Đầu tư ra nước ngoài - khẳng định sự lớn mạnh của nền kinh tế

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Trao đổi về xu hướng đầu tư ra nước ngoài, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đức Thụ cho rằng, xu hướng này không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường mà còn tạo thêm cơ hội tiếp cận với khoa học công nghệ, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Dòng vốn đầu tư ra nước ngoài cũng khẳng định sự lớn mạnh của nền kinh tế nước ta.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Khẳng định sự lớn mạnh của nền kinh tế

Ông đánh giá thế nào về hoạt động đầu tư ra nước ngoài của nước ta trong thời gian qua?

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã vươn ra thị trường ở nước ngoài để đầu tư. Qua theo dõi, tôi thấy, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của nước ta gần đây tăng trưởng nhanh ở các thị trường truyền thống, cũng như ở các quốc gia tại châu Mỹ Latinh, châu Phi, châu Âu. Lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài cũng đa dạng, không chỉ tập trung ở những ngành, lĩnh vực mà nước ta có thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp mà sang cả dịch vụ tài chính - ngân hàng, dịch vụ viễn thông…

Có thể khẳng định, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của nước ta so với trước kia có rất nhiều khởi sắc, quy mô tăng lên, lĩnh vực đầu tư và địa bàn cũng được mở rộng. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài đang ngày càng khẳng định sự lớn mạnh của nền kinh tế Việt Nam, góp phần giữ vững quan hệ chính trị, đối ngoại với các nước bạn bè truyền thống.

Nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết, hoạt động đầu tư ra nước ngoài còn gặp khá nhiều rủi ro. Theo ông đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Rủi ro là điều tất yếu trong hoạt động kinh doanh. Mức độ rủi ro nhiều hay ít, trước hết phụ thuộc vào năng lực của chủ đầu tư. Năng lực ở đây không chỉ là năng lực tài chính, năng lực quản trị doanh nghiệp, mà còn là năng lực về dự báo thị trường ở nước sở tại trong tương lai. Thực tế cho thấy, có nhiều khoản đầu tư vốn lớn, thời gian thu hồi lâu, nên nếu dự báo không đúng, không sát với thực tế, tìm hiểu môi trường đầu tư không kỹ, thì rất dễ xảy ra rủi ro.

Thứ hai là, tiềm năng khiêm tốn của các doanh nghiệp trong nước. Với số vốn hoạt động ít, khả năng tiếp cận nguồn vốn còn hạn chế, trình độ thấp, khả năng kinh nghiệm hoạt động trong môi trường kinh doanh quốc tế bị hạn chế, thương hiệu công ty, thương hiệu sản phẩm, dịch vụ chưa vững chắc… nên doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh với các nhà đầu tư các nước khác trong đấu thầu, thực hiện liên doanh, liên kết ở nước tiếp nhận vốn đầu tư.

Thứ ba là, sự thay đổi chính sách của các nước sở tại về thu hút đầu tư, chính sách thuế... cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp.

Lựa chọn ngành thế mạnh để đầu tư ra nước ngoài

Với xu hướng hội nhập hiện nay, chúng ta cần tập trung đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên nào để đạt hiệu quả cao nhất?

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta trong những năm gần đây được tiến hành nhanh. Bởi từ quá trình này, những lợi thế của nền kinh tế, của doanh nghiệp mới có cơ hội được phát huy đến mức tối đa. Đầu tư ra nước ngoài là cách để doanh nghiệp tham gia vào kinh tế thế giới, nhất là chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhưng dù đầu tư ra nước ngoài vì mục đích nào, thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ phải tính đến hiệu quả, lợi nhuận thu được từ lượng vốn bỏ ra. Vì thế, cần sự định hướng của Chính phủ và các bộ, ngành để doanh nghiệp lựa chọn đúng ngành nghề đầu tư.

Đó có thể là những ngành chúng ta có lợi thế như sản xuất điện năng, khai thác tài nguyên thiên nhiên... hay các dự án đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng được các yêu cầu trong nước về nguyên liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ.

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác đầu tư ra nước ngoài, đâu là giải pháp căn bản trong thời gian tới, thưa ông?

Như đã nói ở trên, một yếu tố ảnh hưởng lớn đến sự thành công của đầu tư ra nước ngoài là sự tuân thủ pháp luật của các nước sở tại. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần chú ý đến việc cung cấp thông tin về môi trường, cơ hội đầu tư nước sở tại, bảo hộ quyền lợi của doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong quá trình kinh doanh ở nước ngoài. Doanh nghiệp cũng nên được tăng quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm của mình.

Bên cạnh đó, để đầu tư vào địa bàn, ngành nghề hay những lĩnh vực cần thiết và có hiệu quả theo đúng định hướng của Nhà nước, các bộ, ngành cần phải rà soát lại các quy trình, thủ tục hành chính với đầu tư ra nước ngoài, để bảo đảm sự đồng bộ về mặt chính sách, tạo thuận lợi cho hoạt động này.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư ra nước ngoài của nước ta hiện nay tập trung chủ yếu tại một số thị trường truyền thống như Lào, Campuchia... Ngoài ra, còn có một số thị trường khác như: Liên bang Nga, với tổng vốn đầu tư là 968 triệu USD; Venezuela với tổng vốn đầu tư là 1,8 tỷ USD; Peru với tổng vốn đầu tư là 1,3 tỷ USD...