Đầu tư vào châu Phi: Tiềm năng lớn, rủi ro nhiều

Theo thoibaonganhang.vn

Nhà đầu tư Việt Nam muốn rót vốn vào khu vực này cần xác định chiến lược kinh doanh dài hạn và nên có đối tác địa phương để giảm chi phí và bớt phiền hà.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Đầu tư của Việt Nam vào châu Phi đã tăng mạnh chỉ trong khoảng 4 năm trở lại đây. Nếu như tính đến tháng 8/2012, Việt Nam mới rót khoảng hơn 700 triệu USD tại 10 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Phi, thì đến nay tổng số vốn lũy kế đã vọt lên tới gần 2,6 tỷ USD, tại 12 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ông Ngô Khải Hoàn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á và Nam Á cho biết, hoạt động đầu tư tại châu Phi hiện nay đang tập trung tại một số tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước như Tập đoàn Viettel đầu tư trong lĩnh vực viễn thông, Tập đoàn Petro Việt Nam đầu tư trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí…

Tuy nhiên điều đáng nói là gần đây các doanh nghiệp tư nhân cũng bắt đầu khai phá thị trường này khi đầu tư vào các lĩnh vực như xây dựng, sản xuất tấm lợp, xe gắn máy, hàng may mặc, điện tử, điện lạnh, đồ uống đóng chai, khai thác và chế biến gỗ, vàng và khoáng sản… tại Angola, Nam Phi, Ghana, Tanzania, Mauritius…

Ông Hoàn đánh giá, châu Phi là thị trường nhiều tiềm năng và khá vừa sức đối với các DN Việt Nam muốn đầu tư ở nước ngoài. Hiện nay, nhiều quốc gia châu Phi được hưởng ưu đãi từ Mỹ (đạo luật AGOA), EU hoặc các nước trong khu vực dành cho nhau để tạo cầu nối mở rộng trao đổi thương mại với các quốc gia khác.

Đồng thời ngay trong nội khối cũng có nhiều liên minh kinh tế khu vực như ECOWAS, UEMOA, CEMAC, SACU, EAC… tạo điều kiện để nhà đầu tư rộng cửa tiến sâu hơn vào thị trường này.

Cũng theo Bộ Công Thương, kinh tế thị trường tự do đã được thiết lập hoàn toàn hoặc một phần tại tất cả các nước châu Phi, 43/55 nước ở châu Phi là thành viên WTO, nhiều nước đang tiến hành gỡ bỏ dần hàng rào phi thuế quan, giảm thuế nhập khẩu, nới lỏng dần kiểm soát đối với vật giá trong nước…

Các nước châu Phi đứng đầu thế giới về tốc độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong những năm gần đây. Khu vực này cũng đang muốn gia tăng hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài qua các chính sách, biện pháp linh hoạt như nới lỏng kiểm soát ngoại hối, giảm thuế và chi phí cho thuê đất, thử nghiệm các hình thức hợp tác mới…

Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, các nước châu Phi đang rất thiếu cơ sở hạ tầng, đường sá, với nhu cầu đầu tư khoảng 90-100 tỷ USD. Đơn cử như trong lĩnh vực hạ tầng viễn thông, theo đại diện của Tập đoàn Viettel, mật độ điện thoại tại đây còn rất thấp và đó là cơ hội để đầu tư.

Chẳng hạn tại Tanzania, chỉ 1 tháng sau khi Viettel đầu tư đã có 1 triệu người dùng điện thoại, cho thấy tốc độ tăng trưởng của thị trường là rất lớn.

Hiện Viettel đã đầu tư tại 4 quốc gia châu Phi gồm Mozambique, Cameroon, Tanzania, Burundi. Doanh thu tại thị trường châu Phi năm 2015 đạt gần 4.900 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với 2014. Đại diện Viettel cũng cho hay đã tạo ra 3.000 việc làm trực tiếp và 300.000 việc làm gián tiếp tại châu Phi.

Tuy vậy, đây cũng là thị trường còn khá nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư. Như Tập đoàn Viettel, dù doanh thu năm 2015 tăng trưởng tới 25% nhưng lại gánh khoản lỗ gần 2.600 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần năm 2014. Báo cáo tài chính của Viettel Global cho biết, nguyên nhân lỗ là do biến động tỷ giá và chi phí tài chính tăng cao.

Về biến động tỷ giá, năm 2015 một số đồng nội tệ của các quốc gia châu Phi mà Viettel đang đầu tư đã giảm giá mạnh so với USD. Rủi ro khó đoán này khiến lỗ chênh lệch tỷ giá đã tăng lên hơn 5 lần; giá hàng hóa tăng cũng khiến chi phí tài chính khác tăng 3,5 lần; trong khi lãi suất tăng khiến chi phí lãi vay cao gấp 1,5 lần của năm 2014.

Một số nhà đầu tư có kinh nghiệm cũng lưu ý, châu Phi có 55 nước với các thể chế và định hướng phát triển khác nhau, có nhiều luật và tiêu chuẩn khác nhau. Chưa kể thủ tục hành chính ở đây còn tương đối rườm rà khiến chi phí hoạt động của doanh nghiệp tương đối cao.

Vì vậy nhà đầu tư Việt Nam muốn rót vốn vào khu vực này cần xác định chiến lược kinh doanh dài hạn và nên có đối tác địa phương để giảm chi phí và bớt phiền hà.