Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam theo khuôn khổ hợp tác đầu tư trong ASEAN

TS. Phạm Thái Hà

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức vận hành từ ngày 1/1/2016. Sự kiện này đã đặt Việt Nam trước những cơ hội và thách thức lớn trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trên cơ sở phân tích một số nội dung trong khuôn khổ hợp tác đầu tư trong ASEAN, bài viết đánh giá về thực trạng thu hút FDI từ ASEAN vào Việt Nam trong thời gian qua cũng như các vấn đề đặt ra trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Khuôn khổ hợp tác đầu tư trong ASEAN

Thích ứng với sự cạnh tranh thu hút dòng vốn FDI ngày càng tăng trên thế giới, ASEAN đang nỗ lực thiết lập một môi trường đầu tư thuận lợi hơn trong khu vực. Các quốc gia thành viên ASEAN đã cam kết hướng tới một môi trường đầu tư thông thoáng và minh bạch hơn, với mục tiêu tăng cường các dòng đầu tư và thu hút thêm các nhà đầu tư vào khu vực, góp phần hướng tới sự tăng trưởng kinh tế và phát triển của khu vực. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên một môi trường đầu tư thuận lợi trong khu vực là khuôn khổ hợp tác đầu tư trong ASEAN, được xây dựng trên cơ sở thực hiện tự do hoá và bảo hộ đầu tư.

Hợp tác đầu tư ASEAN trước đây được thực hiện thông qua Hiệp định về Khu vực Đầu tư ASEAN (AIA, năm 1998); Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư ASEAN (ASEAN-IGA, năm 1987). Hiện nay, khuôn khổ hợp tác đầu tư trong ASEAN được thực hiện theo Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (AICA, năm 2009 và có hiệu lực từ năm 2012)

Hiệp định AIA điều chỉnh 5 lĩnh vực là chế tạo, nông nghiệp, thuỷ sản, lâm nghiệp, khai khoáng và khai thác các dịch vụ liên quan. Theo đó, đầu tư được mở cửa và đối xử quốc gia được dành cho tất cả các nhà đầu tư từ giai đoạn tiền thành lập cho đến các giai đoạn sau thành lập.

Hiệp định IGA được ký năm 1987 giữa các nước ASEAN-6 quy định các biện pháp bảo hộ cho các khoản đầu tư được cấp phép của các bên tham gia Hiệp định. Tuy nhiên, vì IGA không có các cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư mà chỉ quy định các bên cần giải quyết trên cơ sở hữu nghị, báo cáo kết quả lên các Bộ trưởng Kinh tế nên tính ràng buộc pháp lý của Hiệp định này chưa cao.

Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) được ký kết ngày 26/2/2009, có hiệu lực từ ngày 29/3/2012, với mục đích thúc đẩy tiến trình xây dựng một khu vực đầu tư tự do, mở cửa, minh bạch và hội nhập trong ASEAN. ACIA tạo ra cơ chế đầu tư cởi mở và tự do trong ASEAN hướng tới mục tiêu hội nhập kinh tế trong AEC.

Tình hình đầu tư FDI từ ASEAN vào Việt Nam

Xu hướng đầu tư nội khối giữa các nước ASEAN trong bối cảnh hình thành AEC ngày càng trở nên rõ nét và quan trọng đối với từng quốc gia thành viên. Đối với Việt Nam, cùng với xuất khẩu, FDI đang là động lực của tăng trưởng kinh tế. Vì thế việc gia tăng đầu tư nội khối giữa các nước ASEAN nói chung và từ ASEAN vào Việt Nam nói riêng có vai trò quan then chốt trong tiến trình thu hút vốn đầu tư, phục vụ cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Điểm nhấn quan trọng nhất trong bức tranh thu hút FDI của Việt Nam năm 2016 là sự gia tăng đầu tư của các nước trong khối ASEAN. Nhờ vào các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và lợi thế cạnh tranh về giá nhân công, gần cảng biển lớn, Việt Nam tiếp tục trở thành công xưởng của khu vực, khi các doanh nghiệp FDI liên tục chuyển dịch nhà máy từ các nước trong khu vực sang Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu đi toàn thế giới.

Hình 1 cho thấy, FDI từ các nước ASEAN vào Việt Nam năm 2016 đã chiếm 45% tổng vốn FDI vào Việt Nam, tăng khoảng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2015 và 2014. Đến năm 2015, có 7 nước ASEAN đầu tư vào Việt Nam với 216 dự án và hơn 6,1 tỷ USD vốn đăng ký, trong đó, 3 nước dẫn đầu là Malaysia (hơn 2,4 tỷ USD), Singapore (hơn 1,2 tỷ USD), và Thái Lan (262 triệu USD). Trong năm 2016, Singapore, Malaysia và Thái Lan tiếp tục giữ vị trí là ba nhà đầu tư lớn nhất của ASEAN vào Việt Nam (Bảng 1).

Dẫn đầu trong khối ASEAN đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2016 là Singapore với 2,41 tỷ USD. Singapore đứng thứ ba trong số các quốc gia đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam, chiếm tỷ trọng 9,9%. Tổng đầu tư của Singapore, Malaysia và Thái Lan vào Việt Nam năm 2016 đạt 4,024 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Về địa bàn đầu tư, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội tiếp tục là hai địa phương thu hút được nhiều dự án đầu tư FDI nhất của cả nước. Trong năm 2016, TP. Hồ Chí Minh có 44 dự án đầu tư mới và 13 dự án đăng ký tăng vốn đầu tư, đạt 163,43 triệu USD, chiếm 12,24% tổng vốn FDI của cả nước. Trong khi đó, Hà Nội có 15 dự án đầu tư mới và 7 dự án đăng ký tăng vốn đầu tư, tổng vốn đầu tư lũy kế đạt 243,51 triệu USD, chiếm 18,24% tổng vốn FDI của cả nước.

Về lĩnh vực đầu tư, sản xuất vẫn giữ vị trí số một trong thu hút FDI vào Việt Nam trong năm 2016. Với lợi thế về chi phí lao động thấp và sự gia tăng dần các ưu đãi thuế quan cho hàng hóa theo quy định của các hiệp định thương mại tự do, cũng như gia tăng liên kết trong AEC, Việt Nam là một quốc gia có lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI vào lĩnh vực sản xuất. Trong năm 2016, lĩnh vực sản xuất thu hút được 58 dự án đầu tư mới và 41 dự án tăng vốn, chiếm 68% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Đặc biệt, lĩnh vực nghệ thuật – giải trí trở thành lĩnh vực thu hút FDI lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 16% tổng vốn FDI.

Với tư cách là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 vào Việt Nam, Singapore đã có trên 1.600 dự án khác nhau hoạt động tại Việt Nam. Trong khi đó, với định hướng trở thành 1 trong 10 quốc gia đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, Thái Lan cũng đang mở rộng các dự án đầu tư vào Việt Nam. Không chỉ trong lĩnh vực bán lẻ, nhiều tập đoàn lớn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thái Lan cũng tập trung mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều lĩnh vực khác như công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, thực phẩm… góp phần tạo nên làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ Thái Lan sang Việt Nam.

 Đối với Malaysia, tính đến hết 2015, Malaysia đã đầu tư vào 18 trên tổng số 21 ngành kinh tế theo hệ thống phân ngành của Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ nhất với 14 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 5,53 tỷ USD (chỉ chiếm 3% tổng số dự án nhưng chiếm tới 51,5% tổng vốn đầu tư); Tiếp theo là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 221 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký đạt xấp xỉ 1,9 tỷ USD (chiếm 46,2% tổng số dự án và 17,7% tổng vốn đầu tư).

Một số vấn đề đặt ra

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn FDI từ các nước ASEAN vào Việt Nam đã đạt được kết quả nhất định nhưng vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng các nước trong khu vực, do vẫn còn tồn tại một số vấn đề sau:

Thứ nhất, FDI của các quốc gia ASEAN vào Việt Nam còn chưa đồng đều. FDI của các nước ASEAN vào Việt Nam tuy đã tăng mạnh trong những năm gần đây nhưng việc thu hút đầu tư từ các nước chưa đồng đều, trong khi Singapore, Malaysia, Thái Lan là ba nước luôn đứng đầu trong đầu tư tại Việt Nam, thì mức độ đầu tư của các quốc gia khác trong ASEAN còn khiêm tốn.

Thứ hai, cấp độ liên kết thấp trong AEC khiến cho hiệu lực các cam kết về tự do di chuyển dòng vốn giữa các nước thành viên đạt mức thấp, do đó, mức độ dịch chuyển vốn nội khối còn hạn chế. Theo các cấp độ liên kết thì AEC đang ở mức liên kết cộng đồng thấp, do thực chất sự liên kết cộng đồng này vẫn chỉ là hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực. Chính phủ các nước mở rộng cửa cho thương mại, đầu tư, lao động di chuyển tự do, mà chưa hình thành các cơ quan, cơ chế, quy tắc ràng buộc pháp lý thống nhất trong toàn khối.

Cụ thể, tại Điều 32 trong cam kết AEC xác định, việc tự do chuyển dịch này phụ thuộc vào lịch trình và sự sẵn sàng của từng thành viên. Điều này cho thấy, các cam kết về tự do chuyển dịch dòng vốn trong AEC yếu và thiếu các điều kiện ràng buộc, so với Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) có cấp độ liên kết cao nhất hiện nay. Do vậy, dịch chuyển vốn trong ASEAN nói chung và dịch chuyển vốn vào Việt Nam nói riêng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Thứ ba, triển vọng thu hút FDI vào Việt Nam từ các nước ASEAN sau khi AEC có hiệu lực còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế Việt Nam. Chỉ tiêu để xác định khả năng hấp thụ FDI của nền kinh tế là mức giải ngân FDI (vốn FDI thực hiện) hàng năm. Năm 2010 là năm đầu tiên mức giải ngân FDI vượt ngưỡng 10 tỷ USD/năm và tăng bình quân gần 20% năm trong 5 năm 2011-2015 vừa qua, khi đạt mức 14,5 tỷ USD vào năm 2015… Mức chênh lệch hơn 100 tỷ USD chưa giải ngân được, giữa vốn FDI đăng ký và thực hiện trong nhiều năm qua đã chứng minh năng lực hấp thụ vốn còn yếu của nền kinh tế, vừa tác động hạn chế các nguồn vốn FDI mới vào Việt Nam, nhất là vốn tăng thêm và mở rộng của các doanh nghiệp FDI hiện có.

Thứ tư, Việt Nam đang phải đối diện với áp lực cạnh tranh lớn từ các quốc gia ASEAN. Cạnh tranh của Việt Nam với các nước trong AEC không chỉ các nền kinh tế ở tốp cuối gồm 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar về chi phí và chất lượng lao động, mà còn đối với các nước còn lại như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philipinnes… khi những ngành có tiềm năng thu hút FDI của Việt Nam cũng là thế mạnh của các nước này như thủy sản, các sản phẩm nông, lâm nghiệp (chế biến thực phẩm, sản phẩm gỗ, cao su...), du lịch, dịch vụ logistics, hệ thống phân phối bán buôn  bán lẻ hàng hóa… Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam theo xếp hạng của WEF thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philipines là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.

Đánh giá về thế mạnh và mức độ sẵn sàng của lao động Việt Nam tham gia AEC cho thấy, có những yếu tố cản trở hoặc làm giảm khả năng thu hút FDI vào Việt Nam khi xét về tiêu chí lao động: Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp; Trình độ chuyên môn kỹ thuật, cùng chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam khá thấp so các nước ASEAN 6; Sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng (nhất là về ngoại ngữ) của lao động Việt Nam để sẵn sàng tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế của đất nước cũng chưa cao.

Ngược lại, một lực lượng lao động có tay nghề cao của Việt Nam, trước hấp dẫn của môi trường lao động ASEAN sẽ dễ dàng di chuyển sang các nước khác trong AEC làm việc, càng làm tăng sự thiếu hụt về lao động tay nghề cao của Việt Nam. Các điểm yếu về lao động Việt Nam nêu trên, vừa là cản trở trong hội nhập, vừa là rào cản lớn trong thu hút FDI, do làm giảm năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

Như vậy, tuy cơ hội mở ra cho Việt Nam trong thu hút FDI từ ASEAN, nhưng do các tác động của cạnh tranh giữa các nước trong nội khối và với ngoài khối, năng lực cạnh tranh của Việt Nam lại thấp so nhiều nước trong khối, khả năng và thực tế đầu tư từ các nước ASEAN vào Việt Nam còn khiêm tốn, cấp độ liên kết AEC ở mức độ thấp, thiếu các điều kiện ràng buộc... nên FDI từ các nước ASEAN vào Việt Nam chưa thể tăng đột biến trong trước mắt. Điều này cho thấy, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh chính là yếu tố quyết định thành tựu thu hút FDI của Việt Nam.    

Tài liệu tham khảo:

1. ASEAN Investment Report, 2016;

2. Ban Thư ký quốc gia ASEAN Việt Nam – Vụ ASEAN – Bộ Ngoại giao http://asean.mofa.gov.vn/thong-tin/13/act_print/ban-in.html;

3. Trịnh Quang Hưng, Đầu tư trực tiếp nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia, Lào và Myanmar những năm gần đây, Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 9(245)2016, trang 70-76;

4. Phan Hữu Thắng, Thu hút FDI từ các nước ASEAN, Báo Nhân dân điện tử, 2016;

5. www.vietnam-briefing.com.