Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: Điểm nhấn năm cũ, định hướng năm mới

Ngọc Anh

(Tài chính) Trong năm 2012 mặc dù nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn của nền kinh tế thế giới, cũng như những khó khăn nội tại ở trong nước, song khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vẫn tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước.

Ảnh minh họa. Nguồn:Internet
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

5 điểm nhấn năm cũ

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn lại năm 2012, có thể tóm gọn những kết quả ấn tượng của ĐTNN tại Việt Nam qua 5 điểm nhấn quan trọng:

Thứ nhất, trong bối cảnh khó khăn của nguồn vốn đầu tư toàn cầu, vốn ĐTNN thực hiện tại Việt Nam năm 2012 giảm nhẹ so với năm 2011, ước đạt 10,46 tỷ USD, bằng 95,1% mức thực hiện của năm 2011, song đây là một kết quả tích cực góp phần làm cho cán cân vốn tài chính có số dư và góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng hợp, làm tăng dự trữ ngoại hối,…

Tính lũy kế đến ngày 15/12/2012, đã có 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với 14.489 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký là 213,6 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất, chiếm 13,6% tổng vốn đăng ký tiếp theo lần lượt là Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore.

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Thứ hai, khu vực doanh nghiệp FDI đạt kết quả tăng trưởng về xuất khẩu rất khả quan. Xuất khẩu (kể cả dầu thô) năm 2012 ước đạt 73,4 tỷ USD, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 33,2% so với năm 2011. Năm 2012, khu vực ĐTNN đã xuất siêu hơn 13 tỷ USD, góp phần đáng kể vào thành tích xuất siêu chung của Việt Nam năm 2012 (khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 12,7 tỷ USD).

Thứ ba, lượng vốn đăng ký tăng thêm của những dự án đã thực hiện tăng tới 58,5% so với năm 2011, chứng tỏ các nhà đầu tư đã làm ăn ở Việt Nam vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam cũng như triển vọng trong tương lai nên sẵn sàng tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Đây là một trong những điểm nhấn về FDI trong năm nay.

Thứ tư, nộp ngân sách của khu vực doanh nghiệp FDI năm 2012 (chưa kể dầu thô) đạt 3,76 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm 2011 (3,5 tỷ USD) và tăng 23% so với năm 2010 (3,04 tỷ USD), chiếm 18,7% tổng thu nội địa. Thu tư dầu thô vượt dự toán năm gần 30% và ước đạt 5,4 tỷ USD.

Thứ năm, phần lớn các dự án ĐTNN trong năm nay tập trung vào lĩnh vực sản xuất (chiếm trên 70%), phù hợp với định hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa của Việt Nam.

Giải pháp cho năm 2013 và các năm tiếp theo

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế và chuyên gia kinh tế, nền kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2013 sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, do vậy, nguồn vốn ĐTNN chưa thể phục hồi mạnh trong năm tới. Theo đó, dự kiến vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 13 - 14 tỷ USD. Vốn thực hiện đạt khoảng 10,5 - 11 tỷ USD, tương đương với năm 2012. Để thực hiện thành công mục tiêu này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian tới tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư, ban hành chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng thu hút ĐTNN giai đoạn 2011 -  2020 nhưng phải đảm bảo tính hấp dẫn, cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Thứ hai, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quy hoạch từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt đến quản lý quy hoạch.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện tốt 3 khâu đột phá là cải cách thể chế, cải thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tính từ ngày 1/1/2012 đến 15/12/2012, cả nước có 1.100 dự án ĐTNN mới được cấp GCNĐT và 435 lượt dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 13,01 tỷ USD, bằng 84,7% so với cùng kỳ 2011. Vốn thực hiện đạt 10,46 tỷ USD, bằng 95,1% năm 2011.

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Thứ tư, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để hỗ trợ thúc đẩy giải ngân nhanh vốn đầu tư.

Thứ năm, hoàn thiện cơ chế phân cấp trong quản lý ĐTNN theo hướng phát huy quyền chủ động của địa phương, đồng thời đảm bảo tập trung thống nhất, hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước.

Thứ sáu, cải tiến căn bản phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm trọng điểm, theo từng ngành, lĩnh vực, khu vực và theo đối tác. Tránh tình trạng xúc tiến đầu tư tràn lan, tăng cường sự phối hợp, điều phối thống nhất chung và có kế hoạch. Tăng cường hỗ trợ cho các nhà đầu tư đang đầu tư tại Việt Nam hoạt động có hiệu quả (XTĐT tại chỗ).

Thứ bảy, giảm rào cản cho nhà đầu tư nước ngoài đối với một số ngành dịch vụ mà Việt Nam đang có nhu cầu, đồng thời xây dựng các rào cản kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế để hạn chế các dự án không khuyến khích.

Thứ tám, nâng cao hiệu quả công tác quản lý dòng vốn FDI (chuyển vốn vào, vốn ra). Cùng với đó, cần phải xây dựng quy chế phối hợp về quản lý FDI giữa các bộ, ngành, địa phương, trong đó xác định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động FDI, đến công tác hậu kiểm, thống kê, đánh giá tình hình triển khai dự án  FDI sau cấp phép...