Đầu tư trực tiếp nước ngoài thời Covid 19: Khó khăn mang tính thời điểm


Dịch Covid-19 bùng phát bắt đầu từ Trung Quốc giờ đây đã lan rộng ra khắp toàn cầu, bao gồm cả những quốc gia hiện nay đang là những nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Dịch bệnh Covid-19 đang tác động đến FDI trong 3 tháng đầu năm. Tuy nhiên, có thể thấy, đây chỉ là những khó khăn mang tính thời điểm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vốn FDI giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2020 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tổng vốn FDI vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,6 tỷ USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, có 758 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 5,5 tỷ USD, giảm 3,4% về số dự án và tăng 44,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 236 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 1,1 tỷ USD, giảm 18%.

Bên cạnh đó, trong quý I/2020 cũng chứng kiến 2.523 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 2 tỷ USD, giảm 65,6%, bao gồm: 455 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 0,71 tỷ USD và 2.068 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,25 tỷ USD.

Như vậy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I/2020 ước tính đạt 3,9 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ là vấn đề mang tính thời điểm

Thực tế cho thấy, hiện nay, các lệnh hạn chế đi lại khiến nhà đầu tư buộc phải hủy chuyến công tác tới Việt Nam, kéo theo phải trì hoãn việc ra quyết định hoạt động đầu tư. Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong danh sách các nhà đầu tư thuộc diện “trì hoãn” thời gian qua có tên cả các đại gia sừng sỏ như Apple, ExxonMobil. Rõ ràng, danh sách chắc chắn không dừng lại ở đó, bởi trong hơn 1 tháng qua, gần như không có bất cứ đoàn doanh nghiệp nước ngoài nào tới tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các địa phương…

Việt Nam hiện là một trong số ít quốc gia đang kiểm soát dịch khá tốt, Chính điều này sẽ tạo niềm tin cho các doanh nghiệp FDI vừa muốn tìm kiếm các điểm đến có tình hình chính trị, kinh tế ổn định và dịch bệnh được kiểm soát tốt để không ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của họ.

Điều có thể lạc quan hiện nay theo các chuyên gia kinh tế, việc sụt giảm này chỉ là vấn đề mang tính thời điểm, do tác động chung của dòng đầu tư toàn cầu, chứ không liên quan đến sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam. Bởi theo đánh giá của các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn ở khu vực châu Á sau những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh đầu tư và mở cửa hội nhập của Chính phủ trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng, cần tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp FDI trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Động thái này cùng với việc quyết liệt dập dịch sẽ là cách để Việt Nam quảng bá và xây dựng “thương hiệu Việt Nam” như một điểm đến an toàn cho du lịch và đầu tư, qua đó tạo cơ hội để Việt Nam thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài khi dịch bệnh qua đi.

Theo dự báo của các chuyên gia, hoạt động đầu tư quốc tế đang và sẽ chịu nhiều tác động. Cùng với các rủi ro địa chính trị, môi trường chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu trở nên bất trắc hơn, thúc đẩy tâm lý phòng vệ, co cụm, do đó làm suy yếu động lực đầu tư. Thực tế này có thể khiến cho đầu tư quốc tế từ các quốc gia châu Âu, Mỹ, Trung Quốc đến Việt Nam có thể bị suy giảm.

Điều đáng mừng là hiện nay, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang kiểm soát dịch khá tốt, Chính điều này sẽ tạo niềm tin cho các doanh nghiệp FDI vừa muốn tìm kiếm các điểm đến có tình hình chính trị, kinh tế ổn định và dịch bệnh được kiểm soát tốt để không ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của họ.