Đầu tư ra nước ngoài: Cân đong luồng tiền vào – ra

Theo Báo Đầu tư

Đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam có vẻ đã bắt đầu đến lúc thu trái ngọt. Nhưng đằng sau đó, vẫn còn nhiều điều đáng quan ngại.

Đầu tư ra nước ngoài: Cân đong luồng tiền vào – ra
Viettel đang đẩy mạnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài để có thị trường quy mô 1 tỷ dân vào năm 2020
Thông tin vừa được công bố, năm 2013, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai có thể thu được những đồng lợi nhuận đầu tiên từ Nhà máy Mía đường và Trung tâm Nhiệt điện mà Tập đoàn đã đầu tư tại Attapeu (Lào). Dự án có vốn đầu tư 100 triệu USD này vừa ra mẻ đường trắng kết tinh đầu tiên và Trung tâm Nhiệt điện (công suất 30 MW), cũng đã phát điện và hòa lưới điện quốc gia Lào.

Hoàng Anh Gia Lai cũng đặt rất nhiều kỳ vọng vào thị trường Myanmar, nên đang dốc sức xây dựng khu phức hợp 300 triệu USD tại Yangon, cũng như các dự án khác ở Campuchia, Thái Lan, Lào.

Trong khi đó, Viettel cũng đang nuôi tham vọng đẩy mạnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài để có thị trường có quy mô phục vụ 1 tỷ dân vào năm 2020 (hiện đang phục vụ 110 triệu dân). Hiện nay, Viettel đã đầu tư phát triển các mạng viễn thông ở Lào, Campuchia, Haiti, Peru, Mozambique, Cameroon và đã thu được những thành công lớn, đặc biệt là ở Lào và Campuchia. Năm 2011, Viettel đã chuyển về nước 40 triệu USD lợi nhuận, còn năm nay, vào khoảng 76 triệu USD.

Và con số được ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố mới đây cũng cho thấy, cho tới nay, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đã mang về 430 triệu USD lợi nhuận, chủ yếu trong lĩnh vực dầu khí, viễn thông, cao su. “Đây là một kết quả rất đáng ghi nhận”, ông Hoàng nhận định.

Có lẽ, đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam đã bắt đầu đến lúc thu trái ngọt, cho dù khó có thể đưa ra nhận định rằng thu về 430 triệu USD trên tổng số 3,8 tỷ USD đầu tư ra nước ngoài là đã hiệu quả hay chưa.

Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2012, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 75 dự án, với tổng vốn đăng ký 1,3 tỷ USD. Lũy kế tới ngày 20/12/2012, Việt Nam đã có 712 dự án cho còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 12,4 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt 3,8 tỷ USD, trong đó riêng năm 2013 là 1,2 tỷ USD.

Bình luận về những con số trên, GS., TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây là một tín hiệu tích cực, bởi từ một quốc gia chỉ đi thu hút đầu tư nước ngoài, nay các doanh nghiệp Việt Nam đã có thể cho. “Điều đó chứng tỏ, doanh nghiệp trong nước đã mạnh hơn. Viettel, Hoàng Anh Gia Lai là những ví dụ điển hình”, ông Mại nói. 

Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, ông Mại cho rằng, còn rất nhiều vấn đề liên quan mà Việt Nam cần lưu tâm. “Chúng ta chưa có một định hướng của Nhà nước về đầu tư ra nước ngoài, nên hoạt động cho  đến nay rất tự phát. Có một số hoạt động đầu tư có thể coi là khá mạo hiểm, vì chưa biết có sinh lợi hay không”, ông Mại nói và bày tỏ quan điểm rằng, điều quan trọng là, khi tiến hành đầu tư, các doanh nghiệp phải biết lượng sức, chọn những địa bàn trọng điểm và vừa sức, ít phải cạnh tranh khốc liệt.

Số liệu thống kê cho thấy, hiện Việt Nam đã đầu tư ra 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, đây mới chỉ mang tính thống kê, bởi lẽ, ngoài một số thị trường có đầu tư thực sự, mang lại hiệu quả cao (Lào, Campuchia…), vẫn còn hàng loạt địa bàn mà doanh nghiệp “đầu tư có cũng… như không”.

Có tới 20/60 địa bàn mà doanh nghiệp Việt Nam có đăng ký đầu tư, nhưng tới nay, chưa giải ngân được đồng nào. Lại có những dự án đầu tư quá nhỏ, như ở Macao - 25.000 USD, Italy - 50.000 USD, Indonesia - 152.000 USD… “Đầu tư như vậy, thì để làm gì”, ông Mại đặt câu hỏi.

Trên một khía cạnh khác, cũng phải nhắc lại rằng, bao lâu nay, luôn có một câu hỏi được đặt ra là, phải kiểm soát luồng tiền vào - ra như thế nào cho hợp lý, bởi chuyện chuyển ngoại tệ ra nước ngoài sẽ ảnh hưởng lớn tới cán cân thanh toán của Việt Nam.

Năm 2012, có tới 1,2 tỷ USD được các doanh nghiệp Việt Nam mang ra nước ngoài. Đây là một con số không nhỏ trong bối cảnh kinh tế trong nước khó khăn, dự trữ ngoại hối và cán cân thanh toán khá căng thẳng trong mấy năm vừa qua.

“Phải cân đối việc chuyển ngoại tệ ra - vào, sao cho vừa khuyến khích được đầu tư ra nước ngoài, nhưng cũng không ảnh hưởng đến cán cân thanh toán của Việt Nam. Ngay cả các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan họ cũng quy định rất rõ lượng ngoại tệ được chuyển ra nước ngoài là bao nhiêu”, một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư chia sẻ và cũng bày tỏ quan điểm rằng, điều này càng đặc biệt có ý nghĩa hơn, khi có tới quá nửa số vốn đầu tư ra nước ngoài là của doanh nghiệp nhà nước.

Trên một khía cạnh khác, trao đổi với phóng viên, ông Mại cũng cho rằng, khi cho phép đầu tư ra nước ngoài, cũng nên cân nhắc cho đầu tư ở lĩnh vực nào, bởi đầu tư ra nước ngoài cũng đồng nghĩa với chuyển công ăn, việc làm ra nước ngoài, nên sẽ ảnh hưởng tới tỷ lệ thất nghiệp ở trong nước.

“Chúng ta không cấm, thậm chí nên khuyến khích, nhưng nên có định hướng và chỉ dẫn cụ thể, để làm sao đầu tư ra nước ngoài có hiệu quả hơn so với đầu tư trong nước, đồng thời không ảnh hưởng tới công ăn, việc làm và cân đối ngoại tệ của Việt Nam”, ông Mại khuyến nghị.