Đầu tư tư nhân tại VN: Bức tranh dần sáng

Lê Mỹ (Diễn đàn Doanh nghiệp).

Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hoạt động rót vốn đầu tư tư nhân ((Private Equity Investment – PE) của các quỹ đầu tư quốc tế vào thị trường VN đã có nhiều thay đổi.

Đầu tư tư nhân tại VN: Bức tranh dần sáng

Vina Capital đạt thành công vang dội khi nâng giá thị trường của khoản đầu tư vào cổ phiếu Halico từ 18,9 triệu USD được ghi nhận trong báo cáo tài chính quý 1/2011 lên 51,6 triệu USD khi bán hết toàn bộ số cổ phần này cho hãng sản xuất và phân phối bia rượu quốc tế Diageo

Bên cạnh các lựa chọn rót vốn trực tiếp, đã có những chuyển động rót vốn gián tiếp thông qua giao dịch mua bán và sáp nhập DN (M&A) nhằm đẩy nhanh hơn tiến trình nắm giữ và thoái vốn đầu tư; cũng như nhà lãnh đạo các quỹ PE đã bắt đầu tham gia sâu hơn vào hoạt động quản trị của DN được rót vốn.

Nhìn từ thương vụ Halico - Diageo

Theo ông Andy Hồ, giám đốc điều hành quỹ Vina Capital trong một số trường hợp, từ việc mua bán cổ phần đầu tư tư nhân (PE), việc chuyển hóa động thái thoái vốn cấu thành một thương vụ M&A chính là sự linh động, rộng mở của M&A tại thị trường VN thời gian qua.

Trả lời riêng câu hỏi của DĐDN về ý tứ này của ông, bên lề một Diễn đàn M&A, ông Andy Hồ dẫn ra ví dụ về trường hợp bán vốn đầu tư tại Halico – Cty CP cồn rượu Hà Nội, như một thương vụ M&A điển hình đã thành công với xuất xứ ban đầu là PE. Trong thương vụ này, Vina Capital đã rót vốn tư nhân vào Halico với tư cách một nhà đầu tư tài chính, chưa có sự can thiệp nhiều vào chiến lược quản trị cũng như khai thác tiềm năng của Halico. Tuy nhiên, Vina Capital hẳn cũng đã nhìn ra tiềm năng của Halico khi quyết định rót vốn đầu tư và sau đó đạt thành công vang dội khi nâng giá thị trường của khoản đầu tư vào cổ phiếu Halico từ 18,9 triệu USD được ghi nhận trong báo cáo tài chính quý 1/2011 lên 51,6 triệu USD khi bán hết toàn bộ số cổ phần này cho hãng sản xuất và phân phối bia rượu quốc tế Diageo. Bản thân Halico lẫn các nhà đầu tư mới chắc chắn cũng hưởng được rất nhiều lợi ích khi Vina Capital thoái vốn: Halico được định giá ở mức “ngất ngưởng” - điều mà các nhà quản trị Halico chưa từng tưởng tượng và hơn thế, được một hãng sản xuất quốc tế cùng ngành danh tiếng góp “tiền lẫn công” vào chiến lược quản trị, phát triển DN trong tương lai. Còn các nhà đầu tư mới thì đạt mục tiêu nắm chi phối một DN chuyên về cồn rượu có thị phần và tiềm năng tốt ở VN, từ đó có thể làm “bàn đạp” chiếm lĩnh thị trường cồn rượu và nước uống có cồn pha chế với dân số 85 triệu là khách hàng tiêu thụ tiềm năng.

Thành công của thương vụ bán cổ phần Halico có thể nói là một điển hình của kỳ vọng rót vốn đầu tư tư nhân của nhà đầu tư quốc tế vào DN VN. Cũng phải nói thêm rằng trên thị trường tài chính VN, Vina Capital là một trong những quỹ đầu tư tầm cỡ, với nhiều quỹ có các đặc trưng đầu tư khác nhau. Tuy nhiên, tại thị trường VN, tổ chức này đã thực thi rót vốn tư nhân ở khá nhiều lĩnh vực và cũng đã gặt hái được nhiều thành công từ hoạt động PE, ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng. Ngoài thương vụ Halico, có thể kể đến các hoạt động PE “kinh điển” như thương vụ bán vốn tại Khách sạn Hilton Opera Hà Nội, tại CTCP cà phê Biên Hòa hay tại Bệnh viện Hoàn Mỹ… với tỉ suất hoàn vốn đầu tư trung bình mỗi thương vụ đạt trên 48%, vượt xa so với tỉ suất hoàn vốn của một khoản PE kỳ vọng là khoảng 30%.

Canh... thoái vốn

Do đặc trưng của mô hình đầu tư PE, mà hoạt động này tại VN vẫn có phần thận trọng. Gần như chỉ những tổ chức đầu tư đã có kinh nghiệm và gắn bó với thị trường VN lâu năm, mới lựa chọn rót vốn tư nhân. Bên cạnh Vina Capital, đó là Mekong Capital, là một phần hoạt động của Dragon Capital… Tuy nhiên, sự thận trọng và chỉ một vài tên tuổi các tổ chức danh tiếng nhảy vào lĩnh vực PE tại VN đã là câu chuyện của quá khứ. Hiện nay, có không ít tổ chức đầu tư mới xuất hiện. Họ chính là “đối tác” để các nhà PE kỳ cựu “canh” thời cơ thoái vốn. Rất nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, thông qua các giao dịch thoái vốn của các quỹ PE đi trước, chọn đây làm thời điểm để thúc đẩy việc đầu tư và nắm giữ cổ phần của các DN VN.

Có lẽ đó là lý do khiến các nhà đầu tư xứ mặt trời mọc đã chiếm lĩnh ngôi vua trong lĩnh vực M&A trên thị trường VN kể từ năm 2011 đến nay. Tính đến hết năm 2011, dòng tiền từ Nhật Bản đổ vào VN qua M&A đạt 596 triệu USD với số lượng 19 thương vụ, dẫn đầu trong top 10 quốc gia thực thi M&A tại VN. Và dự báo xu hướng này vẫn chưa dừng lại.

Dù muốn hay không, loại trừ những yếu tố tiêu cực về tâm lý bị “thâu tóm”, bị “mất thương hiệu Việt” hay phải “nhường thị trường về tay nhà đầu tư ngoại”…, sự nâng đỡ từ hoạt động M&A của các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng, các nhà đầu tư ngoại nói chung là tín hiệu sáng trong một bức tranh đang còn đậm màu u ám của TTCK, thị trường mua bán cổ phần đang thiếu vắng dòng tiền; và hơn nữa là trong một chu kỳ thoái vốn liền kề của hầu hết các quỹ đầu tư, bao gồm các quỹ hoạt động PE.

Thận trọng hay tranh thủ ?

Nói như vậy, nhưng các DN VN vẫn không lạc quan thái quá. Không dễ để bắt được nhịp cầu tìm kiếm vốn đầu tư tư nhân. Sự hạn chế trong tâm lý “bán vốn cho người ngoài” của DN Việt đang khiến nhịp cầu PE thường trở nên lỏng lẻo và mong manh. Ngược lại, các DN có khả năng minh bạch, có tiềm năng về thị trường để đáp ứng được tiêu chí rót vốn của các quỹ PE lại không nhiều. Trong khi đó, sức hấp dẫn của các thị trường lân cận khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… và mới đây nhất là Myanmar cũng khiến các quỹ PE có nhiều cơ hội hơn trong lựa chọn.

Mặt khác, sự hoài nghi và khả năng ổn định của kinh tế VN trong bối cảnh các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang rơi vào khủng hoảng cũng khiến các quỹ PE thận trọng trong quyết định rót vốn đầu tư mới, nhất là khi cánh cửa huy động của họ không dễ dàng rộng mở như trước đây. Khảo sát của Grant Thornton VN quý 2/2012 cho thấy các nhà đầu tư PE đã có quan điểm tích cực đối với thị trường VN, mức độ tích cực tăng lên là gấp đôi so với thời điểm quý 4/2011, đạt 34% so với 17%. Mức độ hấp dẫn đầu tư cũng được cải thiện và đạt hơn 56% do sự gia tăng của các nhận định lạc quan về triển vọng nền kinh tế VN. Đặc biệt 58% ý kiến của các nhà đầu tư cho rằng các “tài sản xấu” có thể trở thành cơ hội đầu tư ở VN, tăng gấp đôi so với khảo sát cách đây một năm. Các lĩnh vực: giáo dục, y tế và dược phẩm, nông nghiệp cùng nhận được 48% ý kiến đánh giá là lĩnh vực hấp dẫn nhất cho PE. Báo cáo từ khảo sát này đồng thời nhận định: Các DNNVV VN đã phải trải qua sự bất ổn của nền kinh tế vĩ mô và rất nhiều DN trong số đó sẽ không thể sống sót mà không có nguồn tài chính bổ sung. Theo đó, một cơ hội đầu tư tư nhân mới và thoái vốn, sang nhượng cổ phần cho các DN cùng ngành sẽ mở ra bức tranh mới cho thị trường. Hi vọng là sáng sủa hơn.

Một nguồn tin riêng của DĐDN cung cấp, tại thị trường VN đã xuất hiện quỹ PE chuyên đầu tư các DN khó khăn vì nợ (Distressed Debt) và đang có nhu cầu khảo sát, tìm kiếm những DN lâm vào nợ nần như Tập đoàn Thái Hòa hay Thủy sản Bình An… để rót vốn. Giá trị một khoản đầu tư (deal size) theo kỳ vọng của quỹ này khoảng từ 1-1,5 triệu USD, với mục đích nắm giữ tỉ lệ sở hữu khoảng 30%. Quỹ PE này tìm kiếm DN ở mọi lĩnh vực, ngoại trừ… bất động sản.

Vì sao các quỹ PE khai thác các tài sản nợ, tìm kiếm những DN khó khăn vì nợ để rót vốn tại VN, lại đưa ra ngoại trừ đối với bất động sản, trong khi với một số quỹ kỳ cựu như Vina Capital, dù đang lên kế hoạch thoái vốn bất động sản, nhưng một mặt khác cũng vẫn tìm kiếm những DN bất động sản niêm yết có giá trị tốt để thúc đẩy đầu tư? Câu hỏi này xin hẹn trong một bài viết khác, cập nhật nhiều hơn những thông tin của các quỹ PE tại VN - vốn không được các tổ chức này thông tin đầy đủ nếu không muốn nói là gần như “giấu kín” – cũng là một động thái khá đặc thù của các quỹ PE kể từ sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008 cho đến nay.

TS Alan Phan - Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa:
Phần lớn nguồn vốn sẽ đến từ Nhật Bản và Đông Âu

Đầu tư tư nhân tại VN: Bức tranh dần sáng - Ảnh 1Hoạt động PE tại VN thời gian qua tuy mạnh, nhưng nếu so sánh với các thị trường lân cận, giá trị dòng tiền vẫn rất nhỏ giọt. Ở một thị trường quy mô chỉ vài chục tỉ USD chắc chắn sẽ không thể so với những thị trường có giá trị giao dịch một ngày gấp vài lần như thế. Khi giá trị giao dịch khiêm tốn thì khả năng bị mắc kẹt lúc thoái vốn lại càng dễ xảy ra và đó là nguyên nhân buộc các quỹ PE cân nhắc khi tham gia thị trường VN.

Theo thông tin tôi được biết, thời gian vừa qua có một số quỹ đầu tư đã tổ chức huy động vốn nhưng bất thành. Vấn đề không phải là việc huy động vốn khó khăn, mà huy động vốn để đầu tư vào đâu, ngành nghề nào… thì không dễ thuyết phục các nhà đầu tư bỏ vốn. Do đó, tôi cho rằng hoạt động PE tại VN thời gian tới vẫn diễn ra chậm. Phần lớn nguồn vốn vẫn sẽ đến từ Nhật Bản và Đông Âu, và trong các lĩnh vực có thể khai thác được thị trường của 85 triệu dân. Do đó, tiêu dùng, các DN kinh doanh hệ thống phân phối và các DN sản xuất sản phẩm nông nghiệp có thể là mục tiêu của các quỹ PE.