Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam tiếp tục xu thế tăng trưởng

PV.

Tính chung trong 11 tháng năm 2018, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 357,5 triệu USD. Dự báo, xu thế đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong gần 3 thập kỷ qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm quản lý, thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài của cộng đồng DN, trong đó phải kể đến việc Chính phủ đã ban hành các nghị định như: Nghị định số 22/1999/NĐ-CP ngày 14/4/1999; Nghị định số 78/2006/NĐ-CP; Quyết định số 236/QĐ-TTg; Nghị định số 83/2015/NĐ-CP… quy định về các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của cộng đồng DN. Quốc hội cũng ban hành Luật Đầu tư năm 2005 và Luật Đầu tư năm 2014, trong đó quy định rõ các nhà đầu tư và DN thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền đầu tư ra nước ngoài…

Có thể nói, khuôn khổ pháp lý khá hoàn thiện đã góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DN trong nước trong nhiều năm qua. Thực tế cho thấy, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của DN Việt Nam có xu hướng gia tăng và đạt được nhiều kết quả tích cực với số dự án và vốn đăng ký năm sau luôn cao hơn năm trước. Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ riêng trong 11 tháng năm 2018, cả nước có 125 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam 303,5 triệu USD; có 30 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam tăng thêm 54 triệu USD. Tính chung trong 11 tháng năm 2018, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 357,5 triệu USD.

Trong 11 tháng năm 2018, Việt Nam đã đầu tư sang 35 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Lào là địa bàn dẫn đầu với 97,6 triệu USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư. Australia xếp thứ 2 với 52,7 triệu USD, chiếm 14,7% tổng vốn đầu tư. Với 1 dự án có vốn đầu tư Việt Nam là 35,9 triệu USD, Slovakia xếp thứ 3 và chiếm 10% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Campuchia, Cuba, Myanmar. Trong đó, lĩnh vực tài chính ngân hàng dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 105,7 triệu USD, chiếm 29,5% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đứng thứ hai với 68,4 triệu USD và chiếm 19,1% tổng vốn đầu tư; công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ 3 với 50,9 triệu USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư. Còn lại là các dự án thuộc các lĩnh vực khác.

Nhìn lại hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong gần 3 thập kỷ qua cho thấy, về tổng thể, hoạt động đầu tư ra nước ngoài giúp Việt Nam tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế; Các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đã mang lại doanh thu ngoại tệ cho đất nước và nâng cao vị thế hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế… Các DN Việt Nam cũng có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại nước ngoài trong bối cảnh thị trường trong nước bão hòa và tránh những hàng rào bảo hộ thương mại của nước nhận đầu tư.

Dự báo, xu thế đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Do vậy, trong thời gian tới, các cơ quan cần tăng cường cải cách thủ tục hành chính đối với đầu tư ra nước ngoài theo hướng đơn giản thuận tiện, tăng quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm của chủ đầu tư. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường công tác hỗ trợ, tư vấn và cung cấp thông tin hữu tích về hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cho các DN.

Đồng thời, tăng cường hợp tác chặt chẽ với Chính phủ nước sở tại trong việc trao đổi thông tin, xây dựng cơ chế chính sách, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, ổn định. Tiếp xúc định kỳ và không định kỳ giữa Chính phủ - các doanh nhân, DN Việt Nam - các đại sứ quán, lãnh sự quán, thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài nhằm nắm bắt và xử lý nhanh, kịp thời, hiệu quả hơn các nhu cầu, vấn đề bức xúc đặt ra trong quá trình hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DN…