Đầu tư vào Phú Quốc, chưa lỡ chuyến tàu

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Đảo Ngọc đã có một diện mạo mới hoàn toàn so với 4 - 5 năm trước đây, cùng với những cơ chế ưu đãi rất lớn cho các nhà đầu tư yêu mến nó. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó trưởng Ban Quản lý Đầu tư Phát triển đảo Phú Quốc, có thể kỳ vọng đến 2018 - 2020, Phú Quốc sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực, không thua kém các địa danh như Phuket (Thái Lan), Bali (Indonesia).

Đầu tư vào Phú Quốc, chưa lỡ chuyến tàu - Ảnh 1
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó trưởng Ban quản lý dự án
Phóng viên: Trở thành một điểm nóng đầu tư trong thời gian gần đây, ông có thể chia sẻ một số dữ liệu cho thấy sự quan tâm rất lớn tới hòn đảo này?

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó trưởng Ban Quản lý Đầu tư Phát triển đảo Phú Quốc: Hiện đã có 202 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư vào Phú Quốc, với tổng diện tích 7.976 héc-ta. Trong đó, có 143 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng mức đầu tư 144.190 tỷ đồng; 21 dự án đã đi vào hoạt động với diện tích 1.286 héc-ta, tổng vốn đầu tư 24.814 tỷ đồng.

Cho đến nay, Ban Quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc đã giao đất cho 112 dự án với tổng diện tích 6.166,2 héc-ta, trong đó giao đất có thu tiền với diện tích 737,37 héc-ta; cho thuê đất với diện tích 1.191 héc-ta.

Tổng số đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt đến nay là 192 đồ án, với tổng số diện tích là 6.107,89/7.557,61 héc-ta. Trong đó, đất du lịch chiếm 4.070 héc-ta, đất đô thị 507,74 héc-ta. Tổng số phòng của các cơ sở lưu trú đã được phê duyệt quy hoạch là 89.226 phòng. 

Phú Quốc đã hiện đại hoàn toàn khác so với vài năm trước đây nhờ hàng loạt công trình hạ tầng hoàn tất và đang được thực hiện. Tiến độ triển khai các dự án lớn đang đến đâu, thưa ông?

Năm 2015, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn đảo theo kế hoạch được giao là 1.687,8 tỷ đồng. Trong quý I/2015, giá trị khối lượng thực hiện là 151 tỷ đồng, đạt 9% so với kế hoạch đầu tư. Còn nếu xét về từng dự án lớn, khối lượng công việc đã làm được đến nay là rất lớn.

Cụ thể, đường trục chính Nam - Bắc đảo Phú Quốc có chiều dài 51,5 km, tổng mức đầu tư 2.468 tỷ đồng đã gần hoàn tất, đến nay giá trị khối lượng thực hiện đạt 91% tổng vốn đầu tư.

Đường vòng quanh đảo Phú Quốc có chiều dài 99,5 km, tổng mức đầu tư là 3.011,79 tỷ đồng (gồm 8 tuyến đường và 1 cầu) hiện nay đang triển khai 5 tuyến đường và 1 cầu có chiều dài 47,84 km.

Các tuyến đường nhánh do UBND huyện Phú Quốc làm chủ đầu tư như đường cửa lấp nối trục Nam - Bắc, cải tạo và nâng cấp đường Khu Tượng - Gành Gió, đường Suối Cái Gành Dầu - ấp 2 xã Cửa Cạn, đều đang triển khai đúng tiến độ đề ra.

Về xây dựng các cảng biển, Dự án nâng cấp cảng cá An Thới, dự án đê chắn sóng và nạo vét luồng cửa sông Dương Đông đang được khẩn trương tập trung thực hiện. 

Trước đây, Phú Quốc không có điện phải chạy bằng máy phát khiến chi phí rất đắt đỏ, sau khi được hòa lưới điện quốc gia, hiện giờ tình hình cấp điện, nước ở đảo đã ổn định chưa?

Dự án cáp ngầm 110kV Hà Tiên - Phú Quốc chiều dài 55,8 km, có tổng mức đầu tư 2.336 tỷ đồng, đến nay đã hoàn thành, đưa vào sử dụng đầu năm 2014 và vận hành rất ổn định. Giá điện tại Phú Quốc, giờ không có gì chênh lệch so với đất liền.

Còn tình hình cấp nước không có gì phải lo ngại. Dự án nâng cấp và cải tạo hồ nước Dương Đông  đã thực hiện giải ngân đạt 78% so với tổng mức đầu tư. Dự án cấp nước Phú Quốc từ 5.000 m3/ngày lên 16.500 m3/ngày cũng đang theo đúng kế hoạch đề ra. 

Những ai có mặt ở Phú Quốc thời điểm này đều cảm nhận được sức nóng của thị trường bất động sản khi nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào đây. Biến động này có tác động gì đến tiến độ các dự án không, thưa ông?

Đúng là nhiều dự án đang gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, có thể ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Đặc thù của Phú Quốc là có nhiều đất rừng, nguồn gốc đất khó xác định, khi giá đất nóng lên, nếu không thực hiện chính xác, thỏa đáng việc bồi thường, rất dễ gây khiếu kiện.

Đồng thời theo quy định mới của Luật Đất đai, hiện giờ phải có đất sạch, cơ quan quản lý mới có thể ra quyết định giao đất cho nhà đầu tư (trước kia luật chỉ yêu cầu 70%).

Đặc biệt, trong các văn bản pháp lý hiện hành chỉ quy định chung chung là người dân được hỗ trợ chuyển đổi nghề với hệ số tối đa 1,5 lần/nghề, nhưng không quy định cụ thể đó là những nghề gì. Điều này cũng gây khó khăn cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Do đó, hạn chế lớn nhất hiện nay, theo chúng tôi là trong quá trình thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư, dù chính quyền đã có nhiều cố gắng, tập trung chỉ đạo nhưng vẫn chưa đáp ứng tiến độ giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt. 

Liệu có hay không tình trạng nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính song vẫn xin cấp dự án để rồi sau đó không triển khai mà chuyển nhượng kiếm lời?

Khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng như tôi đã đề cập một phần còn do nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính để tạm ứng tiền chi trả phương án bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư của dự án. Trong quý I vừa qua, chúng tôi đã trình UBND tỉnh thu hồi chủ trương đầu tư 1 dự án với diện tích 4,95 héc-ta.

Trong quý II này, chúng tôi tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, phối hợp công tác triển khai với công tác kiểm tra, rà soát tiến độ triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư dự án của các nhà đầu tư theo quy định, tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định thu hồi chủ trương đầu tư một số dự án chậm triển khai. 

Về phần mình, các ông có giải pháp gì để hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án?

Có thể coi Ban Quản lý đầu tư phát triển Đảo Phú Quốc như cánh tay nối dài của UBND tỉnh, được phép thay mặt các sở, ban, ngành của tỉnh để tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu, đề xuất của nhà đầu tư. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, từ thực tiễn phát sinh những vấn đề gì cần thay đổi, chỉnh sửa các quy định hiện hành, chúng tôi đều tổng hợp, báo cáo các cơ quan quản lý cấp trên để có hướng tháo gỡ cho nhà đầu tư.

Trong quý II, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tổ chức làm việc với các nhà đầu tư để hướng dẫn lập các thủ tục chuẩn bị đầu tư và thực hiện ký quỹ đảm bảo đầu tư đối với các dự án được chấp thuận chủ trương trên địa bàn huyện Phú Quốc.

Có tiềm năng lớn nhưng so với các điểm du lịch hấp dẫn trong khu vực, Phú Quốc vẫn còn rất sơ khai. Vậy theo ông, với những gì chúng ta đang làm và sẽ làm, đến thời điểm nào, Phú Quốc có thể hoàn thiện đồng bộ và trở thành điểm đến hấp dẫn?

Tôi nghĩ rằng, với những nỗ lực đang được thực hiện, sớm có thể vào năm 2018, muộn hơn thì đến 2020, Phú Quốc sẽ đủ điều kiện trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách, với hệ số lưu trú tại đây dài ngày hơn hiện tại.