Đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam sau khủng hoảng tài chính toàn cầu

PGS, TS. Phạm Thị Thanh Bình - Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới

(Tài chính) Trong khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, kinh tế Mỹ bị thách thức bởi thâm hụt lớn tài khoản vãng lai, tỷ lệ tiết kiệm giảm và mất cân bằng nghiêm trọng trong lĩnh vực tài chính. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều tập đoàn, công ty lớn của Mỹ tiếp tục tăng cường đầu tư vào Việt Nam.

Dù ảnh hưởng của khủng hoảng song vẫn có nhiều tập đoàn, công ty lớn của Mỹ tiếp tục tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Nguồn: internet
Dù ảnh hưởng của khủng hoảng song vẫn có nhiều tập đoàn, công ty lớn của Mỹ tiếp tục tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Nguồn: internet

Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP danh nghĩa đạt 15.100 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 48.328 USD (năm 2012), với tổng giá trị thương mại lên đến 3.700 tỷ USD (năm 2011).

Thực trạng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam

Năm 2009, Mỹ nằm trong top nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 9,8 tỷ USD. Trong 4 tháng đầu năm 2010, Mỹ dẫn đầu về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với số vốn lên tới hơn 3,8 tỷ USD, chiếm trên 50% tổng vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam.

Tính chung cả năm 2010, FDI của Mỹ ở Việt Nam đạt tổng giá trị 10 tỷ USD. Hiện có 25 trong Top 500 công ty hàng đầu của Mỹ có kế hoạch đầu tư vào những dự án lớn của Việt Nam, trong đó có Intel, Chevron… Dự án xây dựng nhà máy kiểm định chip của Intel tại TP. Hồ Chí Minh đang là dự án lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam.

Làn sóng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam có thể chia ra thành những giai đoạn sau:

Làn sóng đầu tư đầu tiên (3/1994 - 12/2001): Trước khi Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Mỹ (BTA) được ký kết. Thời kỳ này, hàng loạt các công ty đa quốc gia đã đến Việt Nam để đặt nền tảng cho cơ hội phát triển dài hạn như Pepsico, Coca-Cola, Cargil, 3M, P&G, Kimberly-Clark... Các công ty đã đặt nhà máy và bán sản phẩm tại Việt Nam. Lĩnh vực thu hút được nhiều vốn đầu tư của Mỹ là công nghiệp với 82 dự án (tương đương 63,6% các dự án của Mỹ đầu tư vào Việt Nam) và 620 triệu USD (tương đương 58,6% tổng vốn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam). Tiếp đến là ngành dịch vụ (31 dự án với gần 300 triệu USD). Và cuối cùng là lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp với 16 dự án và gần 143 triệu USD. Trong lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp nặng và công nghiệp dầu khí là 2 ngành thu hút được số vốn nhiều nhất. Điều này chứng tỏ các nhà đầu tư Mỹ có xu hướng đầu tư vào các ngành liên quan đến năng lượng, có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế (ngành dầu khí) cũng như những ngành có nhiều lợi thế về kỹ thuật và công nghệ để có thể tận dụng chi phí nhân công rẻ, làm hạ giá thành, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản phẩm.

Làn sóng đầu tư thứ hai (2001-2007): Khi Việt Nam và Mỹ phát triển các mối quan hệ thương mại song phương. Thuế giảm xuống còn 3% (từ mức 45%). Dòng vốn FDI tăng trưởng mạnh trong các lĩnh vực mà Việt Nam có hàng xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt là các lĩnh vực thâm dụng lao động như may mặc, giày dép, chế biến gỗ và hàng nội thất. Dòng vốn FDI đổ vào 3 lĩnh vực này chủ yếu là từ "các nhà máy đối tác" đặt tại Hàn Quốc, Hồng Kong, Đài Loan và Singapore. Các công ty Mỹ đã tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng với việc mua và phân phối sản phẩm vào thị trường Mỹ, góp phần đưa thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ tăng từ mức 1,5 tỷ USD (năm 2001) lên 24,9 tỷ USD (năm 2012).

Làn sóng đầu tư thứ ba (1/2007 - 2012): Khi Việt Nam trở thành thành viên WTO. Tập đoàn công nghệ Intel (Mỹ) đầu tư 1 tỷ USD vào nhà máy đặt tại khu công nghệ cao tại TP. Hồ Chí Minh, đánh dấu bước chuyển biến dòng vốn đầu tư từ Mỹ với nguồn vốn đầu tư tập trung vào các lĩnh vực sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại. Năm 2011, Mỹ đứng thứ 7 trong số gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư đã đăng ký đạt 13,24 tỷ USD, chưa kể một số công ty Mỹ đầu tư tại Việt Nam thông qua các nước và vùng lãnh thổ thứ ba. Các khoản đầu tư này đã góp phần thúc đẩy mức tăng trưởng thương mại song phương đạt 22 tỷ USD (năm 2011).

Năm 2012, Procter & Gamble (P&G) - một công ty có tên tuổi khác của Mỹ cũng đã đầu tư thêm 80 triệu USD để khởi công mở rộng nhà máy Pampers Baby Care tại Bình Dương. Theo nhận định của ông Emre Olcer - Tổng giám đốc P&G, Việt Nam là một trong những thị trường ưu tiên đầu tư của P&G. Đến nay vốn đầu tư của P&G vào Việt Nam đã tăng gấp 3 lần, đạt trên 200 triệu USD trong năm 2012 và sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Làn sóng đầu tư thứ tư (bắt đầu từ năm 2013): khi các công ty nhượng quyền thương mại của Mỹ đã bắt đầu hiện diện tại Việt Nam: KFC, Subway, Burger King, Coffee Bean & Tea Leaf, Pizza Hut, Pizza Domino... Nhiều công ty đầu tư Mỹ đã rót dòng vốn gián tiếp vào Việt Nam. Ví dụ KKR đã đầu tư 359 triệu USD vào Masan và Texas Pacific Group đầu tư 50 triệu USD vào Masan Agriculture nhằm nắm bắt cơ hội tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Dự báo, sẽ còn nhiều đợt sóng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam sau khi TPP và kế hoạch hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN (năm 2015) hình thành vì sẽ có thêm nhiều cơ hội được tạo ra. Việc 21 tập đoàn hàng đầu, là thành viên của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN đang có mặt tại Việt Nam (năm 2012) để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư là một minh chứng cho làn sóng đầu tư đó.

Trong số 21 tập đoàn hàng đầu Mỹ vừa đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư năm 2012, có nhiều tên tuổi lớn như Chevron, Coca-Cola, Caterpillar, General Electric (GE). Tháng 7/2012, GE đã ký với Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia hợp đồng cung cấp thiết bị cho đường dây 500KV Pleiku (Gia Lai) - Phú Lâm (TP. Hồ Chí Minh) dài 500 km với số tiền 16,5 triệu USD. Đây sẽ là làn sóng đầu tư mới khi mà nhiều tên tuổi lớn đang và sẽ đổ vốn vào Việt Nam để mở rộng kinh doanh. GE đang có tham vọng mở rộng hoạt động tại Việt Nam sang các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và y tế.

Để mở rộng nhà máy sản xuất tuốc bin điện gió ở Hải Phòng, GE đã tăng vốn đầu tư lên gấp đôi so với mức đầu tư hiện tại, khoảng 61 triệu USD (3-2012) trong giai đoạn 2012 - 2013. Hiện tại, nhà máy của Tập đoàn GE tại Hải Phòng đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 600 lao động. Khi kế hoạch mở rộng đầu tư được triển khai, nhà máy này sẽ tăng nhu cầu lên khoảng 1.000 công nhân.

Tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Mỹ vào Việt Nam đạt 10,5 tỷ USD (5/2013), đứng thứ 7 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 658 dự án. Nhiều công ty của Mỹ đang kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có những công ty lớn, đầu tư lâu dài, ổn định. Một số công ty, tập đoàn lớn của Mỹ như Tập đoàn Coca Cola, Procter & Gamble, Unocal, Conoco… đầu tư vào Việt Nam thông qua các chi nhánh, công ty con của Mỹ đăng ký tại một số nước khác như British Virgin Island, Singapore, Hồng Kông...

Các công ty và tập đoàn này đầu tư khá lớn tại Việt Nam nhưng chưa được tính trong con số thống kê đầu tư của Mỹ tại Việt Nam. Nếu tính cả nguồn vốn đầu tư qua nước thứ 3 thì Mỹ sẽ là nhà đầu tư dẫn đầu tại Việt Nam. Nhiều công ty, tập đoàn lớn của Mỹ đã có mặt tại Việt Nam như Starwood Hotels & Resorts, Citigruop & American Group, New York & Company, Alfonso DeMatteis, Dickerson Knight Group, AIA và đã khẳng định được chỗ đứng của mình tại thị trường Việt Nam. Đây là minh chứng tốt nhất về thành công của nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam, thuyết phục các nhà đầu tư Mỹ đến Việt Nam.

FDI của Mỹ tập trung vào lĩnh vực vốn, ngành nghề kỹ năng chuyên sâu. Các nhà đầu tư Mỹ có xu hướng đầu tư theo hình thức 100% vốn là chủ yếu, tiếp đến là hình thức liên doanh và cuối cùng là hình thức đầu tư Hợp đồng hợp tác kinh doanh và không có bất kỳ dự án nào theo hình thức BOT. Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) có thể sẽ mở đường cho sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Mỹ vào Việt Nam.

Hình thức PPP thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư từ quốc gia có trình độ phát triển hàng đầu thế giới. Sự hấp dẫn của hình thức PPP đối với các nhà đầu tư Mỹ một phần do Mỹ đang quan tâm đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng của Việt Nam. Đa số các dự án đầu tư của Mỹ vào Việt Nam tập trung ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh - những nơi có kết cấu hạ tầng và dịch vụ tốt nhất. Bên cạnh đó, các dự án cũng tập trung nhiều ở các khu công nghiệp như khu công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai, Hải Dương. TP. Hồ Chí Minh chiếm tới 40% FDI của Mỹ vào Việt Nam trong các ngành phi dầu mỏ.

Mỹ là nơi tập trung nhiều tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs), có thế mạnh về tài chính và công nghệ hiện đại, mạng lưới thị trường quốc tế và kỹ năng quản trị kinh doanh tốt. Các thế mạnh của Mỹ một khi được kết hợp với các lợi thế của Việt Nam sẽ mang lại lợi ích to lớn và thiết thực cho cả đôi bên. Việt Nam chủ trương hướng mạnh vào việc tiếp cận và thu hút đầu tư từ các TNCs của Mỹ theo hai hướng: 1) thực hiện những dự án lớn, công nghệ cao hướng vào xuất khẩu; 2) tạo điều kiện để một số TNCs xây dựng các trung tâm nghiên cứu, phát triển vườn ươm công nghệ gắn với đào tạo nguồn nhân lực.

Đánh giá đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam mà không tính đến khoản đầu tư qua nước thứ 3 là chưa đầy đủ. Bởi các công ty Mỹ đầu tư vào Việt Nam chủ yếu thông qua các công ty con của họ đặt tại Singapore hoặc Hồng Kông vì một số lý do: 1) lý do quan trọng là luật thuế Mỹ khuyến khích các công ty Mỹ đầu tư từ các công ty con ở nước ngoài; 2) việc quản lý và điều hành thông qua một chi nhánh khu vực sẽ thuận lợi hơn.... Những thương hiệu quen thuộc của Mỹ như Coca Cola hay Procter & Gamble (đầu tư từ Singapore) và Exonmobil (đầu tư từ Hồng Kông) vào Việt Nam sẽ rất tiện lợi. Thống kê cho thấy, lượng vốn đầu tư của các công ty Mỹ theo hình thức này cao hơn nhiều so với đầu tư trực tiếp từ chính quốc.

Quỹ đầu tư hàng đầu thế giới Warburg Pincus (Mỹ) đã quyết định chi ra 200 triệu USD (5/2013) để đầu tư vào tập đoàn lĩnh vực bán lẻ Vingroup. Đây là tín hiệu cho thấy Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế. Đây là khoản đầu tư đầu tiên của Warburg Pincus vào một công ty tại Việt Nam và là khoản đầu tư lần đầu lớn nhất từ trước đến nay của một quỹ đầu tư toàn cầu vào một công ty tại Việt Nam.

Khoản đầu tư của Warburg Pincus sẽ giúp quỹ đầu tư Mỹ theo sát đối thủ KKR (Kohlberg Kravis Roberts - một quỹ đầu tư khác của Mỹ), vốn đã tăng gấp đôi cổ phần sở hữu trong một nhà máy nước chấm của Việt Nam đầu năm 2013. Quỹ đầu tư KKR đã đầu tư thêm 200 triệu USD vào tập đoàn Masan Consumer, nâng tổng số tiền đầu tư vào tập đoàn Việt Nam lên 395 triệu USD (1/2013).

Nguồn vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam có đặc điểm khác biệt so với nhà đầu tư từ các quốc gia khác. Bên cạnh những lĩnh vực đầu tư đang được quan tâm hiện nay như bất động sản, phân phối hàng hóa, logistics, giáo dục... nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đến các dự án về kết cấu hạ tầng. Có thể kể đến là Tập đoàn GE đã thực hiện thành công vai trò nhà thầu cung cấp thiết bị và hỗ trợ thu xếp vốn cho khu điện gió đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bạc Liêu, do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý làm chủ đầu tư. GE đã cung cấp 10 tuốc bin gió với tổng công suất 16 MW, đồng thời hỗ trợ vận hành và bảo trì thiết bị cho giai đoạn I. Tập đoàn đã tiếp tục đầu tư vào các dự án điện gió khác tại các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh. Đó là các dự án nằm trong Chương trình Phát triển điện gió Đồng bằng sông Cửu Long đã được Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ (US EXIM) ký cam kết thỏa thuận hợp tác tài trợ, với hạn mức 1 tỷ USD. Không chỉ đơn thuần là hoạt động đầu tư sinh lời, việc cung ứng thiết bị, cung ứng vốn cho dự án điện gió là hoạt động cụ thể đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á cho chính sách phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và chống biến đổi khí hậu được Mỹ đề xuất.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Victoria Kwakwa nhấn mạnh, các nhà đầu tư Mỹ coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn không phải bởi các con số tăng trưởng, mà bởi Việt Nam đang tiến hành sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh và ban hành nghị định, thông tư liên quan để tạo cơ sở pháp lý cho phương thức đầu tư hợp tác công tư (PPP), đầu tư xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT). Các ngành nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển, mở ra triển vọng đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, Việt Nam đã thực hiện những cải cách quan trọng để loại bỏ những hạn chế về cơ cấu nền kinh tế, góp phần phục hồi nhanh khả năng cạnh tranh.

Lượng vốn đăng ký của các nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2013 đạt hơn 10,5 tỷ USD, đứng thứ 7 trong các nước và vùng lãnh thổ có vốn FDI vào Việt Nam. Mỹ là một trong tám thành viên câu lạc bộ có lượng vốn FDI đạt từ 10 tỷ USD trở lên. Với lợi thế nguồn vốn lớn, có kỹ thuật, công nghệ hiện đại, có lượng Việt kiều đông đảo, quan hệ thương mại quy mô lớn… kỳ vọng lượng vốn FDI từ Mỹ sẽ tăng và đạt quy mô lớn hơn.

Các doanh nghiệp đến từ Mỹ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam, đặc biệt ở những lĩnh vực được cho là hứa hẹn như bán lẻ, công nghệ thông tin và hàng hóa tiêu dùng… Không chỉ lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng, đồ ăn nhanh, mà ngay cả trong những lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, máy tính... các tập đoàn đến từ Mỹ như Intel, IBM cũng đã gặt hái nhiều thành công và ghi dấu ấn tại thị trường Việt Nam. Trước đó, nhiều định chế tài chính lớn của Mỹ như CitiBank, JP Morgan Chase, Well Fargo và Far East National Bank cũng đã đặt chân vào Việt Nam tạo tiền đề cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ Mỹ vào Việt Nam. Lý do khiến các nhà đầu tư Mỹ quan tâm đến Việt Nam là:

Thứ nhất, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng, thị trường Việt Nam thân thiện đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài;

Thứ hai, quan trọng hơn, Chính phủ Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi và các doanh nghiệp Việt Nam rất thiện chí hợp tác;

Thứ ba, người Việt Nam ham học hỏi và chăm chỉ, cần cù, chi phí nhân công rẻ và lao động ngày càng được nâng cao về chất lượng, dân số đông với mức thu nhập đang dần được cải thiện;

Thứ tư, tình kinh tế xã hội ổn định. Đây là tín hiệu tốt để giảm thiểu thất nghiệp, góp phần vào sự ổn định xã hội. Đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam trong dài hạn rất khả quan.

Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư Mỹ, Việt Nam tiếp tục cải thiện tình hình kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, điều chỉnh các chính sách thích hợp liên quan đến đầu tư và kinh doanh, tăng cường các hoạt động thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam tại Mỹ, triển khai kế hoạch hành động nhằm hỗ trợ các cơ hội đầu tư và thương mại tại Việt Nam, cũng như tổ chức các diễn đàn để các nhà kinh doanh hai nước trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác và các cơ hội hợp tác.

Một số vấn đề hạn chế và triển vọng

Một số những hạn chế

Ngoài những nhân tố được cho là có sức hút với đầu tư Mỹ như tình hình chính trị ổn định, giá nhân công rẻ và ngày càng được nâng cao về chất lượng, dân số đông với mức thu nhập đang dần cải thiện… thì với những đặc thù riêng, nhà đầu tư Mỹ còn có những mối quan tâm đặc biệt tới thị trường Việt Nam. Sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Mỹ nói riêng, các nhà đầu tư nước ngoài nói chung có thể không còn được như hiện nay nếu Việt Nam không nhanh chóng khắc phục những “nút thắt” cổ chai của nền kinh tế. Trong 5 năm (2008 - 2013), quan hệ đầu tư Việt Nam - Mỹ đã được cải thiện đáng kể, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng hai nước vì những lý do:

Thứ nhất, sự yếu kém về thể chế, kết cấu hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực. Công nghiệp và khoa học công nghệ kém phát triển, rời rạc, nhất là ngành công nghiệp phụ trợ. Các ngành công nghiệp phụ trợ chỉ mới sản xuất và cung cấp những sản phẩm có hàm lượng công nghệ thấp, chỉ chiếm 20% giá trị sản phẩm. Nguyên nhân do các nhà quản lý chưa quan tâm đến việc kết nối các ngành công nghiệp với nhau để tạo nên sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn;

Thứ hai, rào cản thứ hai là thuế thu nhập doanh nghiệp còn cao hơn nhiều so với bình quân trong khu vực. Sở dĩ cao như vậy là do gánh nặng thu ngân sách để chi tiêu cho quốc gia. Để hạ mức thuế này tương đương với các nước trong khu vực. Chính phủ Việt Nam cần ưu tiên kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, vì đây là ngành Việt Nam có thế mạnh. Từ đó sẽ tích lũy được nguồn tài chính. Có được nền tảng vững chắc, Việt Nam sẽ phát triển được các ngành chế tạo, chế biến phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa;

Thứ ba, những bất ổn kinh tế vĩ mô như lạm phát cao, tăng trưởng sụt giảm đang ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thậm chí có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài chuyển hướng sang các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Thái Lan, Philippines và mới đây là Myanmar. Bởi ưu tiên số một của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn là lợi nhuận;

Thứ tư, sự thiếu hụt về công nghiệp hỗ trợ cũng là một trở ngại lớn trên con đường chinh phục các nhà đầu tư nước ngoài. Do các ngành công nghiệp hỗ trợ còn non kém, chưa phát triển nên doanh nghiệp FDI phải nhập khẩu phần lớn linh kiện, bộ phận và các sản phẩm trung gian khác, làm tăng giá thành sản phẩm. Ví dụ như sản phẩm nhựa rất quan trọng trong các ngành công nghiệp hỗ trợ nhưng Việt Nam chưa sản xuất được;

Thứ năm, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tiềm lực hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu liên doanh với đối tác nước ngoài. Công ty nước ngoài đối phó bằng cách lập các doanh nghiệp 100% vốn của mình nhưng có nhiều lĩnh vực họ muốn hình thức liên doanh để dễ thâm nhập thị trường nội địa. Còn đối với Việt Nam, việc liên doanh có lợi cho việc tiếp thu công nghệ và tri thức kinh doanh hơn là hình thức 100% vốn nước ngoài.

Tỷ lệ doanh nghiệp phàn nàn về tình trạng tham nhũng ở Việt Nam chiếm khá cao (77%), tiếp đến là hệ thống văn bản pháp luật (59%) và kết cấu hạ tầng (57%). Tuy nhiên, Việt Nam cũng được đánh giá cao về chi phí thấp, độ an toàn và sự ổn định chính trị. Theo ông Fred Burke - thành viên ban lãnh đạo AmCham - bốn yếu tố làm hạn chế tăng trưởng nội địa và thu hút đầu tư của nền kinh tế Việt Nam: Một là, Việt Nam chưa thực hiện mạnh mẽ các cam kết WTO trong lĩnh vực đầu tư và dịch vụ, khiến Việt Nam khó được hưởng lợi từ hiệu quả của các ngành chủ chốt đem lại; Hai là, sự hợp tác chính phủ - doanh nghiệp vẫn còn rời rạc trong nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tăng khả năng cạnh tranh và khả năng thích ứng với môi trường WTO cho cả doanh nghiệp nhà nước lẫn các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Ba là, sự yếu kém về kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng và giao thông đã góp phần làm cho các nhà đầu tư FDI nản lòng; Bốn là, sự thiếu hụt lao động có tay nghề cao đã làm cho các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc gia tăng chuỗi giá trị, ngay cả khi họ phải tăng thêm chi phí cho lao động.

Khi Việt Nam nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của mình, giải quyết những vấn đề tồn tại trên sẽ thúc đẩy mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước, sẽ có thêm nhiều công ty Hoa Kỳ đến Việt Nam đầu tư.

Triển vọng

Do sự bất ổn định trong quan hệ giữa Mỹ và EU, các doanh nghiệp Mỹ đang ngày càng hướng sang khu vực ASEAN, trong đó Việt Nam được đặc biệt chú ý. Theo kết quả khảo sát triển vọng kinh doanh ASEAN 2012-2013 (2012-2013 ASEAN Business Outlook Survey), trong số 350 nhà điều hành cấp cao của các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động, có đến 57% doanh nghiệp lựa chọn Việt Nam để mở rộng sản xuất kinh doanh, vượt xa nước xếp thứ 2 là Thái Lan (11%); Singapore (8%); Philippines (7%); Indonesia và Myanmar cùng (6%); Campuchia và Malaysia (2%); Lào (1% ): không có doanh nghiệp nào chọn Brunei.

Sự đánh giá cao của doanh nghiệp Mỹ đối với triển vọng đầu tư ở Việt Nam đã mở ra triển vọng phát triển cho quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước. Đây là cơ hội các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm giữ, khai thác hiệu quả dòng vốn đầu tư từ Mỹ.

Các nhà đầu tư Mỹ cũng đánh giá tích cực nền kinh tế Việt Nam trong nhiều vấn đề khác. Đánh giá triển vọng cơ hội đầu tư vào Việt Nam, cuộc khảo sát cho kết quả 49% đánh giá “rất tích cực”, 41% đánh giá “tích cực” và không có doanh nghiệp nào lựa chọn “tiêu cực” hay “rất tiêu cực”. Theo The Wall Street Journal, giới đầu tư Mỹ đang có nhiều cơ hội phát triển tại Việt Nam khi quan hệ giữa hai nước ngày càng tốt hơn.

Cuộc khảo sát “2012-2013 ASEAN Business Outlook Survey” đưa ra kết quả 72% người đánh giá cao sự bảo đảm an toàn cá nhân và 62% tin tưởng sự ổn định của hệ thống chính trị tại Việt Nam. Hiện Mỹ và Việt Nam có một cơ chế chung thúc đẩy thương mại đầu tư là Hội đồng tư vấn Việt Mỹ. Bên cạnh chức năng tư vấn chính sách, Hội đồng tư vấn Việt Mỹ còn là điểm đến để các nhà đầu tư Mỹ thảo luận với các đối tác Việt Nam các kế hoạch làm ăn một cách “cơ bản” và “có hệ thống” nhất. Chính tại các cuộc thương thảo thông qua cầu nối này, các nhà đầu tư đã đề xuất 10 dự án trong hầu hết các lĩnh vực quan trọng như dầu khí, điện, hàng không và công nghệ thông tin trong năm 2013.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, những động thái tìm kiếm, thăm dò thị trường, tiếp tục rót vốn, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang còn nhiều khó khăn cho thấy niềm tin và sự kỳ vọng của các nhà đầu tư Mỹ vào thị trường mới nổi Việt Nam. Đặc biệt, việc sửa đổi Hiệp định Vận tải hàng không giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mỹ mới chính thức được ký kết sẽ không chỉ tạo cơ sở pháp lý, mở ra thêm các cơ hội tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng không dân dụng giữa hai nước, mà còn góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Mỹ cũng như thu hút nhiều nhà đầu tư đến từ Mỹ trong thời gian tới.

Trong bảng xếp hạng được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế lớn thứ 42 trên thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tương đương 322 tỷ USD, đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Singapore). Theo WB, môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam tương đối ổn định, dự trữ ngoại hối được cải thiện. Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 5,3% (năm 2013) và tăng lên 5,4% (năm 2014).

Việc Việt Nam, Mỹ cùng 9 quốc gia khác (mới đây nhất có thêm Nhật Bản) tham gia đàm phán TPP được coi là động lực lớn, góp phần cải thiện sức cạnh tranh cũng như thúc đẩy trao đổi thương mại đầu tư không chỉ giữa Việt Nam với Mỹ, mà cả với 10 nước tham gia TPP khi thuế suất nhiều mặt hàng xuất khẩu trong các nước thành viên sẽ bằng 0. Tham gia TPP, tương tự như gia nhập WTO, sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam thu hút dòng vốn FDI nhiều hơn từ Mỹ và các quốc gia khác. Đầu tư của Mỹ vào Việt Nam sẽ diễn ra trên tất cả các lĩnh vực.

Tuy nhiên, Mỹ sẽ tập trung nhiều hơn vào các ngành dịch vụ, sản xuất và những ngành có thể đem đến cơ hội xuất khẩu nói chung. Dòng vốn FDI thực chảy vào nền kinh tế sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng thực hiện những cam kết TPP của Việt Nam./.