Đầu tư hạ tầng và mô hình PPP

Theo Đặng Hương - Vneconomy

Hạ tầng cơ sở hiện vẫn được coi là một điểm nghẽn trong phát triển kinh tế của Việt Nam.

Đánh giá về vấn đề hạ tầng cơ sở ở Việt Nam, ông Jim Winkler, Giám  đốc Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (VNCI) của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), nói:

- Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) giai đoạn 2009-2010 của Việt Nam đứng thứ 75, tụt 5 bậc so với GCI 2008-2009.

Trong đó, trụ cột thứ 2 trong 12 trụ cột làm nên chỉ số GCI* là chỉ số về hạ tầng cơ sở lại đứng vị trí thứ 94 chỉ với mức 3 điểm trong tổng số 7 điểm. So sánh chỉ số hạ tầng cơ sở của Việt Nam với một số quốc gia trong khu vực như Malaysia, Thái Lan hay Trung Quốc thì chỉ số này của họ đều cao hơn Việt Nam (từ 4,3-5 điểm).

Trong một cuộc khảo sát gần đây, chúng tôi thấy, quãng đường từ nhà máy vào trung tâm của một tỉnh, thành phố trung bình bị phong tỏa bởi lũ lụt, lở đất khoảng 8,7 ngày/năm, 71% doanh nghiệp cho biết sản phẩm của mình bị hư hại bởi chất lượng đường xấu, gây tổn thất khoảng 2.300 USD/doanh nghiệp và trung bình trong 1 tháng doanh nghiệp bị cắt điện khoảng 29,27 tiếng và dịch vụ điện thoại và mạng ngoài vùng phủ sóng khoảng 8,23 tiếng.

Vậy theo ông, cần những biện pháp gì để cải thiện tình trạng này?

Cũng giống như những nước phát triển khác, để cải thiện hạ tầng cơ sở, người ta phải đầu tư phát triển, nâng cấp đồng bộ hệ thống này.

Tuy nhiên, để đầu tư trong lĩnh vực này, cần một lượng vốn khổng lồ, vì vậy gọi vốn tư nhân tham gia vào mô hình hợp tác phát triển công - tư (Public Private Partnerships - PPP) trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đã được nhiều nước tính đến như Hàn Quốc, Philippines, Mexico, Chile, Australia hay Peru...

PPP không chỉ được áp dụng trong đầu tư, xây dựng hạ tầng đường bộ mà có thể mở rộng sang lĩnh vực đầu tư, xây dựng hạ tầng hàng không.

Trong thời gian qua, khoảng 80% chuyến bay và 85% khối lượng hàng hóa chuyên chở bằng đường hàng không tập trung ở 3 cảng hàng không lớn của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam cũng đang có  những chính sách thu hút đầu tư mạnh trong xây  dựng, nâng cấp các cảng hàng không. Cảng hàng không ở Đà Nẵng có thể mở rộng, phát triển và cạnh tranh mạnh mẽ với những cảng hàng không khác và cùng với cảng hàng không quốc tế ở Tp.HCM và Hà Nội trở thành trục kinh tế cạnh tranh với những nước khác trong tương lai, đặc biệt trong khối ASEAN với mô hình bầu trời mở.

Vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng hàng không rất lớn. Bài toán vốn trong lĩnh vực này có thể được giải thông qua cơ chế PPP.

Hiện tại, Việt Nam cũng chỉ mới đưa ra mô hình PPP áp dụng thí điểm trong một số dự án phát triển đường cao tốc và cũng chưa có một hành lang pháp lý đủ rộng để điều chỉnh vấn đề này. Vậy cơ chế nào cho PPP trong hạ tầng hàng không, thưa ông?

Chìa khóa cho PPP ở  Việt Nam phải xây dựng được một giải pháp có tính thị trường vững chắc trong đó duy trì được tính cạnh tranh qua mỗi giai đoạn của dự án thông suốt các chiến lược đầu tư, đảm bảo được nguồn tiền cho dự án để đáp ứng được yêu cầu đầu tư và tăng hiệu quả trong chuyển giao dịch vụ tới doanh nghiệp và người dân. Điều này đòi hỏi phải có một hệ thống luật pháp, quy tắc, chính sách, cấu trúc và cách thức tiến hành... hoàn chỉnh để tạo lòng tin cho nhà đầu tư.

Tôi nghĩ, có hai vấn đề mà Việt Nam cần chú trọng.

Thứ nhất, tập trung rà soát các dự án phát triển hạ tầng và xem xét, phê chuẩn những dự án được đề xuất dựa vào tính khả thi của dự án. Thứ hai, quản lý quỹ tài chính dành cho hạ tầng, phê duyệt những dự án nào được gọi vốn từ thị trường tài chính trong nước, nước ngoài hay những dự án nào thì được sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, ODA...

* 12 trụ cột làm nên chỉ số GCI là: Thể chế, Hạ tầng, Ổn định kinh tế vĩ mô, Y tế và giáo dục tiểu học, Đào tạo và giáo dục bậc cao hơn, Hiệu quả thị trường hàng hóa, Hiệu quả thị trường lao động, Sự tinh vi của thị trường tài chính, Sẵn sàng về công nghệ, Quy mô thị trường, Sự tinh vi của kinh doanh, Đổi mới công nghệ (theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2009/2010 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới - WEF).