 4 tuyến (Giảng Võ - Láng Hạ; Xuân Thủy - Cầu Giấy; Phan Đình Phùng; Hoàng Diệu) nhưng đến nay giá cho các đơn vị thuê lại cũng chỉ là giá tạm thu (bằng 50% giá trị thực - giá thuê tạm thời được DN phối hợp với đối tác xác định dựa theo chi phí đầu tư…). TP. Hà Nội làm chủ đầu tư của 34 tuyến phố (số tiền còn lớn hơn nhiều so với kinh phí của Viettel đầu tư) nhưng cũng chỉ mới tính phí ở dạng ghi nợ do chưa có khung giá, điều này cũng gây thiệt hại không nhỏ cho ngân sách.

Cần có cơ chế rõ ràng:

- TP cần có cơ chế hỗ trợ vốn và đơn giản hóa thủ tục hành chính mới thu hút các doanh nghiệp mạnh dạn tham gia ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông.

- Yêu cầu các đơn vị điện lực, viễn thông phải phối hợp đồng bộ để các dự án ngầm hóa có thể đưa cùng lúc dây điện, cáp viễn thông, kể cả dây điện chiếu sáng công cộng vào công trình chung nhằm tránh tình trạng đào đường nhiều lần.

- Nhà nước phải xây dựng ngay hoặc sẵn sàng có các quy định pháp lý cần thiết để bảo đảm cho việc phối hợp về vốn, thủ tục, về tính giá thuê…. để các doanh nghiệp triển khải có thể yên tâm về tính khả thi trong thực hiện. Hiện, Sở Xây dựng vừa trình UBND TP. Hà Nội phê duyệt quy chế quản lý và thu hồi vốn công trình ngầm.

Đầu tư hạ tầng: Cần cơ chế triển khai - Ảnh 1

Có quy chế về quản lý và thu hồi vốn công trình ngầm, Hà Nội sẽ không còn cảnh “mạng nhện” dây viễn thông, truyền hình cáp như thế này nữa. Ảnh: Lê Tuấn

Nội dung quy chế quản lý và thu hồi vốn công trình ngầm:

Từ năm 2010, sau khi hoàn thành 5 công trình ngầm chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (gồm các tuyến xung quanh hồ Hoàn Kiếm; Tràng Tiền - Hàng Khay; Nguyễn Thái Học - Kim Mã; Văn Cao - Liễu Giai - Trần Duy Hưng; Hai Bà Trưng), thành phố đã giao Sở Xây dựng Hà Nội lập dự thảo quy chế thu hồi vốn (gồm cách tính giá thuê và khung giá cho thuê). Sở đã ký hợp đồng với Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (thuộc Tập đoàn VNPT) để triển khai. Dự thảo quy chế thu hồi vốn gồm có các phần: Quy định chung, đối tượng điều chỉnh, nguyên tắc thu hồi vốn, xác định giá cho thuê, đơn giá cho thuê, thẩm quyền cho thuê… Căn cứ theo các văn bản quy định của Nhà nước, sự tham gia của đơn vị tư vấn cũng như lấy ý kiến tham khảo các đơn vị, cách tính giá thuê công trình ngầm được dựa trên cơ sở tính giá cho thuê nhà sinh viên. Song, nhà sinh viên được tính theo giá sàn, công trình ngầm có cách tính riêng theo kỹ thuật dựa vào công thức thuật toán. Có thể hiểu nôm na là, tính giá thuê công trình ngầm chỉ căn cứ vào diện tích sử dụng được, ví dụ xây dựng hào kỹ thuật gồm thành, giá đỡ cáp (3 tầng giá) hai bên, số lượng cáp, từ đó tính ra tiết diện cáp/mét dài/thời gian thuê. Giá thuê công trình ngầm còn dựa vào thời gian khấu hao công trình, do vậy ở mỗi đơn giá có sự khác nhau. Có thể dẫn chứng, đơn giá của công trình cống bể kỹ thuật (khấu hao trong 20 năm) gồm 100 đôi cáp, thì giá thuê là 5,524 triệu đồng/năm; hào kỹ thuật khấu hao trong 50 năm là 1,534 triệu đồng/năm; tuy nel kỹ thuật 2,567 triệu đồng/năm. Ngoài việc xây dựng khung giá cho thuê, Sở Xây dựng cũng soạn thảo quy chế quản lý công trình ngầm làm rõ phần quản lý của đơn vị quản lý cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp, đơn vị đi thuê lại.

Dự thảo quy chế này đang được UBND thành phố xem xét. Như vậy, khi những quy định này có hiệu lực sẽ là căn cứ để Nhà  nước thu hồi vốn, góp phần giải quyết những vướng mắc cho cả chủ đầu tư cũng như với các đơn vị, doanh nghiệp thuê lại. Các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp, điện… có thể yên tâm sản xuất - kinh doanh, thực hiện xã hội hóa công tác này, giảm bớt áp lực vốn đầu tư cho NSNN.