Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam tăng mạnh

Tuấn Thành

Việc gia tăng nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài được đánh giá là, Chính phủ đã ban hành một số chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài nhằm mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng hội nhập quốc tế...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện đổi mới cơ cấu sản xuất doanh nghiệp, tạo điều kiện áp dụng các công nghệ sản xuất mới, tăng cường tính năng động và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài còn giúp các doanh nghiệp phát huy được thế mạnh, điểm mạnh của các sản phẩm doanh nghiệp, đặc biệt là những sản phẩm truyền thống, sản phẩm riêng có của quốc gia.

Hoạt động đầu tư quốc tế ngày càng phát triển mạnh mẽ trong những thập kỷ trở lại đây, và thực sự trở thành một đặc trưng cơ bản của nền kinh tế hiện đại.

Tham gia vào hoạt động đầu tư quốc tế chủ yếu là các nước phát triển với lợi thế về tiềm lực tài chính mạnh, năng lực khoa học công nghệ hiện đại, cộng với trình độ quản lý kinh doanh tiên tiến và có hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay trong xu thế phát triển của dòng luân chuyển vốn đầu tư quốc tế, nhiều nước đang phát triển với tư cách là nước chủ đầu tư.

Sự tham gia của các nước đang phát triển làm đa dạng phong phú thêm hoạt động đầu tư quốc tế - một lĩnh vực gần như độc quyền của các nước phát triển trong một thời gian dài trước đây.

Việt Nam cũng đã tiến hành hoạt động đầu tư ra nước ngoài từ rất sớm và thu được những kết quả đáng khích lệ. 

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung trong 10 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 411,92 triệu USD.
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 10 tháng, đã có 128 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam đạt 311,92 triệu USD. Có 28 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với vốn đầu tư Việt Nam tăng thêm gần 100 triệu USD.

Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 110,7 triệu USD, chiếm 26,9% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đứng thứ hai với 65,57 triệu USD và chiếm 15,9% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ đứng thứ 3 với 59,35 triệu USD, chiếm 14,4% tổng vốn đầu tư. Còn lại là các dự án thuộc các lĩnh vực khác.

Trong 10 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã đầu tư sang 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Australia là địa bàn dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với 140,63 triệu USD, chiếm 34,1% tổng vốn đầu tư. Hoa Kỳ xếp thứ 2 với 22 dự án, tổng vốn đầu tư là 61,46 triệu USD, chiếm 14,9% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Tây Ban Nha, Campuchia, Singapore, Canada…

Nhiều tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài hiện đã vượt ngưỡng một tỷ USD, như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty cổ phần Hoàng Anh - Gia Lai... 

Việc gia tăng nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài được đánh giá là, Chính phủ đã ban hành một số chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài nhằm mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng hội nhập quốc tế.

Cùng với đó là việc chuẩn hóa thủ tục đầu tư và việc hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp bối cảnh mới của cơ quan quản lý, tạo sự thông thoáng và giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường hiệu lực quản lý với các dự án ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Mặc dù vậy, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Đặc biệt là sự khác biệt về văn hóa, pháp luật, môi trường giữa Việt Nam và các quốc gia là nguyên nhân chính dẫn đến các tranh chấp ngoài mong muốn, ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án, quyền và lợi ích của người dân địa phương cũng như hình ảnh của nhà đầu tư Việt Nam...

Để tăng cường hoạt động này trong thời gian tới, ngoài việc phải thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, cần chú trọng tới việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hình thành và phát triển đồng bộ các hệ thống trên thị trường, cũng như hoàn thiện hệ thống luật pháp, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và tăng cường hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực.

Trước hết, các doanh nghiệp cần tuân thủ tốt pháp luật nước sở tại, luật pháp quốc tế và các quy định có liên quan để phòng ngừa những tranh chấp có thể xảy ra trong suốt quá trình đầu tư...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu, cập nhật những thay đổi thường xuyên của chính sách, có thái độ hợp tác với chính quyền, người dân ở quốc gia mà doanh nghiệp đang đầu tư dựa trên nguyên tắc cùng có lợi.